HỘI ĐỒNG BẢO AN, TÁI KHẲNG ĐỊNH các nghị quyết trước đây về Iraq, bao gồm nghị quyết 1483 (2003) ngày 22/5/2003 và 1500 (2003), và các nghị quyết về sự đe doạ đối với hoà bình và an ninh do những hành động khủng bố gây ra, bao gồm 1373 (2001) ngày 28/9/2001 và các nghị quyết có liên quan khác,
NHẤN MẠNH rằng Nhà nước Iraq kiểm soát chủ quyền của Iraq, tái khẳng định quyền của nhân dân Iraq được quyết định tương lai nền chính trị của mình và kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình,
TÁI KHẲNG ĐỊNH quyết tâm rằng ngày người Iraq có quyền tự điều hành sẽ tới nhanh, và THỪA NHẬN tầm quan trọng của sự ủng hộ quốc tế, nhất là những nước trong khu vực, các quốc gia láng giềng của Iraq, các tổ chức khu vực, trong việc đẩy nhanh tiến trình này.
THỪA NHẬN sự ủng hộ của quốc tế đối với việc khôi phục các điều kiện ổn định và an ninh cũng như đối với những người tiến hành công việc thay mặt người dân Iraq là điều then chốt đưa tới sự phồn vinh của nhân dân Iraq và hoan nghênh những đóng góp của các quốc gia thành viên về phương diện này theo nghị quyết 1483 (2003),
HOAN NGHÊNH quyết định của Hội đồng điều hành Iraq thành lập một uỷ ban chuẩn bị hiến pháp để mở một hội nghị về hiến pháp, phác thảo nghị quyết thể hiện những nguyện vọng của người dân Iraq và THÚC GIỤC hội đồng hoàn tất tiến trình này một cách nhanh chóng,
KHẲNG ĐỊNH rằng các vụ đánh bom khủng bố Đại sứ quán Jordan ngày 7/8/2003, trụ sở Liên Hợp Quốc ở Baghdad ngày 19/8/2003 và Thánh đường Imam Ali ở Najaf ngày 29/8/2003, là những vụ tấn công nhằm vào nhân dân Iraq, Liên Hợp Quốc, và cộng đồng quốc tế và LÊN ÁN vụ ám sát tiến sĩ Aqila al-Hashimi, người từ trần ngày 25/9/2003, coi đây là đòn tấn công nhằm vào tương lai Iraq.
Trong bối cảnh đó, nhắc lại và TÁI KHẲNG ĐỊNH tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Bảo an ngày 20/8/2003 (S/PRST/2003/13) và nghị quyết 1502 ngày 26/8/2003.
QUYẾT ĐỊNH rằng tình hình ở Iraq, tuy đã được cải thiện, tiếp tục là một mối đe doạ đối với hoà bình và an ninh quốc tế,
CĂN CỨ THEO CHƯƠNG VII TRONG HIẾN CHƯƠNG CỦA LIÊN HỢP QUỐC,
1/ TÁI KHẲNG ĐỊNH chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Iraq, và NHẤN MẠNH, rằng trong bối cảnh đó, tính chất tạm thời của các hoạt động do Cơ quan điều hành Liên quân Lâm thời tiến hành, các trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ cụ thể theo luật quốc tế được thừa nhận và nêu ra trong nghị quyết 1483 (2003). Những trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ này sẽ không còn hiệu lực, khi một chính quyền đại diện được quốc tế công nhận do nhân dân Iraq lập ra tiếp nhận các trách nhiệm của Cơ quan điều hành Liên quân lâm thời, thông qua các bước được nêu ra trong các đoạn 4 đến đoạn 7 và 10 dưới đây;
2/ HOAN NGHÊNH phản ứng tích cưc của cộng đồng quốc tế, bao gồm Liên đoàn Ảrập, Tổ chức Hội nghị Hồi giáo, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hợp Quốc đối với việc thành lập một Hội đồng điều hành là một bước đi quan trọng tiến tới một chính phủ đại diện được quốc tế công nhận,
3/ ỦNG HỘ các cố gắng của Hội đồng Điều hành huy động sự tham gia của người dân Iraq, trong việc chỉ định ra một nội các bộ trưởng và một uỷ ban chuẩn bị hiến pháp để mở đầu một tiến trình trong đó nhân dân Iraq sẽ dần dần kiểm soát các vấn đề của mình;
4/QUYẾT ĐỊNH rằng Hội đồng Điều hành và các bộ trưởng là bộ phận chính của chính quyền Iraq lâm thời, thể hiện chủ quyền của Nhà nước Iraq trong giai đoạn chuyển tiếp cho đến khi một chính quyền dại diện, được quốc tế công nhận được thành lập và tiếp nhận các trách nhiệm của Cơ quan điều hành Liên quân lâm thời;
