Theo bản án phúc thẩm tuyên tối 9/3, bị cáo Lê Đình Công, 57 tuổi; Lê Đình Chức, 41 tuổi bị tử hình; Lê Đình Doanh, 33 tuổi, án chung thân; Bùi Viết Hiểu, 78 tuổi, án 16 năm tù; Nguyễn Quốc Tiến, 41 tuổi, án 13 năm tù cùng về tội Giết người.
Bị cáo Bùi Thị Nối, 63 tuổi, bị phạt 6 năm tù về tội Chống người thi hành công vụ.
HĐXX cấp phúc thẩm nhận định các bị cáo bất chấp pháp luật, ngang nhiên xâm phạm hoạt động đúng đắn của nhà nước, coi thường tính mạng người thi hành công vụ. "Hành vi này dã man, tàn bạo, khi ba công an rơi xuống hố còn đổ xăng châm lửa khiến nhà chức trách phải giám định ADN mới xác định được thi thể", bản án nêu.
Trong hai ngày xét xử phiên phúc thẩm, các bị cáo trình bày nhiều tình tiết giảm nhẹ như có công với cách mạng, thành khẩn khai báo, là thương bệnh binh... Tuy nhiên, HĐXX đánh giá "mức án sơ thẩm là có căn cứ", vì thế bác toàn bộ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của 6 người.
Phiên tòa kết thúc sớm một ngày so với kế hoạch.
Trước đó ít giờ, chiều 9/3 trong lời nói sau cùng, bị cáo Công khai không bàn bạc, giao nhiệm vụ cho các bị cáo khác; không tham gia ba cuộc họp ở nhà bố đẻ là ông Lê Đình Kình (đã chết); không chống đối cảnh sát như quy kết.
Bị cáo Bùi Viết Hiểu, người nhiều tuổi nhất trong vụ án, cho hay hai lần bị thương nên sức khoẻ rất yếu. Bị cáo 78 tuổi nhận ra "cái sai" là biết các bị cáo khác phạm tội nhưng không ngăn cản nên mong toà phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với con cháu.
Là bị cáo nữ duy nhất, bà Bùi Thị Nối cho rằng "không làm gì đáng tiếc" nên nhờ luật sư giúp đỡ "gỡ tội".
Tại phần tranh luận, nhiều luật sư bào chữa cho rằng có dấu hiệu vi phạm tố tụng, không khách quan khi vụ án xảy ra ở Hà Nội và Công an Hà Nội lại là đơn vị điều tra. Hơn nữa, các lực lượng công an tiến vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức có phải đang thi hành công vụ không cũng chưa được làm rõ. Luật sư đề nghị công khai kế hoạch bảo vệ của Công an Hà Nội.
Về thu thập chứng cứ, luật sư cho rằng video lời khai của các bị cáo tại toà sơ thẩm có sự cắt ghép. Video thực hiện trong quá trình điều tra nhưng lại "chạy chữ là bị cáo".
Luật sư của Nguyễn Quốc Tiến nói thân chủ mua lựu đạn giả. Bị cáo Tiến biết điều này sau khi sử dụng hai quả mà không phát nổ. Vì thế, luật sư cho rằng không thể cáo buộc Tiến phạm tội Giết người như bản án sơ thẩm.
Một số luật sư cho rằng bị cáo Hiểu, Công, Tiến không trực tiếp thực hiện hành vi giết người mà chỉ chống người thi hành công vụ nên đề nghị đổi tội danh.
Đối đáp, đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội nói theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, vụ án xảy ra ở Hà Nội nên Công an Hà Nội điều tra là đúng thẩm quyền. Hơn nữa, từ khi xảy ra vụ án đã có sự kiểm sát của VKSND Hà Nội cùng các luật sư tham gia nên "không thể nói không khách quan".
Về quan điểm "có phải công an về Đồng Tâm thi hành nhiệm vụ hay không", đại diện VKS trả lời đây là địa bàn phức tạp từ lâu; Công an Hà Nội đã có kế hoạch đảm bảo mục tiêu, an ninh trật tự ở xã Đồng Tâm.
Khi công an vũ trang tiến vào cổng làng Hoành, các bị cáo với sự chuẩn bị từ trước đã đứng trên nóc nhà ông Kình bắn pháo sáng, ném lựu đạn, bom xăng chống đối. VKS khẳng định: "Lượng chức năng trong trường hợp này đang thi hành nhiệm vụ. Hành vi chống đối ở đây là chống người thi hành công vụ".
Cơ quan công tố xác định bị cáo Công, Hiểu là người tổ chức cuộc họp lôi kéo người dân, phân công nhiệm vụ. Công quay video và phát trực tiếp trên mạng xã hội, tuyên bố chống đối lực lượng chức năng, "giết từ 300 đến 500 người".
Hai người này nhờ Tiến mua lựu đạn. Việc không nổ là nằm ngoài ý muốn của các bị cáo bởi vậy "không thể nói Tiến biết là lựu đạn giả nên không liên quan". Theo VKS, còn có các chứng cứ và lời khai của các bị cáo khác khẳng định bị cáo Hiểu và Công là người tổ chức tuyên truyền, phân công nhiệm vụ cho đồng bọn.
VKS ghi nhận việc video lời khai của các bị cáo trình chiếu tại toà sơ thẩm "có dấu hiệu cắt ghép" song cho rằng đây chỉ là "video mô phỏng để mọi người tiện theo dõi tại toà".
Trước việc có bị cáo trình bày đã bị hạn chế quyền kháng cáo khi bị tạm giam, đại diện VKS nói qua hai ngày xét xử, 6 bị cáo đều "giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, không phàn nàn". Vì thế, luật sư cho rằng quyền kháng cáo bị hạn chế là "không có căn cứ".
Theo bản án sơ thẩm, khu đất ở cánh đồng Sênh, xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội được kết luận là đất quốc phòng. Từ năm 2013, ông Lê Đình Kình (đã chết) cùng bị cáo Hiểu, Công, Tuyển và nhiều người đã lập "tổ đồng thuận" với mục đích kích động người dân, chiếm lại đất để chia nhau.
Cuối năm 2019, khi Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Quốc phòng có kế hoạch xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn, ông Kình chỉ đạo Công bàn bạc với thành viên "tổ đồng thuận" mua lựu đạn, chuẩn bị vũ khí để "tấn công, tiêu diệt" công an làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự. Hành vi này đã khiến 3 cảnh sát hy sinh.
Vụ án xảy ra tại Đồng Tâm có 29 người bị xét xử tại phiên sơ thẩm mở giữa tháng 9/2020. Trong số này, 6 bị cáo trên kháng cáo xin giảm hình phạt.