"Hiến pháp và lịch sử quốc gia đều ủng hộ các bang ràng buộc đại cử tri với cam kết bỏ phiếu cho ứng viên đảng của họ, cũng như lựa chọn của cử tri bang trong bầu cử Tổng thống", thẩm phán Elena Kagan hôm nay cho biết trong thông cáo thay mặt Tòa án Tối cao Mỹ.
Phán quyết được nhất trí thông qua với 9 phiếu ủng hộ chỉ vài tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm nay, trong đó từ chối chứng thực quyền tùy ý bỏ phiếu của đại cử tri. Nó cũng hậu thuẫn cho Washington và Colorado, hai bang áp dụng hình phạt với các "đại cử tri không trung thành", những người từ chối bầu cho ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton dù bà giành chiến thắng trong bỏ phiếu phổ thông năm 2016.

Các thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ hồi cuối năm 2018. Ảnh: AP.
Tòa án Tối cao Mỹ giữ nguyên quyết định phạt 1.000 USD với 3 đại cử tri không trung thành tại bang Washington, cho rằng phán quyết này không vi phạm các điều khoản Hiến pháp Mỹ, đồng thời đảo ngược quyết định hủy hình phạt tước quyền bỏ phiếu của một đại cử tri không trung thành tại bang Colorado.
Theo Hiến pháp Mỹ, người dân không được trực tiếp bầu chọn tổng thống. Mỗi bang có số lượng đại cử tri nhất định hợp thành Cử tri đoàn dựa trên quy mô dân số của bang đó. Mỹ có tổng cộng 538 đại cử tri, bằng số ghế trong quốc hội Mỹ là 535 và cộng thêm ba đại cử tri của thủ đô Washington.
Ứng viên muốn giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng phải nhận được quá bán số phiếu ủng hộ từ Cử tri đoàn.
Không có quy định nào trong hiến pháp hay luật liên bang Mỹ buộc đại cử tri bầu theo kết quả bỏ phiếu phổ thông của bang mình đại diện. Dù vậy, một số bang vẫn yêu cầu việc này. Những cam kết như vậy có thể chia thành hai nhóm gồm đại cử tri bị ràng buộc bởi luật của bang và đại cử tri bị ràng buộc bởi cam kết với đảng của mình.
Một số bang quy định đại cử tri không trung thành có thể bị phạt hoặc tước quyền bầu cử nếu bỏ phiếu không hợp lệ và bị thay thế bởi một "đại cử tri dự bị". Dù vậy, hiếm có đại cử tri nào đi ngược lại kết quả bỏ phiếu phổ thông và chưa từng có đại cử tri nào bị khởi tố vì không bỏ phiếu như cam kết.
Theo Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Mỹ, trong lịch sử nước Mỹ, hơn 99% đại cử tri bỏ phiếu đúng như những gì họ cam kết.
Trong cuộc bầu cử năm 2016, có 10 đại cử tri bỏ phiếu đi ngược kết quả bầu cử phổ thông ở bang của mình. Đây là con số cao bất thường, đủ sức thay đổi cục diện 5 trong 58 cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trước đó. Ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump giành 304 phiếu đại cử tri, đánh bại ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton với 227 phiếu, dù ông kém đối thủ tới 3 triệu phiếu bầu phổ thông.
Vũ Anh (Theo Reuters)