5/ KHẲNG ĐỊNH rằng các cơ cấu liên tục thay đổi của chính quyền lâm thời Iraq sẽ dần dần thực hiện việc quản lý Iraq;
6/ KÊU GỌI Cơ quan điều hành Liên quân Lâm thời, trong hoàn cảnh này, trả lại các trách nhiệm và quyền lực điều hành cho nhân dân Iraq ngay khi việc này có thể thực hiện được và yêu cầu Cơ quan điều hành Liên quân Lâm thời, phối hợp với Hội đồng Điều hành Iraq và Tổng thư ký LHQ, báo cáo lại Hội đồng bảo an về các tiến bộ đạt được;
7/ MỜI Hội đồng điều hành, không muộn hơn ngày 15/12/2003, phối hợp với Cơ quan điều hành Lâm thời và Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký, đưa ra trước Hội đồng Bảo an một lịch trình và chương trình phác thảo hiến pháp mới cho Iraq và tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ theo hiến pháp đó;
8/ QUYẾT TÂM rằng Liên Hợp Quốc, thông qua Tổng Thư ký, Đại diện đặc biệt của ông và Phái đoàn Hỗ trợ của Liên Hợp Quốc ở Iraq, sẽ củng cố vai trò sống còn của mình ở Iraq, bao gồm cung cấp đồ cứu trợ nhân đạo, thúc đẩy việc tái thiết nền kinh tế và tạo ra các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững ở Iraq, và thúc đẩy những cố gắng khôi phục và thiết lập các thể chế quốc gia và địa phương cho chính quyền đại diện;
9/YÊU CẦU rằng, nếu điều kiện cho phép, Tổng thư ký sẽ thực hiện các bước được nêu ra trong đoạn 98 và 99 của bản báo cáo của Tổng thư ký ngày 17/7/2003;
10/LƯU Ý tới ý định của Hội đồng Điều hành mở một hội nghị về hiến pháp, và vì triệu tập một hội nghị như vậy sẽ là một mốc trong tiến trình nhằm thực hiện đầy đủ chủ quyền, kêu gọi chuẩn bị đối thoại trong nước và xây dựng sự đồng thuận càng sớm càng tốt và yêu cầu Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký, vào thời điểm trỉệu tập hội nghị, nếu tình hình cho phép, sẽ cho phép người dân Iraq sử dụng những hiểu biết của Liên Hợp Quốc trong tiến trình chuyển tiếp chính trị, bao gồm cả việc lập ra tiến trình bầu cử;
11/ YÊU CẦU Tổng thư ký đảm bảo rằng các nguồn lực của Liên Hợp Quốc và các tổ chức liên quan sẽ sẵn sàng, nếu Hội đồng Điều hành Iraq yêu cầu và nếu tình hình cho phép, giúp đỡ trong việc thực hiện chương trình được Hội đồng điều hành đưa ra trong đoạn 7 ở trên và khuyến khích các tổ chức khác am hiểu lính vực này hỗ trợ Hội đồng Điều hành Iraq, khi được yêu cầu;
12/ YÊU CẦU Tổng thư ký báo cáo lên Hội đồng Bảo an về các trách nhiệm của ông theo nghị quyết này và các bước tiến triển trong việc áp dụng một lịch trình và chương trình theo đoạn 7 ở trên;
13/ QUYẾT ĐỊNH rằng đảm bảo an ninh và ổn định là điều kiện then chốt đối với thành công của tiến trình chính trị như đã nêu trong đoạn 7 ở trên, khả năng Liên Hợp Quốc đóng góp hữu hiệu cho tiến tình này và việc thực hiện nghị quyết 1483 (2003), CHO PHÉP thành lập một lực lượng đa quốc gia chịu sự chỉ huy của một cấp thống nhất để thực hiện tất cả các biện pháp góp phần duy trì an ninh và ổn định ở Iraq, đảm bảo những điều kiện cần thiết cho việc thực hiện thời gian biểu và chương trình hành động, góp phần đảm bảo an ninh cho Phái đoàn Hỗ trợ của Liên Hợp Quốc ở Iraq, Hội đồng Điều hành Iraq, các cơ quan trong chính quyền lâm thời Iraq, và các cơ sở hạ tầng nhân đạo và kinh tế quan trọng;
14/ THÚC GIỤC các nước thành viên hỗ trợ, dưới sự uỷ quyền của Liên Hợp Quốc, bao gồm cả lực lượng quân sự, cho lực lượng đa quốc gia được đề cập trong đoạn 13 ở trên;
