Sáng 17/7, theo lịch dự kiến, đại diện VKSND Hà Nội trình bày bản luận tội sau 4 ngày xét hỏi. Đầu phiên làm việc buổi sáng, theo đề nghị của VKS, chủ tọa Vũ Quang Huy thông báo tạm dừng phiên tòa để cơ quan công tố dựa vào chứng từ khắc phục hậu quả của bị cáo, từ đây đề xuất mức án phù hợp. Thời gian làm việc được lùi sau hai tiếng.
54 bị cáo ở cả 4 nhóm tội Nhận hối lộ; Đưa hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Môi giới hối lộ, đã khắc phục khoảng 60 tỷ đồng trong tổng 165 tỷ đồng hậu quả vụ án. Riêng cựu thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng nộp hơn 16 tỷ đồng.
Trong 4 ngày TAND Hà Nội làm việc, qua gần 200 lượt xét hỏi, các bị cáo cơ bản thừa nhận hành vi. 21 người bị truy tố tội Nhận hối lộ cùng khai do thời gian đã lâu, công việc bận rộn hoặc số lần nhận tiền nhiều, không nhớ chính xác song thừa nhận nội dung VKS cáo buộc là chính xác.
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng khai đồng ý tiếp doanh nghiệp tại phòng làm việc, song không phải để "ra điều kiện". Ông "không có mưu đồ hay ý định đòi hỏi, gây khó khăn gì" mà chỉ để "lắng nghe, rút kinh nghiệm". Ông đồng ý số tiền nhận hối lộ như cáo buộc (8,5 tỷ đồng) và giải thích "nhận vì nể nang".
Bị cáo Đỗ Hoàng Tùng, cựu Cục phó Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, khai trong quá trình cấp phép chuyến bay, các đại diện doanh nghiệp "liên hệ rất là nhiều và gọi điện thoại liên tục". Ông phải hướng dẫn, vì thế việc nhận lời cảm ơn là hợp lý. Trước cáo buộc 38 lần nhận hối lộ, tổng hơn 12 tỷ đồng, ông Tùng giải thích việc nhận do "nhất thời không kiểm soát được mình".
Nhiều bị cáo khác cũng khai nghĩ nhận tiền như món quà cảm ơn và phủ nhận đã "vòi vĩnh", ép buộc. Hiện họ thấy ân hận, lo sợ, đã tích cực khắc phục hậu quả vụ án.
Cựu Phó Chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng và cựu Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân khai nhận ra sai ngay lúc đó nhưng "thời gian cứ trôi qua, công việc bận rộn" nên lỡ mất cơ hội trả lại tiền. Ông Tân bị VKS cáo buộc nhận hối lộ 5 tỷ đồng và ông Dũng 2 tỷ đồng.
Phần lớn trong 24 người bị truy tố về Đưa hối lộ khai đưa tiền tự nguyện, muốn "tri ân" các cán bộ, ngành do thấy họ làm việc vất vả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được giải quyết thủ tục chuyến bay nhanh chóng.
Bị cáo Hoàng Diệu Mơ, Tổng giám đốc Công ty An Bình, bị xác định đưa hối lộ nhiều thứ hai trong số này, cho biết riêng tại Bộ Ngoại giao, không có ai ép bà đưa tiền. Những lần đến phòng ông Tô Anh Dũng, bà để tiền trên bàn rồi đè giỏ hoa quả, cuốn sách, chai rượu lên, dù được nhắc nhở "lần sau không đưa nữa". Bà Mơ sau đó đưa thêm cho ông Dũng 6 lần quà tại phòng làm việc, 2 lần trước cổng trụ sở Bộ Ngoại giao.
Bị cáo Nguyễn Thị Dung Hạnh, Giám đốc Công ty G1, cũng khai chủ động "tri ân" cán bộ do "thấy áy náy" khi những quan chức này phải làm việc vất vả. Bà xác nhận đưa tiền là tự nguyện. Theo cáo trạng, tổng số tiền bà Hạnh hối lộ 3,12 tỷ đồng.
TAND Hà Nội cũng dành nhiều thời làm rõ cáo buộc Lê Hồng Sơn, Nguyễn Thị Thanh Hằng (Tổng giám đốc và phó Tổng giám đốc công ty Bluesky) đưa hối lộ 2,8 triệu USD. VKS cho rằng thông qua cựu Phó giám đốc công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn, đưa Hoàng Văn Hưng, cán bộ điều tra chính của vụ án, để nhờ lo lót không bị xử lý hình sự.
Đối chất tại tòa, bị cáo Hưng phủ nhận mọi cáo buộc và đề nghị VKS đưa bằng chứng buộc tội. Bị cáo cho rằng VKS chỉ dựa vào lời khai của Hằng và ông Tuấn, cùng 435 cuộc điện thoại giữa mình và ông Tuấn để cáo buộc "lừa chạy án" tới 2,65 triệu USD. Ông Hưng khẳng định chỉ gặp khuyên Hằng ra tự thú.
Trong khi đó, ông Tuấn và bà Hằng khẳng định ông Hưng có hướng dẫn khai báo và liên tục giục giã đưa tiền để đi "quan hệ", nhờ vả.
Theo cáo trạng, tiêu cực xảy ra từ cuối năm 2020 trong việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân hồi hương trong Covid-19, gọi là chuyến bay combo, người dân tự nguyện trả phí toàn bộ.
Doanh nghiệp có nhu cầu tổ chức chuyến bay combo phải xin chủ trương của UBND cấp tỉnh nơi thực hiện cách ly công dân về nước. Hồ sơ sau đó được gửi về Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao để đơn vị này tổng hợp, lấy ý kiến tổ công tác 5 bộ (Ngoại giao, Công an, Y tế, Giao thông Vận tải, Quốc phòng).
Từ đầu 2020 đến khoảng giữa năm 2021, Bộ Ngoại giao đề xuất Chính phủ phê duyệt 372 chuyến bay combo. Để có chi phí "bôi trơn" khi thực hiện các chuyến bay, nhóm 20 doanh nghiệp với hơn 100 pháp nhân phải nâng giá vé, "vẽ" thêm nhiều chi phí phát sinh với dân hồi hương giữa đại dịch.
Theo VKS, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra giữa lúc Covid-19 căng thẳng. Các bị can đã lợi dụng dịch bệnh, bất chấp các quy định để trục lợi, khiến uy tín của Việt Nam bị giảm sút. Các hành vi này đã tạo điều kiện cho "thế lực thù địch xuyên tạc, kích động gây hoang mang trong nhân dân".
25 người đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao để nhận hối lộ gần 165 tỷ đồng. 23 người là đại diện doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 người môi giới hối lộ gần 75 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt gần 25 tỷ đồng.
Phạm Dự - Thanh Lam