Trong phiên tòa tại Tòa Công lý Quốc gia Ecuador ở thủ đô Quito ngày 12/4, đội luật sư bào chữa của cựu phó tổng thống Jorge Glas cho rằng các thẩm phán nên tuyên bố việc bắt ông này trong đại sứ quán Mexico là bất hợp pháp và trả tự do cho ông. Theo nhóm luật sư, chính phủ Ecuador đã vi phạm nhân quyền và luật pháp quốc tế khi cho phép lực lượng an ninh đột kích vào phái bộ ngoại giao.
Tòa đồng tình rằng việc bắt người "là bất hợp pháp và tùy tiện" vì lực lượng an ninh không có lệnh vào sứ quán, thẩm phán Monica Heredia nói. Tuy nhiên, tòa phán quyết ông Glas vẫn bị giam tại nhà tù an ninh nghiêm ngặt ở thành phố Guayaquil trong lúc bị điều tra hai cáo buộc tham nhũng.
Sonia Vera, luật sư bào chữa của ông Glas, cảm ơn cộng đồng quốc tế vì sự ủng hộ của họ góp phần khiến tòa tuyên bố việc bắt ông là bất hợp pháp. "Tuy nhiên, ông Jorge vẫn bị giam. Chúng tôi sẽ kháng cáo cho đến khi ông được tự do", luật sư Vera cho hay.
Ông Glas từng bị Ecuador kết án tù vì tội tham nhũng liên quan tập đoàn xây dựng Odebrecht của Brazil. Sau khi ra tù hồi tháng 11/2023, cựu phó tổng thống Ecuador tiếp tục bị phát lệnh bắt với cáo buộc biển thủ khoản tiền dành để khắc phục hậu quả động đất. Ông né tránh lệnh bắt bằng cách vào đại sứ quán Mexico ở Quito để xin tị nạn từ tháng 12 năm ngoái.
Yêu cầu tị nạn của ông được Mexico chấp thuận hôm 5/4, bất chấp yêu cầu hợp tác dẫn độ từ Ecuador. Giới chức sở tại phản ứng bằng cách triển khai binh sĩ, cảnh sát đột kích đại sứ quán Mexico, đưa xe vào áp giải ông Glas về nhà giam.
Ông Rafael Correa, tổng thống Ecuador 2007-2017 và hiện sống lưu vong ở Bỉ để tránh án tù 8 năm vì tội tham nhũng, cho biết sau khi bị bắt ông Glas đã tự tử bất thành và tuyệt thực. Luật sư Vera cũng xác nhận thông tin này. Ông Glas phải nhập viện hôm 8/4 vì tuyệt thực nhưng bị đưa trở lại nhà giam vào hôm sau.
Glas cáo buộc cảnh sát đánh đập ông trong quá trình bắt giữ. Cảnh sát xác nhận sử dụng vũ lực, nhưng dẫn lý do cựu phó tổng thống chống đối lực lượng hành pháp.
Chính phủ Ecuador cho biết ông Glas lên kế hoạch bỏ trốn trước khi bị bắt, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết. Ecuador lập luận việc Mexico cấp quyền tị nạn cho ông Glas đã vi phạm luật pháp quốc tế về cấm cấp quyền tị nạn đối với người phải đối mặt cáo buộc hình sự.
Mexico cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ecuador sau vụ đột kích sứ quán, đồng thời kiện lên Tòa Công lý Quốc tế ở The Hague để yêu cầu khai trừ Ecuador khỏi Liên Hợp Quốc, trừ khi nước này xin lỗi vì vi phạm luật pháp quốc tế.
Nhiều quốc gia Mỹ Latin, Tây Ban Nha, Liên minh châu Âu, Mỹ và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc lên án vụ đột kích sứ quán đã vi phạm Công ước Vienna năm 1961 về quan hệ ngoại giao. Đây cũng là vụ xâm nhập hiếm hoi vào cơ sở ngoại giao nước ngoài.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)