-
09h00
Năm biến động của thị trường bất động sản
2020 được đánh giá là năm chứng kiến nhiều biến động nhiều lĩnh vực nền kinh tế bởi Covid-19. Bất động sản cũng không nằm ngoài guồng quay bất định này. Song điểm khác biệt lớn nhất của thị trường địa ốc với nhiều mảng ngành chính là lấy lại đà phục hồi nhanh chóng ngay từ quý 3. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, trong quý ba của năm, ghi nhận 36.884 giao dịch địa ốc thành công. Còn theo dữ liệu của nhóm phân tích FiinPro, lượng tiền người mua nhà trả trước cuối quý III/2020 tại nhiều doanh nghiệp tăng cao ở mức kỷ lục 5 năm qua.
Một hiện tượng đáng chú ý là bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, giá nhà đất vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng. 12 tháng qua, TP HCM, Hà Nội cùng các vệ tinh của hai đô thị này chứng kiến hiện tượng tăng giá nhà đất xuyên mùa dịch.
Bị ảnh hưởng bởi dịch nhưng địa ốc vẫn là kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn. Trong báo cáo "Sẵn sàng cho chu kỳ mới từ 2021" vừa được Công ty Chứng khoán VNDirect phát hành, có đánh giá, xu hướng tăng giá bán sẽ tiếp tục duy trì nhờ nhu cầu nhà ở tăng. Nguyên nhân do thúc đẩy phát triển các cơ sở hạ tầng có tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản và lãi suất vay mua nhà giảm sẽ hỗ trợ quyết định mua nhà...
Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, một số kịch bản thị trường bất động sản đang được giới phân tích đưa ra. Trong đó, nhận diện xung lực mới cho các phân khúc tiềm năng trong bối cảnh kinh tế suy thoái. Đây cũng là chủ đề chính sẽ được các chuyên gia hàng đầu mổ xẻ, phân tích tại tọa đàm "Toàn cảnh bất động sản 2021: Nhận diện xung lực mới" diễn ra sáng nay tại quần thể FLC Vĩnh Phúc.
Sự kiện nằm trong chuỗi tọa đàm Kinh tế cho tương lai và được truyền tải trực tiếp trên VnExpress. Tọa đàm có sự tham gia của lãnh đạo hiệp hội, doanh nghiệp, nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính, bất động sản hàng đầu Việt Nam.
Đại diện hiệp hội có ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam; ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA). Các chuyên gia tham gia gồm GS.TS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường; TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh; TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC...
Với hai phiên thảo luận, các chuyên gia sẽ chỉ ra những thách thức và cơ hội cho thị trường bất động sản trong năm 2021. Bức tranh toàn cảnh thị trường và cơ hội đầu tư trong năm mới sẽ thể hiện qua các nhận định, phân tích của từng diễn giả.
-
09h24
Giá tăng là điểm sáng của thị trường 2020
Mở đầu toạ đàm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam trình bày tham luận về bức tranh thị trường bất động sản trong năm 2020 và những dự báo trong năm mới.
Theo ông Đính, thị trường vừa trải qua một năm đầy biến động khi Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản. Giai đoạn đầu năm, thị trường tê liệt, nhiều dự án ngừng trệ, sàn giao dịch ngưng hoạt động, hạ tầng du lịch đóng băng. Mặc dù Chính phủ quyết liệt tháo gõ khó khăn cho các doanh nghiệp nhưng những vướng mắc về pháp luật vẫn khiến lực cầu giảm mạnh.
Tuy vậy, nhiều dự án vẫn về đích đúng hạn. Nguồn cung mới đạt gần 60.000 sản phẩm, đạt 87,6% so với năm 2019. Lực cầu giảm nhưng thu hút đầu tư ngoài ngành, tăng 30% lực cầu đầu tư mới cho thị trường. Đầu tư công về phát triển đô thị đã giúp tăng lực cầu đầu tư. Số lượng giao dịch tăng là minh chứng cho điều này.
Bên cạnh đó, tỷ lệ hấp thụ bất động sản vẫn khá cao, TP HCM đạt trên 80%, giá bất động sản tăng. Bất động sản du lịch bị ảnh hưởng nhưng tốc độ phát triển nhanh, nhiều dự án vẫn đẩy mạnh triển khai thu hút nhà đầu tư. Lãi suất ngân hàng giảm tạo điều kiện phát triển nguồn vốn đầu tư bất động sản.
