8h10, là người trình bày đầu tiên tại ngày thứ hai của phiên xử (8/1), bị cáo Phạm Minh Tuấn (53 tuổi, giám đốc xí nghiệp Bạch Đằng) khai quan hệ bạn bè với bị cáo Dương Tự Trọng (em trai ông Dũng) từ nhiều năm. Suốt chặng đường từ Hải Phòng về Hà Nội đón ông Dũng để đưa lên tỉnh biên giới Quảng Ninh, Tuấn "chỉ ngủ và không hề biết mục đích bỏ trốn của ông Dũng".
Sau ông Tuấn, do không mời luật sư, 4 trong 7 bị cáo tham gia đưa Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài đã tự bào chữa. Bị cáo Đồng Xuân Phong (40 tuổi, nguyên cán bộ Cục Hải quan Hải Phòng) thừa nhận có tham gia, giúp sức cho ông Dũng bỏ trốn. "Mọi việc do tình cảm anh em mà làm như vậy", Phong khai. Bị cáo này chính là nghi can đã trốn lệnh truy nã của Công an TP HCM suốt nhiều năm qua.
Theo cáo buộc, ông Trọng đã che giấu cho Phong trong nhiều năm, song tại phiên tòa sáng nay Phong phủ nhận. "Suốt thời gian bỏ trốn, bị cáo không liên lạc với anh Trọng, đề nghị tòa xem xét", bị cáo kết thúc phần tự bào chữa.
8h25, bị cáo Nguyễn Trọng Ánh (29 tuổi, nguyên cán bộ Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an Hải Phòng), Trần Văn Dũng (Dũng "Bắc Kạn", 46 tuổi, giang hồ đất Cảng) và Hoàng Văn Thắng (44 tuổi, nguyên cán bộ Phòng cảnh sát điều tra các tội phạm về môi trường, Công an Hải Phòng) nói ngắn gọn mong muốn được xem xét giảm nhẹ hình phạt do thấy đã thành khẩn khai báo.
Đối đáp với phần bào chữa của 7 bị cáo cùng quan điểm của 5 luật sư, đại diện Viện kiểm sát cho biết các bị cáo đã đưa ông Dũng trốn từ Củ Chi (TP HCM) sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch, rồi từ đó sang Singapore để sang Mỹ nhưng không thành công.
Về mặt chủ quan, các bị cáo đều tiếp nhận mong muốn, yêu cầu của bị cáo Trọng về việc đưa ông Dũng bỏ trốn. Thực tế, ông Dũng đã trốn trót lọt trong vòng gần 4 tháng. "Việc bỏ trốn đã gây khó khăn cho quá trình điều tra sai phạm lớn ở Vinalines", công tố viên nhấn mạnh.
8h35, công tố viên bác đề nghị trả hồ sơ vụ án để điều tra lại của nhiều luật sư. "Chúng tôi thấy vụ án đã được điều tra đầy đủ", đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm.
9h10, nói lời sau cùng, bị cáo Trọng trình bày: "Tôi không hiểu vì sao lại nói tôi ngoan cố. Trước toà, vì trí nhớ nên tôi nói không phản đối, không xác nhận. Tôi không thắc mắc gì nhưng không thể vì vậy mà kết luận là ngoan cố được".
"Tôi mong xét xử khách quan, đánh giá đúng người đúng tội, mở lượng khoan hồng để những người đứng trước vành móng ngựa có cơ hội làm lại. Cá nhân tôi, tôi chấp nhận chấp hành án", cựu phó giám đốc Công an Hải Phòng trình bày.
9h30, bị cáo Thắng trình bày mong được giảm án. "Bị cáo đã mất mát nhiều thứ, trong có lớn nhất là mất niềm tin của Đảng khi bị cáo đứng trong lực lượng công an. Bị cáo mong cho các bị cáo mức thấp nhất, có cơ hội có thời gian làm lại cuộc đời".
Tòa thông báo nghỉ nghị án. 15h tòa sẽ ra phán quyết.
