Chiều 14/1, là người đầu tiên bị thẩm vấn trong vụ án sự cố chạy thận khiến 9 người chết, bị cáo Trương Quý Dương (nguyên giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình) khai khoảng 9h30 ngày 29/5/2017 nhận được điện thoại từ phó giám đốc Hoàng Đình Khiếu thông báo một số bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo có biểu hiện bất thường, nghi bị ngộ độc.
Ông Dương trả lời nếu chỉ ngộ độc thì ông Khiếu hoàn toàn có thẩm quyền giải quyết. Hai tiếng sau, ông Dương xuống đơn nguyên thận nhân tạo và biết có bệnh nhân đã tử vong, một số người được chuyển lên khoa hồi sức tích cực.
Không thể tổ chức cuộc họp lúc này, ông Dương hội ý ngay cùng bác sĩ Khiếu, Hoàng Công Tình và một số cán bộ.
HĐXX hỏi: "Bị cáo đã làm hết trách nhiệm của mình chưa khi 9h nhận được thông báo mà 11h30 mới xuống xem xét?". Ông Dương nói bệnh viện có rất nhiều khoa, phòng nên ông chỉ nắm khái quát chung. Khi sự cố xảy ra ở chuyên ngành nào, bác sĩ phụ trách sẽ phải có trách nhiệm liên hệ với đầu mối.
Bị thẩm vấn ngay sau đó, bị cáo Khiếu cho hay khoảng 8h ngày 29/5/2017 nhận được tin báo có sự cố ở đơn nguyên thận nhân tạo. Lúc đó, một số bệnh nhân đang được cấp cứu, một số người khác có biểu hiện nặng được đề nghị chuyển lên khoa hồi sức tích cực.
Khi HĐXX nói việc hai bị cáo nguyên là lãnh đạo bệnh viện có sâu sát ngay sau khi xảy ra sự cố hay không là căn cứ để xác định mức độ thiếu trách nhiệm, ông Khiếu nói ngay: Biết sự việc, ông lập tức báo cáo giám đốc nhưng hai tiếng sau ông Dương mới có mặt.
Đối chất việc này, ông Dương nói ngay lúc xảy ra sự cố đã thay mặt bệnh viện nhận trách nhiệm trước mọi người. Ông đã cố gắng làm tất cả trong khả năng và "không chối bỏ trách nhiệm của người đứng đầu".
Nguyên phó giám đốc Bệnh viện không nhận trách nhiệm
Theo cáo buộc của VKS, ông Dương không bố trí kỹ sư, kỹ thuật viên để kiểm tra chất lượng nước, dịch lọc nước trước, trong và sau khi lọc máu. Từ năm 2014 đến 2017, ông không có quyết định giao người phụ trách đơn nguyên này.
Là giám đốc song ông không ban hành quy định vận hành, bảo quản và kỹ thuật an toàn sử dụng hệ thống RO để nhân viên tuỳ tiện sử dụng. Ông Dương ký các hợp đồng, thanh lý hợp đồng sửa chữa nhưng không sâu sát kiểm tra để gây ra hậu quả làm 9 người chết.
Tuy nhiên, khai trước toà, ông Dương cho rằng, đơn nguyên thận nhân tạo có hình thức hoạt động như một khoa trong bệnh viện nên phần việc của nhân sự do trưởng khoa điều phối. "Còn xét về chuyên môn, bị cáo thấy đã đủ nhân viên ở đơn nguyên này", ông Dương nói.
Với vai trò phó giám đốc phụ trách phòng vật tư kiêm trưởng khoa hồi sức tích cực, ông Khiếu khai có trách nhiệm giúp việc cho giám đốc và chịu trách nhiệm khi quyết định một số đầu việc. Tuy nhiên ông quản lý 15 khoa, phòng nên chỉ có thể bao quát chung các vấn đề. Về chuyên môn, khoa đã giao cho bác sĩ Hoàng Công Tình chịu trách nhiệm chính.
Hệ thống lọc nước RO, sau khi nhập về phòng vật tư sẽ bàn giao cho khoa. Lãnh đạo khoa chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý. Do cần có người nắm đầu mối nên lãnh đạo khoa sau đó thống nhất giao cho bác sĩ Tình quản lý hệ thống này.
Trước câu hỏi của HĐXX về quyền hạn của trưởng khoa, ông Khiếu cũng thừa nhận "trưởng khoa có quyền bố trí nhân lực trong khoa cho phù hợp".
Ông Khiếu chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng nước sau sửa chữa. Ngày xảy ra sự cố 29/5/2017, ông không nhận được báo cáo về việc sửa chữa hệ thống lọc nước RO và chưa chỉ đạo ai vận hành hệ thống này.
Tuy nhiên theo cáo buộc của VKS, ông Khiếu ký duyệt đề xuất sửa chữa ngày 20/4/2017, biết rõ nội dung là tẩy rửa màng RO và các đường ống của hệ thống. Ông cũng biết rõ đơn nguyên lọc máu không có kỹ sư, kỹ thuật viên kiểm tra chất lượng nước nhưng đã không triển khai các biện pháp để đảm bảo chất lượng nước.
Ông Khiếu bị cáo buộc buông lỏng quản lý, thiếu giám sát cấp dưới để trong thời gian dài Đơn nguyên lọc máu sau khi sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO đều tuỳ tiện đưa vào sử dụng khi chưa có kết quả xét nghiệm.
Theo cáo trạng, Hoàng Công Lương (bác sĩ), Bùi Mạnh Quốc bị xét xử về tội Vô ý làm chết người theo khoản 2 điều 98 Bộ luật hình sự 1999 với khung hình phạt từ ba đến 10 năm tù.
Trương Quý Dương (nguyên giám đốc Bệnh viện), Hoàng Đình Khiếu (nguyên phó giám đốc bệnh viện), Trần Văn Thắng (nguyên trưởng phòng vật tư), Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng vật tư) cùng Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn) bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 2 điều 285 Bộ luật hình sự 1999 với khung hình phạt từ ba đến 12 năm tù.
Cáo trạng xác định sáng 29/5/2017, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình thì có dấu hiệu bất thường. 9 người tử vong. Nguyên nhân do nguồn nước chạy thận không đảm bảo.