Nhìn nhận năm 2020 đầy khó khăn nhưng những dấu hiệu lạc quan cuối năm mở ra nhiều triển vọng cho năm 2021. Theo dự báo của ông Đính, kinh tế Việt Nam có thể giữ nhịp và đạt tốc độ tăng trưởng theo kế hoạch là 6%, dẫn đến nhu cầu mua nhà và đầu tư tăng trở lại.
Năm 2021 là năm đầu tiên chính quyền các địa phương nhận nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới nên sẽ có nhiều chính sách thu hút nhà đầu tư, nhất là lĩnh vực bất động sản. Thị trường sẽ khó nguy cơ tạo bong bóng mà sẽ phát triển bền vững hơn; tập trung vào phát triển hạ tầng du lich. Phân khúc bất động sản du lịch không còn tập trung hướng biển mà còn vào các khu vực rừng núi giàu tiềm năng.
Chuyên gia này cũng dự báo, thị trường có thể tăng 10% so với năm 2020. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng có thể giữ hoặc giảm kích thích đầu tư mạnh hơn. Chính phủ tiếp tục nỗ lực khắc phục, cởi trói cho doanh nghiệp. Vốn FDI đổ vào mạnh hơn.
-
9h34
Pháp lý vẫn là điểm nghẽn
Trong vai trò người điều phối bà Bùi Kim Thuỳ - Chuyên gia kinh tế, Trưởng đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, thành viên hội đồng cố vấn Havard đặt câu hỏi về sự phục hồi của bất động sản và xu hướng trong năm 2021?
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết thị trường bất động sản giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế, ảnh hưởng đến 35 ngành nghề khác nhau. Theo ông, thị trường bất động sản vẫn đang gặp khó khăn trong 5 năm qua và Covid-19 chỉ là yếu tố khiến khó khăn trầm trọng hơn. Nhưng bối cảnh này lại là cơ hội để các doanh nghiệp đánh giá lại, và tìm một hướng đi bền vững.
Đại hội Đảng lần thứ XI và XII đã xác định một trong 3 điểm nghẽn chính của kinh tế Việt Nam chính là cơ chế chính sách. Sự chồng chéo trong các luật như Luật Nhà ở, Luật Đất đai khiến thị trường gặp khó khăn. Từ 10/12/2015, tất cả các dự án đầu tư bị đình đốn nhưng độ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản có độ trễ đến 3 năm. Đến năm 2018, thị trường mới chứng kiến sự thiếu giảm nguồn cung, quy mô thị trường bị thu hẹp lại, thiếu nguồn cung ra thị trường. Theo quy luật cạnh tranh, cầu nhiều cung thiếu thì giá sẽ tăng.
Tại TP HCM, tỷ lệ nhà ở cao cấp trên thị trường chiếm trên 50%, nhưng nhà ở giá thấp, giá phải chăng chỉ chiếm rất ít, theo ông đây là con số cho thấy sự phát triển chưa bền vững. Bất động sản cao cấp có thể giúp doanh nghiệp xây dựng nhanh thương hiệu và uy tín nhưng không phục vụ nhu cầu của số đông người dân.
Ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh, điểm nghẽn về thể chế pháp luật là một trọng tâm cần phải giải quyết cho bất động sản Việt Nam bởi các doanh nghiệp đều mong muốn môi trường kinh doanh đạt được sự công bằng, minh bạc, thông thoáng, cạnh tranh lành mạnh.
Năm 2020 đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng cơ chế pháp luật khi Luật Đầu tư, Luật Xây dựng sửa đổi được thông qua, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc. Ngày 18/12, Nghị định 148 ban hành sửa một số điều trong Luật đất đai. Nhờ đó, giải quyết vấn đề dịch vụ công về đất đai, giao sổ đỏ...
Các bộ luật sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1 năm nay, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. 2021 cũng đồng thời là năm kiểm soát hiệu quả Covid-19, vaccine nghiên cứu thành công, nền kinh tế Việt Nam đang là điểm sáng. Tới đây Bộ Xây dựng sẽ sửa đổi Luật Nhà ở, từ đó ban hành nghị định về chung cư cũ, sửa đổi quy định để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào thị trường bất động sản phân khúc nhà vừa túi tiền, trung cấp, giá cả hơp lý.
Theo ông, với sự tháo gỡ chính sách, thì nhà ở vừa túi tiền mới là phân khúc được các đơn vị hướng tới. Thành phố Thủ Đức, thành phố Phú Quốc được thành lập sẽ là cú hích cho thị trường bất động sản phía Nam.
