Mark Bravin, luật sư biện hộ chính cho các nạn nhân, gọi phán quyết của tòa án là "kết quả to lớn". "Tôi nghĩ tất cả nguyên đơn đều sẽ vô cùng hạnh phúc. Đây là một quá trình lâu dài", Bravin, người tham gia giải quyết vụ kiện từ 6 năm trước, cho biết hôm 25/2.
Hơn 100 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu do thám USS Pueblo và thân nhân của họ đệ đơn kiện Triều Tiên vào tháng 2/2018 theo Đạo luật Miễn trừ Chủ quyền Nước ngoài, trong đó cho phép "kiện những chính phủ tài trợ khủng bố với cáo buộc tra tấn, bắt con tin, gây thương tích cá nhân hoặc tử vong".
Việc cựu tổng thống Mỹ Donald Trump coi Triều Tiên là nước tài trợ khủng bố năm 2017 đã mở đường cho các nguyên đơn tiến hành kiện. Bình Nhưỡng từng được cựu tổng thống Mỹ George W. Bush đưa khỏi danh sách này vào năm 2008.
Theo tuyên bố của tòa án Washington, nhiều người trong 83 thành viên thủy thủ đoàn đã chịu sự lạm dụng về tinh thần và thể xác suốt 11 tháng bị giam sau khi con tàu bị bắt ngày 23/1/1968. Một người đã thiệt mạng.
Tuy nhiên, Triều Tiên không có đại diện trong các phiên tòa nên chưa rõ họ sẽ bồi thường thiệt hại như thế nào. Bravin giải thích rằng phán quyết của tòa án giúp nguyên đơn có thể đăng ký nhận bồi thường từ quỹ hỗ trợ nạn nhân khủng bố của quốc hội Mỹ. Quá trình nhận tiền bồi thường có thể mất nhiều thời gian, nhưng luật sư Bravin cho hay điều này có khả năng diễn ra "sớm nhất vào năm sau".
Triều Tiên bắt tàu USS Pueblo khi nó đang thu thập thông tin tình báo ở vùng biển ngoài khơi Wonsan, cảng quân sự và hậu cần lớn nhất Triều Tiên. Sau 11 tháng đàm phán, Triều Tiên thả toàn bộ thủy thủ đoàn, nhưng giữ lại USS Pueblo và biến nó thành bảo tàng.
Tháng 5/2018, quốc hội Mỹ đề xuất nghị quyết kêu gọi Triều Tiên trả lại USS Pueblo. Một số cuộc thương lượng đã được tiến hành nhưng không mang lại kết quả. Bình Nhưỡng vẫn tự hào về vụ bắt tàu do thám và xem đây là chiến thắng trước Washington.
Ánh Ngọc (Theo CNN, CBS)