Chiều 8/1, phiên tuyên án bị cáo Dương Tự Trọng (cựu phó giám đốc Công an Hải Phòng) và 6 đồng phạm tại TAND Hà Nội bắt đầu chậm hơn 20 phút so với thông báo trước đó của tòa.
Thẩm phán, chủ tọa Trương Việt Toàn cho biết theo lời khai, ngày 17/5/2012, cựu cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng sau khi nghe mật báo bị khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đã gọi cho ông Dương Tự Trọng (em trai) và được hướng dẫn tạm thời đến trốn tại nhà bạn gái của ông ta.
Tối 17/5/2012, ông Dũng được người của ông Trọng đưa về huyện Hải Hà (Quảng Ninh). Việc tổ chức đưa ông Dũng trốn ra nước ngoài được Vũ Tiến Sơn (cựu phó Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Hải Phòng) thay mặt ông Trọng giải quyết. Ông Dũng sau đó được đưa vào TP HCM, ra cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) sang Campuchia rồi tới Singapore. Không xin được visa vào Mỹ, từ Singapore ông Dũng quay lại Campuchia và ở tại đây gần 4 tháng cho tới khi bị bắt (4/9/2012).
Theo tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi, riêng ông Trọng không thừa nhận nhưng không phủ nhận lời khai của các bị cáo. Tuy nhiên, căn cứ tài liệu và lời khai của các bị cáo, tòa nhận thấy việc truy tố là có căn cứ, đúng pháp luật.
Chủ tọa cho hay trước tòa ông Dũng khai lý do biết được tin bị khởi tố trước khi cơ quan điều tra tống đạt lệnh khởi tố, bắt giam. Đại diện VKS sau đó đã đề nghị HĐXX xem xét khởi tố vụ án cố ý làm lộ tài liệu công tác, đồng thời làm rõ lời khai của ông Dũng.
TAND Hà Nội nhận định, hành vi đưa ông Dũng bỏ trốn của 7 bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng. Việc ông Dũng trốn trót lọt sang Campuchia đã gây khó khăn cho việc điều tra vụ án ở Vinalines. Nếu không bắt được ông Dũng sẽ tốn kém công sức, tiền bạc của nhà nước. Việc ông Dũng bị bắt lại là nằm ngoài ý thức của các bị cáo.
Bị cáo Trọng là cán bộ công an cao cấp nhưng đã làm sai, gây khó khăn cho công tác điều tra của nhà nước, dù có thành tích trong công tác nhưng cần phải áp dụng mức án cao. Vì lẽ đó, tòa tuyên phạt ông này mức án cao nhất dành cho chủ mưu, 18 năm tù.
Do thay mặt ông Trọng trực tiếp chỉ đạo, bị cáo Sơn lĩnh 13 năm tù. Đánh giá 5 bị cáo còn lại có vai trò thấp hơn, tòa tuyên phạt Hoàng Văn Thắng (44 tuổi, nguyên cán bộ Phòng cảnh sát điều tra các tội phạm về môi trường, Công an Hải Phòng) 5 năm tù, Nguyễn Trọng Ánh (29 tuổi, nguyên cán bộ Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an Hải Phòng) nhận 6 năm, Đồng Xuân Phong (40 tuổi, nguyên cán bộ Cục Hải quan Hải Phòng) 7 năm, Trần Văn Dũng (Dũng "Bắc Kạn", 46 tuổi, giang hồ đất Cảng) 8 năm, Phạm Minh Tuấn (53 tuổi, giám đốc xí nghiệp Bạch Đằng) 5 năm.
Chủ tọa Trương Việt Toàn ngay sau đó đọc quyết định khởi tố vụ án do ông vừa ký. "Căn cứ các quyết định về độ tuyệt mật, tối mật trong Công an nhân dân, căn cứ lời khai của các bị cáo cùng nhân chứng và đề nghị của VKS, HĐXX nhận thấy có dấu hiệu làm lộ nên ra quyết định khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước", thẩm phán đọc.
TAND Hà Nội cho hay quyết định khởi tố được chuyển đến VKSND Hà Nội để điều tra theo thẩm quyền.
Ngay sau phiên xử, trao đổi với VnExpress, thẩm phán Toàn cho hay luật pháp cho phép tòa án trong quá trình xét xử thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì được quyền khởi tố vụ án. Trong hai ngày xét xử vừa qua, qua lời khai của Dương Chí Dũng và nhiều người, nghi ngờ có việc làm lộ bí mật nhà nước trong quá trình điều tra vụ án, tòa án đã thực hiện thẩm quyền trên.
Ông Toàn cho biết thêm việc TAND Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án như hôm nay không phải là "quá đặc biệt" vì trước đó cũng đã nhiều lần thực hiện.
Ông Toàn chia sẻ không gặp áp lực trong quá trình xét xử cựu phó giám đốc Công an Hải Phòng. Song tiếc cho cho ông này trong lúc không sáng suốt đã vi phạm pháp luật.
Điều 100 Bộ luật Tố tụng hình sự Chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những cơ sở sau đây: 1. Tố giác của công dân; 2. Tin báo của cơ quan, tổ chức; 3. Tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; 4. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trực tiếp phát hiện dấu hiệu của tội phạm; 5. Người phạm tội tự thú. Điều 104: Quyết định khởi tố vụ án hình sự 1.... Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra. 3. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự..., quyết định khởi tố của Hội đồng xét xử phải được gửi tới Viện kiểm sát để xem xét, quyết định việc điều tra. |
Việt Dũng