Cuộc họp thứ năm Ủy ban Đàm phán liên chính phủ của Liên hợp quốc (INC-5) kết thúc ngày 1/12 tại Busan, Hàn Quốc mà không đưa ra thỏa thuận nào về hiệp ước nhựa toàn cầu. Đây là vòng đàm phán cuối cùng về hiệp ước này, sau các cuộc họp trước đó từ 2022.
Hơn 100 quốc gia muốn hạn chế sản xuất, trong khi số ít các nhà sản xuất dầu, như Arab Saudi, phản đối mạnh mẽ và muốn hướng giải pháp vào rác thải nhựa.
Theo Eunomia, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc và Arab Saudi là năm quốc gia sản xuất nhựa hàng đầu trong năm 2023.
Các tập đoàn tiêu dùng toàn cầu lớn như Walmart, Unilever và Nestlé nằm trong số hơn 200 công ty ủng hộ các nỗ lực chấm dứt việc sử dụng nhựa dùng một lần và hóa chất độc hại, thay vì bỏ chi phí xử lý.
Ngoài ra, các vấn đề gây chia rẽ khác gồm hạn chế sản xuất, quản lý sản phẩm nhựa và hóa chất gây hại cho sức khỏe, môi trường, cũng như tài chính hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện hiệp ước.
Do quan điểm còn cách xa nhau, các quốc gia hoãn lại đàm phán và đồng ý nối lại nhưng thời gian chưa xác định được thời gian cụ thể.
Vòng đàm phán nhựa bị hoãn lại chỉ vài ngày sau kết thúc đầy biến động của Hội nghị thượng đỉnh COP29 tại Baku, Azerbaijan.
Financial Times cho rằng nếu đạt được đồng thuận, hiệp ước này sẽ là một trong những thỏa thuận quan trọng nhất về môi trường kể từ Thỏa thuận Paris về khí hậu năm 2015.
Sản xuất nhựa được dự báo tăng gấp ba lần vào 2050. Vi nhựa được tìm thấy trong không khí, nông sản tươi, thậm chí sữa mẹ. Các hóa chất đáng lo ngại trong nhựa gồm hơn 3.200 loại, trong đó phụ nữ và trẻ em dễ bị phơi nhiễm, theo báo cáo năm 2023 của chương trình môi trường Liên Hợp Quốc.
Đại diện một số quốc gia cho rằng cần cấp thiết nối lại đàm phán. "Mỗi ngày trì hoãn là một ngày chống lại nhân loại", Juan Carlos Monterrey Gomez, trưởng đoàn Panama cho biết.
Thủy Trương