Đại diện HoREA cũng nhấn mạnh đến xu hướng ly tâm khi nhiều nhà đầu tư chuyển hướng đầu tư các tỉnh. Theo ông, điều quan trong là các doanh nghiệp cần phải lựa chọn được địa bàn. Cuối phần trình bày của mình, ông hy vọng các bên không bỏ lỡ cơ hội để phát triển sau Covid-19, đồng thời cần phòng tránh rủi ro về pháp lý, tài chính...
-
10h04
Hai hoảng trống của nhà đầu tư
Vấn đề chính sách pháp luật trở thành điểm nóng bàn luận ở phần giữa phiên toà đàm. Trên quan điểm cá nhân, GS.TS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng đây là mối quan tâm chung của cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Một số nghị định hiện nay chỉ định tính mà chưa định lượng, hướng dẫn thiếu chi tiết khiến doanh nghiệp lúng túng.
"Thị trường bất động sản Việt Nam bị tác động bởi các chính sách trước cả khi Covid-19 tới", ông Hùng Võ nói.
Nghị định 148 theo ông Võ vẫn chưa lấp đầy khoảng trống về pháp lý bất động sản bởi chưa bao phủ hết những vấn đề của Luật Nhà ở, Luật Đất đai. Sự chồng chéo, lệch pha giữa những quy định khiến doanh nghiệp lưỡng lự.
Khoảng trống thứ hai là bất động sản du lịch kiểu mới như condotel, shophouse... gặp rối ở giấy chứng nhận sử dụng đất và thời gian sử hữu chỉ 50 năm. Điều này vô tình khiến tâm lý nhà đầu tư không mấy mặn mà. Bởi họ muốn hưởng ưu đãi như đất ở.
Hiện nay phân khúc nghỉ dưỡng vẫn phát triển nhưng bằng nguồn lực của các ông lớn là chính. Những nhà đầu tư thứ cấp dần xa lánh, hoặc đầu tư nhỏ giọt chờ thị trường nóng lên.
"Hai khoảng trống này gây ra những 'khuyết tật' trong lòng nhà đầu tư. Chủ doanh nghiệp thì không lấy được tiền từ khách hàng", ông Hùng Võ kết luận. Việc nhìn bất động sản ở các điểm du lịch dưới góc độ nghỉ dưỡng đang làm mất đi giá trị đa năng của loại hình này. Trong khi nếu nhìn tích cực, đây có thể là ngôi nhà thứ hai, tài sản sở hữu, hoặc sử dụng để ở theo ông Võ.
Muốn có động lực mới từ 2021 trở đi, câu chuyện sửa luật để bù lấp khoảng trống cần mạnh tay hơn. Ông Đặng Hùng Võ kỳ vọng cả cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp cùng có tiếng nói chung. "Một luật duy nhất có thể sửa đổi và bao quát hết tất cả các vấn đề của bất động sản", ông Võ nhấn mạnh.
Tuy nhiên theo ông, ở Việt Nam, bất động sản vẫn có sức sống tốt. Năm 2021 cơ hội còn nhiều cho các doanh nghiệp. Câu hỏi ở đây là phải làm gì với những thách thức, rủi ro. Bất động sản tăng giá vào cuối năm 2020 là do lệch giá cung cầu, nhưng theo ông Võ pháp lý là yếu tố quan trọng, tác động làm thay đổi cung cầu. Hạn chế cấp phép cho các dự án cùng với các chủ đầu tư gom hàng làm giá nhà tăng.
"Nếu đầu cơ không tốt, sẽ làm giá bất động sản sốt lên rất cao. Vì đa phần mọi người cứ nghĩ cứ đầu tư vào sẽ làm bất động sản đi lên", ông Võ nhấn mạnh.
-
10h20
'Khủng hoảng Covid-19 còn tệ hơn giai đoạn 2011-2012'
Khi được hỏi về những khó khăn, thách thức của thị trường bất động sản năm 2020, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoạn FLC lại đặt câu hỏi ngược lại cho người tham dự toạ đàm: "Có ai muốn thị trường bất động sản trầm lắng không?"
Cũng giống như người tham dự, ông Quyết cũng cho rằng, không ai mong muốn thị trường đi xuống và mất thanh khoản. Đánh giá về thị trường, ông có chung với quan điểm với các chuyên gia rằng thị trường sẽ tăng trưởng và có tính thanh khoản cao hơn trong năm 2021.
