Trong bản án tuyên chiều 10/5, TAND Hà Nội phạt Trần Ngọc Ánh (Phó tổng giám đốc Nhật Cường) 13 năm tù, Đỗ Quốc Huy (Giám đốc Bán hàng) 9 năm, Nông Văn Lư (nhân viên) 7 năm, Hoàng Văn Phong (Trưởng ngành hàng Apple Nhật Cường) 6 năm, Bùi Quốc Việt (nhân viên) 5 năm, Trần Tất Khoa (Giám đốc Nhật Cường tại Quảng Châu, Trung Quốc) 6 năm, Lê Hoài Phương (nhân viên Công ty Nhật Cường Quảng Châu) 4 năm, Ngô Tuấn Sửu (Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Thanh Sơn) 5 năm. Bốn lao động tự do Nguyễn Bảo Trung bị phạt 8 năm, Ngô Đức Tùng 6 năm, Phạm Văn Hiệp 7 năm và Đỗ Văn Dũng 4 năm. 12 bị cáo bị xác định phạm tội Buôn lậu.
Nguyễn Bảo Ngọc (Giám đốc tài chính) 10 năm về tội Buôn lậu, 4 năm về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp 14 năm. Nguyễn Thị Bích Hằng (Kế toán trưởng) bị phạt 3 năm 6 tháng tù về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Cả 14 bị cáo không bị áp dụng hình phạt bổ sung.
HĐXX tuyên tịch thu sung công quỹ nhà nước hơn 1.000 điện thoại di động và tạm giữ nhiều tài sản, đồ vật liên quan khác ở Nhật Cường; giao lại cho Cơ quan điều tra Bộ Công an 33 đồ vật các loại để mở rộng điều tra vụ án ở giai đoạn sau.
HĐXX kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an và VKSND Tối cao phối hợp khẩn trương điều tra, truy bắt những nghi phạm đang bỏ trốn, đặc biệt là Bùi Quang Huy. Với hai tiệm vàng Lộc Phát ở phố Hà Trung và Thuận Phát ở phố Hàng Dầu bị cáo buộc giúp Nhật Cường chuyển tiền ra nước ngoài, HĐXX kiến nghị cần tiếp tục điều tra để tránh bỏ lọt tội phạm.
Phán quyết được tuyên sau hơn 5 ngày xét xử và nghị án. Vụ án ra có 15 bị can nhưng một người đã chết trước khi hầu toà do bệnh hiểm nghèo nên được đình chỉ điều tra.
Bản án nhận định tổng giám đốc Huy đã hợp thức hoá và thu lời bất chính hơn 221 tỷ đồng. Do Huy đã bỏ trốn, HĐXX tuyên buộc 13 bị cáo phạm tội Buôn lậu phải liên đới nộp lại khoản tiền thu lời bất chính này. Cụ thể, Ánh nộp 69 tỷ đồng, Ngọc 40 tỷ, Lư 10 tỷ và những bị cáo còn lại từ hơn 1 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng.
Ở tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, toà buộc hai bị cáo Ngọc và Hằng nộp sung công quỹ nhà nước gần 30 tỷ đồng gây thiệt hại. Trong đó Ngọc 16 tỷ đồng, Hằng hơn 13 tỷ.
HĐXX đánh giá đây là vụ án có sự câu kết giữa các bị cáo để thực hiện hành vi phạm tội do ông chủ Huy chủ mưu, cầm đầu. Các bị cáo trực tiếp hoặc giúp sức cùng Huy buôn lậu; phạm tội nhiều lần, có tổ chức gây rối loạn thị trường nên cần giáo dục cải tạo và trừng trị với hình phạt nghiêm minh.
Ngoài bị cáo Nguyễn Bảo Trung không thừa nhận hành vi, toà đánh giá cao thái độ nhận thức của Nguyễn Ngọc Ánh, Trần Bảo Ngọc, Nông Văn Lư,... Trong số này, một số người đã hỗ trợ đắc lực làm sáng tỏ vụ án.
Theo cáo buộc, từ 2014 đến tháng 5/2019, Nhật Cường mua 2.502 đơn hàng với 254.364 sản phẩm là điện thoại iPhone, máy tính, máy tính bảng,... của nhiều chủ hàng tại Mỹ, UAE, Singapore, Hong Kong. Công ty này không nhập khẩu điện thoại qua đường chính ngạch mà chi 72,9 tỷ đồng để thuê 9 đường dây vận chuyển hàng hoá trái phép từ Hong Kong về Việt Nam. Tổng trị giá hàng hoá và chi phí tiền công vận chuyển hơn 3.000 tỷ đồng, thu lợi hơn 221 tỷ đồng.
Các hoạt động mua bán hàng hoá từ nước ngoài của Nhật Cường không có hoá đơn. Huy chỉ đạo nhân viên chỉ theo dõi, giao dịch hàng hoá trên phần mềm quản lý nội bộ ERP. Khi hàng về kho, Huy chỉ đạo Đỗ Quốc Huy cho nhân viên nhập số IMEI (mã nhận dạng thiết bị di động quốc tế) với từng sản phẩm để tuồn ra bán cùng sản phẩm chính hãng.
Huy còn chỉ đạo lập hai hệ thống sổ sách kế toán theo dõi hoạt động công ty. Nhiều số liệu chỉ được ghi trên phần mềm để theo dõi nội bộ mà không đưa vào báo cáo thuế, gây thiệt hại cho nhà nước gần 30 tỷ đồng.
Viện kiểm sát đánh giá đây là đường dây "buôn lậu chặt chẽ, tinh vi". Số thuế nộp hàng năm của Nhật Cường rất nhỏ, thậm chí có những năm báo cáo lỗ.
Trước đó, trong hơn hai ngày xét xử, 9 bị cáo từng là lãnh đạo, nhân viên tại Công ty Nhật Cường đều thừa nhận hành vi nhưng cho rằng làm theo chỉ đạo của ông chủ Bùi Quang Huy. Họ nói chỉ là những người làm công ăn lương, không được chia bất kỳ lợi nhuận nào từ việc buôn lậu.
Vắng người có vai trò chủ mưu, cầm đầu là ông chủ Huy chưa truy bắt được nên nhiều vấn đề liên quan chưa được làm rõ tại phiên toà như: chuyển tiền ra nước ngoài thông quan hai tiệm vàng như thế nào; hàng nhập lậu lọt qua cửa khẩu, hải quan sân bay ra sao; vì sao nhiều năm hoạt động mà không bị phát hiện...
Cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và vợ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vụ án nên nhờ một điều tra viên Bộ Công an nắm thông tin về hướng điều tra. Ông Chung sau đó nhận 6 tài liệu mật về vụ án nên tháng 12/2020 bị phạt 5 năm tù về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước.
Cũng liên quan vụ án tại Công ty Nhật Cường, ngày 7/1, cơ quan cảnh sát điều tra đã tách vụ án hình sự để điều tra hành vi Vi phạm quy định đầu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở kế hoạch Đầu tư Hà Nội và một số đơn vị liên quan khác. Trong đó các bị can có người từng giữ chức vụ tại Hà Nội như: ông Nguyễn Văn Tứ, Chánh Văn phòng Thành ủy; bà Phạm Thị Thu Hường, Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Tiến Học, cựu phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; bà Phạm Thị Kim Tuyến, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Đánh giá các sai phạm là "nghiêm trọng, phức tạp", tháng 11/2019, Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa vụ án Nhật Cường vào diện theo dõi, chỉ đạo.