Oanh tạc cơ H-6K thực hành hạ, cất cánh trên đảo Phú Lâm.
Trung Quốc cho một máy bay ném bom tầm xa H-6K thực hành diễn tập hạ cánh và cất cánh tại một đường băng trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào cuối tuần trước. Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay động thái vi phạm nghiêm trọng chủ quyền này. Lầu Năm Góc lên án đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa ở Biển Đông và là động thái gây bất ổn khu vực.
Tuy nhiên, Bắc Kinh từ lâu đã phớt lờ những lời lên án, bác bỏ rằng họ đang quân sự hóa khu vực mặc dù chỉ vừa đầu tháng này Trung Quốc đã triển khai tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa phòng không đến quần đảo Trường Sa, theo tình báo Mỹ. Việt Nam đã đề nghị Trung Quốc rút trang thiết bị quân sự triển khai trái phép trên các cấu trúc thuộc chủ quyền của Việt Nam.
"Tôi nghĩ rằng có một động lực chính trị rõ ràng khi Trung Quốc chọn thời điểm này" để diễn tập hạ cánh oanh tạc cơ, Euan Graham, giám đốc của chương trình an ninh quốc tế tại Viện Lowy ở Australia, đánh giá, theo AFP. "Bởi vì Mỹ đang tập trung vào vấn đề Triều Tiên. Thế nên, phản ứng của Mỹ có thể bị hạn chế".
Cây bút Brendon Hong của Daily Beast cho rằng Trung Quốc đang thăm dò cách Mỹ sẽ phản ứng tại thời điểm Bắc Kinh dường như qua mặt Washington trên nhiều mặt trận. Trong các cuộc đàm phán thương mại, cuộc đấu tranh bảo vệ sở hữu trí tuệ của Mỹ dường như đã bị bỏ rơi, những lời đe dọa áp thuế với hàng hóa Trung Quốc đã bị rút lại. Mặc dù các tàu chiến Mỹ đã tiến hành các hoạt động tự do hàng hải gần các thực thể Trung Quốc chiếm đóng, họ chưa trực tiếp ngăn cản Bắc Kinh.
Sự thành công hay thất bại của Trump tại hội nghị thượng đỉnh với Kim Jong-un cũng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, bên có quan hệ kinh tế chính với Triều Tiên. "Bắc Kinh tự coi mình là người nắm giữ quyền lực cao hơn trong các vấn đề mà Mỹ đang đầu tư nhiều công sức hơn và đang sử dụng điều này như đòn bẩy trong khi họ thắt chặt kiểm soát ở Biển Đông", Hong viết.
Khi được triển khai đến đảo Phú Lâm, máy bay ném bom chiến lược tầm xa H-6K có thể tiếp cận gần như toàn bộ Biển Đông và nhiều nước xung quanh, theo một phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington. Việc bố trí thêm nhiều khí tài quân sự tại Biển Đông cho phép Trung Quốc "gây ảnh hưởng đến các nước láng giềng yếu hơn trong thời bình", Bonnie Glaser, chuyên gia CSIS nói.
"Chẳng hạn, thông qua việc sử dụng một số lượng lớn các tàu hành pháp, họ có thể gây áp lực khiến Việt Nam và Philippines không thể đơn phương khai thác năng lượng trong các vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền", bà nói.
Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte không còn gay gắt về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc. Bắc Kinh cũng thực hiện chiến lược "tấn công quyến rũ" một số nước trong ASEAN để ngăn khối này đạt được sự đồng thuận.
Trong khi đó, Graham đánh giá cuộc diễn tập hạ cánh oanh tạc cơ của Trung Quốc "phần lớn mang tính biểu tượng" và không phải là một phát triển quân sự quan trọng.
Để triển khai máy bay từ đảo Phú Lâm, Trung Quốc sẽ phải lắp đặt cơ sở hạ tầng hậu cần để vận hành, tiếp liệu, lưu trữ vũ khí và có nơi ở phi hành đoàn. "Việc chỉ đơn giản hạ cánh một chiếc máy bay không biến nó thành không gian hoạt động", Graham nói thêm.