Theo ông, thị trường đón nhận thông tin Covid-19 còn tệ hơn những năm 2011-2012 khi cả nền kình tế bước vào giai đoạn khủng hoảng thừa. Còn năm 2020 là khủng hoảng thiếu nguồn cung. Tuy nhiên, trong 5 năm tháng cuối năm, thị trường có nhiều dấu hiệu tích cực. "Tháng 7 Âm lịch, thị trường phát triển không tưởng", ông nói.
Lấy ví dụ về dự án của FLC tại Hạ Long, ông nói, sau tháng Ngâu, tất cả các căn xấu nhất trong 2.500 căn shophouse không chỉ bán hết mà còn tăng giá gấp rưỡi. Trong khi ở thị trường Thanh Hoá, Quy Nhơn phải 4-5 năm mới bán hết. Hàng tồn kho được thanh khoản hết. Theo ông, tâm lý chung của nhà nhà đầu tư nhìn nhận thời kỳ xấu nhất đã qua rồi.
Bên cạnh dấu hiệu tích cực, thị trường lại thiếu nguồn cung hàng. Tại TP HCM, nhà liền kề không có dự án, nhất là khu trung tâm. Điều này khiến nhiều khu vực sốt giá.
-
10h45
"Luồng gió mới" cho nền kinh tế
Trong bối cảnh Đại hội XIII đang đến gần và sự thay đổi các vị trí quan trọng trong bộ máy điều hành đất nước, bà Bùi Kim Thuỳ đặt câu hỏi đến chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành về những dự đoán của ông khi đội ngũ nhân sự mới tác động thế nào đến nền kinh tế.
Ông Võ Trí Thành cho biết đây là câu hỏi khó nhất và ông cũng ít biết nhất. Nhưng theo vị chuyên gia, dù có thay đổi thế nào, có 3 câu chuyện đặc biệt cần lưu ý là: con người, chiến lược - kế hoạch và đặc biệt quan trọng là tính quyết liệt trong thực thi.
"Về chiến lược, khát vọng, ai cũng biết vì đã có mục tiêu rõ ràng vấn đề chỉ là nguồn lực, và tính quyết liệt. Việt Nam còn dư địa tăng trưởng, thu ngân sách không hụt nhiều. Bộ Kế hoạch Đầu tư đang triển khai chiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2021, chính vì vậy tiềm năng phát triển sẽ mãnh mẽ ", ông Võ Trí Thành nhận định.
Một điều rủi ro cần cân nhắc là về tài chính. Năm 2020, chứng khoán và bất động sản có vẻ khởi sắc, nhưng cũng là lúc người ta nói đến "bom nợ", sự khéo léo của nghệ thuật điều hành chính sách tiền tệ và ổn định nền kinh tế. Việt Nam có thể hy vọng vào bộ trưởng tài chính mới, thống đốc ngân hàng nhà nước mới để tạo ra sự ổn định và hỗ trợ cho quá trình phục hồi kinh tế.
Ông cũng khuyến nghị các nhà đầu tư, nên bám sát các chính sách vĩ mô của nhà nước, theo sát các chính sách hỗ trợ. "2021 là năm tạo sự chuyển biến và mang sự ý nghĩa tích cực với nhân sự mới, cải cách quyết liệt. Việt Nam sẽ phải thể hiện xuất sắc vai trò trên trường quốc tế với các đối tác quan trọng, trong đó có Mỹ, khi tổng thống mới đắc cử".
-
10h54
Nhiều đòn bẩy cho thị trường
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia chỉ ra những xung lực chờ đón thị trường bất động sản năm 2021 và nhiều năm tới.
Thứ nhất, thị trường đã điều chỉnh nhanh nhạy theo tình tình dịch bệnh cũng như đưa công nghệ vào bán hàng. Toàn cảnh ngành bất động sản 2021 khả quan với tăng trưởng kinh tế dự báo tăng 6,5-7%, và bình quân 10 năm tới có thể đạt 7%, nếu Việt Nam làm tốt các đột phá đã xác định cho giai đoạn tới.
Thứ 2 là pháp lý. Những luật sửa đổi bổ sung như Luật Doanh nghiệp với nhiều điểm tinh giản đáng kể. Luật Chứng khoán bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm với điểm nhấn là huy động vốn từ các quỹ sẽ là động lực cho doanh nghiệp.