15/ QUYẾT ĐỊNH rằng Hội đồng sẽ xem xét những yêu cầu và sứ mệnh của lực lượng đa quốc gia được nhắc tới trong đoạn 13 ở trên không muộn hơn 1 năm kể từ ngày ra nghị quyết này, và trong bất kỳ trường hợp nào, quyền lực lực lượng sẽ hết hạn khi tiến trình chính trị được miêu tả từ chương 4 đến chương 7 và 10 ở trên hoàn tất, và trong trưòng hợp đó, sẵn sàng xem xét bất kỳ nhu cầu nào trong tương lai đối với việc tiếp tục duy trì một lực lượng đa quốc gia, có tính đến các quan điểm của một chính quyền đại diện được quốc tế công nhận ở Iraq;
16/ NHẤN MẠNH tầm quan trọng của việc thành lập các lực lượng cảnh sát và an ninh Iraq duy trì luật pháp, trật tự, an ninh và chống khủng bố hiệu quả, phù hợp với đoạn 4 trong nghị quyết 1483 (2003), và kêu gọi các nước thành viên và các tổ chức khu vực và quốc tế đóng góp vào việc đào tạo và trang bị cho lực lượng cảnh sát và an ninh Iraq;
17/ BÀY TỎ lòng cảm thông sâu sắc đối với những mất mát cá nhân mà nhân dân Iraq, Liên Hợp Quốc và gia đình các nhân viên Liên Hợp Quốc đã nếm trải, và tất cả các nạn nhân vô tội khác thiệt mạng hay bị thương trong những vụ tấn công bi thảm này;
18/ HẾT SỨC LÊN ÁN các vụ đánh bom khủng bố Đại sứ quán Jordan ngày 7/8/2003, trụ sở Liên Hợp Quốc ở Baghdad ngày 19/8/2003, và Thánh đường Imam Ali ở Najaf ngày 29/8/2003, và Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ngày 14/10/2003, vụ ám sát một nhà ngoại giao Tây Ban Nha ngày 9/10/2003, và vụ ám sát Tiến sĩ Aqila al-Hashimi và NHẤN MẠNH rằng tất cả những kẻ chịu trách nhiệm phải bị đưa ra trước công lý;
19/ YÊU CẦU các nước thành viên ngăn chặn những kẻ khủng bố quá cảnh sang Iraq, việc chuyển vũ khí cho những kẻ khủng bố và các hoạt đống tài chính hỗ trợ những kẻ khủng bố và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường sự hợp tác giữa các nước trong khu vực, nhất là các nước láng giềng của Iraq, về phương diện này;
20/ ĐỀ NGHỊ các nước thành viên và các cơ quan tài chính quốc tế tăng cường những cố gắng hỗ trợ nhân dân Iraq trong việc tái thiết và phát triển nền kinh tế của mình và thúc giục các cơ quan này khẩn trương tiến hành các biện pháp để cấp các khoản vay và hỗ trợ tài chính cho Iraq, làm việc với Hội đồng Điều hành và các bộ có liên quan của Iraq;
21/ THÚC GIỤC các nước thành viên và các tổ chức khu vực và quốc tế hỗ trợ những nỗ lực tái thiết Iraq, khởi xướng tại hội nghị của Liên Hợp Quốc ngày 24/6/2003, bằng cách đưa ra được những cam kết quan trọng tại Hội nghị Các nhà tài trợ Quốc tế ngày 23 – 24/10/2003 ở Madrid;
22/ YÊU CẦU các nước thành viên và các tổ chức có liên quan giúp đáp ứng các nhu cầu của người dân Iraq bằng cách cung cấp các nguồn lực cần thiết cho việc hồi hương và tái xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế Iraq;
23/ NHẤN MẠNH rằng việc thành lập Ban Cố vấn và Giám sát Quốc tế (IABM) được nhắc đến trong đoạn 12 của nghị quyết 1483 (2003) nên là một ưu tiên, và tái khẳng định rằng Quỹ Phát triển cho Iraq sẽ được sử dụng một cách minh bạch như đã nêu trong chương 14, nghị quyết 1483 (2003);
24/ NHẮC các nước thành viên về nghĩa vụ của họ theo đoạn 19 và 23 trong nghị quyết 1483 (2003) nhất là nghĩa vụ ngay lập tức giúp chuyển giao các quỹ, các nguồn lực kinh tế và tài chính cho Quỹ Phát triển cho Iraq, vì lợi ích của nhân dân Iraq;
25/ YÊU CẦU nước Mỹ, đại diện cho lực lượng đa quốc gia đã được nêu ra trong đoạn 13 ở trên, phải báo cáo lại Hội đồng Bảo an về những nỗ lực và các tiến bộ của lực lượng này và không dưới 6 tháng một lần;
26/ QUYẾT ĐỊNH vẫn theo dõi vấn đề này.
Minh Châu dịch