Sáng nay, trong phần thủ tục, HĐXX thông báo một số nhân chứng, người bị hại và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt.
Bào chữa cho bị cáo Lương, luật sư Nguyễn Chiến nói đây là phiên toà quan trọng, liên quan sinh mệnh của con người nên đề nghị HĐXX hoãn phiên toà để triệu tập đầy đủ những người trên.
Luật sư Phạm Quang Hưng cũng đề nghị hoãn phiên tòa để đưa Hoàng Công Lương đi giám định tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 với lý do tình trạng sức khỏe của bị cáo là căn cứ quan trọng để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chủ toạ Nghiêm Hoài Anh thông báo, sau khi có đơn của vợ bị cáo Hoàng Lương về tình trạng sức khỏe của chồng, HĐXX đã xác minh. Theo đó, Hoàng Công Lương đã đến khám tại Viện sức khoẻ tâm thần Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và về nhà điều trị theo đơn thuốc. Ngày 11/1, Lương tự đến TAND thành phố Hoà Bình làm đơn cam kết sẽ tham dự phiên xét xử sơ thẩm dù vẫn mệt mỏi và "không làm chủ được sức khoẻ".
Được gọi lên thẩm vấn sau đó, Hoàng Công Lương cúi mặt nói hiện vẫn uống thuốc theo đơn của bác sĩ, hứa cố gắng có mặt đầy đủ song xin vắng những hôm sức khoẻ không đảm bảo và cam kết không làm ảnh hưởng đến thời gian làm việc của toà.
HĐXX lập tức hỏi: "Bị cáo có đủ sức khoẻ để tham dự phiên xử hôm nay không?". Hoàng Công Lương nói: "Sẽ cố gắng hết sức bởi lúc này nói sức khoẻ đã bình thường cũng không đúng". Sau chừng 15 phút hội ý, HĐXX quyết định không hoãn phiên tòa.
Tiếp tục phần thủ tục, luật sư Trần Hồng Phúc đề nghị triệu tập đại diện Bộ Y tế bởi trong quá trình điều tra bổ sung Bộ này có hai văn bản trái với công văn phúc đáp trước đó. Ngoài Sở Y tế, Sở Nội vụ tỉnh Hoà Bình, đại diện Bệnh viện Bạch Mai, luật sư Phúc đề nghị triệu tập hai giám định viện (Viện Khoa học hình sự Bộ Công an) và mời thêm chuyên gia lọc máu, người am hiểu về hệ thống RO để làm rõ một số tình tiết chuyên môn.
Luật sư Huỳnh Phương Nam cho rằng, lời khai của bị cáo Hoàng Công Lương "rất quan trọng tại phiên toà này". Tuy nhiên, bị cáo chỉ nói sẽ cố gắng có mặt. "Nếu Hoàng Công Lương phải nhập viện điều trị thì phiên toà sẽ diễn ra như thế nào, đề nghị HĐXX xem xét tình trạng bệnh của bị cáo Lương để đảm bảo có lời khai của người bình thường chứ không phải người đang bị tâm thần", luật sư Nam nêu ý kiến.
Sau đề nghị của các luật sư, chủ toạ cho hay, lời khai của bị cáo không phải là chứng cứ duy nhất. Việc kết án còn dựa vào chứng cứ và lời khai của các bị cáo khác. Chủ toạ lưu ý các luật sư nên xem xét toàn diện chứ không chỉ căn cứ vào một điều luật.
Sau phần thủ tục kéo dài hơn một tiếng, đại diện Viện kiểm sát công bố cáo trạng.
6 ngày trước, 8/1, phiên tòa phải hoãn do vắng mặt Hoàng Công Lương.
Theo cáo trạng, Hoàng Công Lương, Bùi Mạnh Quốc bị xét xử về tội Vô ý làm chết người theo khoản 2 điều 98 Bộ luật hình sự 1999 với khung hình phạt từ ba đến 10 năm tù.
Trương Quý Dương (nguyên giám đốc Bệnh viện), Hoàng Đình Khiếu (nguyên phó giám đốc bệnh viện), Trần Văn Thắng (nguyên trưởng phòng vật tư), Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng vật tư) cùng Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn) bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 2 điều 285 Bộ luật hình sự 1999 với khung hình phạt từ ba đến 12 năm tù.
Cáo trạng xác định sáng 29/5/2017, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình thì có dấu hiệu bất thường. 9 người tử vong. Nguyên nhân do nguồn nước chạy thận không đảm bảo.
Lương sau đó bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm bởi là người có chuyên môn, được đào tạo bài bản, thừa lệnh trưởng khoa ký đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 nên biết cụ thể thời gian sửa chữa. Lương cũng là bác sĩ duy nhất trong ba người được phân công điều trị cho bệnh nhân ở đơn nguyên lọc máu có đủ điều kiện ra y lệnh chạy thận.
Ngày 29/5/2017, Lương ký xác nhận vào y lệnh của hai bác sĩ còn lại trong đơn nguyên để tiến hành lọc máu cho các bệnh nhân nên phải chịu trách nhiệm chuyên môn trong ca điều trị hôm đó. Anh cần phải biết nước sử dụng lọc máu đảm bảo chất lượng hay chưa. Tuy nhiên, chỉ nghe điều dưỡng viên nói hệ thống đã sửa chữa xong, anh đã ra y lệnh điều trị.
Nguyên giám đốc Trương Quý Dương và phó giám đốc Hoàng Đình Khiếu bị cáo buộc thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý để xảy ra sự cố nghiêm trọng. Ông Dương trực tiếp ký quyết định thành lập đơn nguyên lọc máu nhưng không bố trí nhân lực để kiểm tra chất lượng nước trước, trong và sau lọc máu. Còn ông Khiếu đã thiếu giám sát cấp dưới để trong thời gian dài tuỳ tiện sử dụng hệ thống lọc nước sau sửa chữa mà chưa xét nghiệm.
Vụ án từng được xét xử lần đầu vào giữa năm 2018 với ba bị cáo song sau khoảng 20 ngày làm việc, TAND thành phố Hòa Bình tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Sau hơn 6 tháng, thêm bốn người bị truy tố gồm: Trương Quý Dương, Hoàng Đình Khiếu, Trần Văn Thắng, Đỗ Anh Tuấn.