Trước đó, chiều 7/1, trong phần tranh tụng, luật sư Trần Đình Hưng (bảo vệ bị cáo Dương Tự Trọng) không đồng tình nhận định của Viện kiểm sát đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, thủ đoạn che giấu tinh vi do thân chủ của mình cầm đầu. "Nếu người trốn không phải Dương Chí Dũng mà là bất cứ bị cáo nào khác thì mức độ nghiêm trọng không được nhìn nhận như thế này", ông Hưng nói và đề nghị tòa đề nghị trả hồ sơ vụ án đề điều tra lại, đánh giá đúng mức độ vi phạm của các bị cáo để có quyết định chính xác, đúng đắn.
Bổ sung phần bào chữa của luật sư, trước khi đề cập đến nội dung, cựu phó giám đốc Công an Hải Phòng Dương Tự Trọng cho rằng nói việc này không phải cho riêng mình mà vì cho các bị cáo khác. Theo ông, cơ quan tố tụng đánh giá vụ án gây dư luận xấu, ảnh hưởng uy tín cơ quan pháp luật đều là ước định, khó đo đếm. "Việc Viện kiểm sát vận dụng nội dung này để kết tội các bị cáo là bất hợp lý", bị cáo Trọng trình bày..
Bào chữa cho bị cáo Vũ Tiến Sơn (cựu phó Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Hải Phòng), luật sư Đặng Việt Hùng cũng không nhất trí đánh giá tính chất mức độ của vụ án theo kết luận của Viện kiểm sát, cho rằng điều này là khiên cưỡng. "Thông thường người phạm tội thường dụng sim điện thoại không đăng ký. Những hành vi Viện kiểm sát mô tả không phải là tinh vi, đó là việc những người đang trốn tránh thường làm", ông nói.
Đặc biệt, hôm qua tòa dành nhiều thời gian để thẩm vấn nhân chứng Dương Chí Dũng, người được các bị cáo đưa đi trốn. Ngoài việc khai thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ là người gọi điện thoại thông báo mình đã bị khởi tố.
Ông Dũng giải thích: "Tôi đã bị tuyên án tử hình nên ra đây tôi chỉ khai sự thật" và "sự thật không giấu được nên tôi khai ngày hôm nay như vậy". Cựu cục trưởng Hàng hải cho biết sau khi bị tuyên án tử hình do sai phạm trong quản lý tại Vinalines, ngày 25/12/2013 lá đơn tố cáo dài 16 trang đã được ông gửi đến nhiều cơ quan.
Đại diện Viện kiểm sát trong phần luận tội đã đề nghị HĐXX xem xét khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật công tác từ những lời khai của ông Dũng. Đồng thời đề nghị HĐXX xem xét dấu hiệu của việc đưa và nhận hối lộ như lời khai của ông Dũng, trong bản án có đề cập đến việc đưa cho ông Ngọ 500.000 USD.
Với cáo buộc đã tổ chức cho anh trai Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài trước khi cơ quan điều tra thực thi lệnh bắt, bị cáo Dương Tự Trọng (nguyên Phó giám đốc Công an Hải Phòng, nguyên Cục phó Cảnh sát quản lý hành chính, Bộ Công an) bị Viện kiểm sát đề nghị phạt 18 -20 năm tù về tội Tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài. Ở vai trò đồng phạm, Vũ Tiến Sơn (48 tuổi, nguyên phó trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an Hải Phòng) bị đề nghị 17-18 năm, Hoàng Văn Thắng (44 tuổi, nguyên cán bộ Phòng cảnh sát điều tra các tội phạm về môi trường, Công an Hải Phòng), Nguyễn Trọng Ánh (29 tuổi, nguyên cán bộ Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an Hải Phòng), Đồng Xuân Phong (40 tuổi, nguyên cán bộ Cục Hải quan Hải Phòng), Trần Văn Dũng (Dũng "Bắc Kạn", 46 tuổi, giang hồ đất Cảng) mỗi người 6-7 năm. Riêng Phạm Minh Tuấn (53 tuổi, giám đốc xí nghiệp Bạch Đằng, bạn ông Trọng) 5-6 năm. |
Mai Chi