Thứ 3 là dịch chuyển chuỗi cung ứng và sản xuất đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh doanh nghiệp quốc tế tìm đến những vùng đất mới an toàn và rẻ hơn đã tạo ra nhiều cơ hội. Ông Lực chia sẻ, trong số 30 doanh nghiệp Nhật Bản thông báo chuyển nhà máy ra khỏi Nhật Bản thì có 15 doanh nghiệp chọn Việt Nam. Đây là chuyện chưa từng có trước đây với nhiều doanh nghiệp thuộc top đầu ở Nhật Bản.
Thứ 4 là giải ngân đầu tư công nhanh. "Khi kinh tế suy thoái, đầu tư công là kênh đầu tư rất tốt, mức độ lan toả nhanh hơn. Giải nhân công nhanh đóng góp chung cho sư tăng trưởng chung của nền kinh tế cả nước, tương đương 0,2%", ông Lực nói.
Thứ 5 là chuyển đổi số. Theo ông Lực, với kinh doanh bất động sản, chuyển đổi số có vai trò quan trọng. Công nghệ tạo ra một hệ sinh thái mới với cơ hội tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn.
Xung lực cuối cùng là lãi suất. "Đây là thời điểm lãi suất thấp nhất trong 15 năm qua. Các hộ gia đình, người trẻ sẽ thuận lợi để mua nhà, hay đầu tư", ông nói.
Tuy vậy, thị trường vẫn chứng kiến 3 rủi ro về pháp lý, dịch bệnh chưa kết thúc và đòn bẩy tài chính. "Dù nhà đầu tư Việt Nam đã quen với những vấn đề trên nhưng vẫn cần thận trọng. Bởi ở thời điểm này, thị trường như bước sang một trang mới", ông Lực tổng kết.
-
11h10
Lợi thế của bất động sản trong cuộc đua với chứng khóan
Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng - nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank tham gia diễn đàn với sự "so kè" giữa kênh đầu tư chứng khoán và bất động sản.Theo ông, trong năm 2020, Việt Nam đã làm được hai điều rất khó là kiềm chế Covid-19 và tăng trưởng kinh tế. Hàng loạt cơ chế cho thị trường bất động sản đã được tháo gỡ.
Đánh giá về xu hướng đầu tư chứng khoán trong năm nay, vị chuyên gia nhận định, kênh này sẽ giảm trong năm 2021, dù lúc này vẫn đang tăng trưởng. Nguyên nhân là do các hoạt động giãn nợ vay vốn ngân hàng trong năm 2020 sẽ bắt đầu các tác động trong năm này.
"Trong cuộc đua bất động sản và chứng khoán, chứng khoán đang thắng cuối năm 2020 nhưng sau tháng 1/2021, chứng khoán sẽ giảm và bất động sản sẽ tăng nhanh", ông này nhận định.
Về xu hướng đầu tư bất động sản trong tương lai, ông Hưởng nêu rõ, bất động sản vùng ven Hà Nội và TP HCM sẽ lên ngôi. "5 năm tới, đất Long Thành, Đồng Nai, quận 9, Thủ Đức sẽ tăng giá mạnh. Nhà ở giá rẻ, vừa túi tiền và đất chia lô sẽ bán rất nhanh. Hậu Covid-19 nghỉ dưỡng du lịch sẽ nở rộng đặc biệt là các sản phẩm nghỉ dưỡng núi".
Về giá bất động sản Việt Nam với thế giới, ông Hưởng cho rằng, Hong Kong, Singapore là 2 quốc gia được nhiều nhà đầu tư ngoại quan tâm. Nếu ở Singapore mất 3 triệu USD để mua một căn hộ thì ở Việt Nam có thể mua vài căn. Do đó, người nước ngoài thời gian qua tìm đến Việt Nam. Bên cạnh đó, mức thuế Việt Nam còn kiêm tốn cũng là lợi thế. Tuy nhiên, các ngành chức năng cần sửa một số quy định tạo điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.
Với kinh nghiệm của đơn vị nghiên cứu thị trường, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cũng trích từ báo cáo của đơn vị và khẳng định, mặt bằng giá Việt Nam thấp hơn so với khu vực. Trong khi giá nhà ở Hà Nội là 2.000 USD/m2, Singopre lên đến 26-27.000 USD/m2.
Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hoá Việt Nam còn thấp, trung bình 35%, trong khi nhiều nước ở khu vực đạt tới 70-80%. Riêng Hà Nội là 49%, thấp hơn mức 54% của 10 năm trước do mở rộng lộ giới hành chính.
Tốc độ đô thị hoá thấp khiến thị trường còn nhiều tiềm năng, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều doanh nghiệp bán hàng tốt thông qua hình thức online với người nước ngoài. Ông dự báo, giá thị trường tiếp tục tăng trong tương lai. Theo thống kê, từ 2002-2020, giá bất động sản Hà Nội tăng 33 lần, TP HCM 16 lần.
-
11h32
'Đầu tư bất động sản vùng ven sẽ lên ngôi'
Ở phần cuối của toạ đàm, bà Bùi Kim Thuỳ đặt câu hỏi cho những chuyên gia, khách mời về cơ hội đầu tư bất động sản ra tại các địa phương ngoài TP HCM và Hà Nội.
Trả lời câu hỏi, ông Đặng Hùng Võ chọn Quảng Bình là nơi có nhiều tiềm năng phát triển bất động sản. "Tôi mới thấy có 1,2 doanh nghiệp đặt chân vào đây nhưng cũng chỉ dậm chân tại chỗ mà không mở rộng. Tôi tính toán chỉ vài năm nữa Quảng Bình sẽ trở thành điểm đến mới ở miền Trung", ông Võ nói.
Về bất động sản ven đô, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group cho rằng thời gian qua thị trường tại một số địa phương có nhiều thay đổi. Giá nhà lên cao và nguồn cung giảm khiến cơ hội cho người mua nhỏ lẻ không còn nhiều. Việc người dân chọn di chuyển bằng phương tiện cá nhân thay vì phương tiện công cộng để giảm ảnh hưởng của dịch bệnh cũng khiến đất vùng ven sốt giá.
Hiện nay, Hà Nội là tâm điểm đến của các tuyến cao tốc như Hải Phòng, Hạ Long, Lào Cai khiến việc di chuyển ra ngoài thành dễ dàng. Có những sản phẩm nghỉ dưỡng xa Hà Nội hoặc các thành phố lớn đến 200-300 km nhưng thời gian đi lại chỉ 2-3 tiếng là một điểm cộng. Điều tương tự cũng đang xảy ra ở TP HCM.
"Giá nhà là cuộc kết hôn giữa cung và cầu. Cầu lên thì giá tăng, mà cung lên thì giá giảm. Trong những tới hàng bất động sản sẽ không ra ồ ạt nên mặt bằng chung là sẽ đi lên", ông Tuyển nhận định.
-
11h50
Chủ đầu tư khó có lãi vì chịu nhiều loại thuế
Trả lời câu hỏi "Vì sao giá bất động sản tăng" từ người điều phối, ông Trịnh Văn Quyết khẳng định, tất cả chủ đầu tư dự án bất động sản đều phải đấu thầu, đấu giá theo quy định của pháp luật. Nhà nước thu tiền thuế sử dụng đất nên tiền thuế sẽ tỷ lệ thuận với giá bất động sản.
Lấy ví dụ về dự án FLC Sầm Sơn, ông Quyết tính toán, một m2 chịu thuế sử dụng đất là 4 triệu đồng nên mỗi năm, doanh nghiệp chi hàng nghìn tỷ nộp thuế. Giá nhà còn cộng thêm khoảng 4 triệu xây dựng hạ tầng và khoảng trên dưới 20% cho đại lý làm truyền thông, phí và các lệ phí khác. Như vậy, nếu làm hạ tầng, giá bán cho nhà đầu tư mua nhà ban đầu ít nhất phải hơn 10 triệu đồng/m2 mới có thể nghĩ đến lợi nhuận. Khi du lịch phát triển, giá đất tăng lên, thì nhà đầu tư mua nhà ban đầu hưởng lợi chứ không phải chủ đầu tư.
Chủ tịch FLC cũng nhận định, trong bối cảnh hiện nay, không nhiều chủ đầu tư có lãi nếu tính thuế, tiền đền bù, thuế, chi phí vốn vay...
Với mức phí như vậy, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đầu tư vào nhà ở xã hội. Trong khi nhu cầu nhà ở xã hội mới tập trung ở hai thành phố Hà Nội và TP HCM nhưng các thủ tục pháp lý mất thời gian. Nhiều doanh nghiệp như FLC muốn đầu tư vào phân khúc này nhưng thủ tục, quỹ đất thì còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc.