Sau hơn hai tháng nới lỏng giãn cách, các địa phương đã trở lại trạng thái bình thường mới, trên tinh thần thích ứng linh hoạt, hiệu quả. Theo số liệu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tháng trước, có 70-75% doanh nghiệp và người lao động tái sản xuất, quay lại làm việc, trong đó nhiều tỉnh đạt tỷ lệ trên 90%.
Để đạt mục tiêu doanh số, tăng trưởng như trước dịch, các doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi, thích ứng linh hoạt với thị trường và đáp ứng thị hiếu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng.
Các chuyên gia nhận định: văn hóa doanh nghiệp tác động đến kết quả kinh doanh và tài chính của công ty. Tuy nhiên có nhiều yếu tố tác động đến nền tảng này như: hoạt động sáp nhập và mua lại, áp lực gia tăng năng suất công việc, sự minh bạch nơi làm việc, gia tăng tính di động của nhân viên, nhân viên làm việc từ xa...
Do đó, tạo môi trường làm việc hiệu quả, tăng sự gắn kết của cán bộ, công nhân viên là ưu tiên hàng đầu của lãnh đạo mọi doanh nghiệp. Vô số đơn vị đặt trọng tâm vào mảng đào tạo, huấn luyện nhân viên; chiến lược hướng đến khách hàng; nâng cao và gìn giữ lòng tin vào lãnh đạo cấp cao; định hướng mục tiêu rõ ràng; khuyến khích xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa nhân viên và quản lý trực tiếp...
Văn hóa doanh nghiệp không phải là chuyện "có cũng được, không cũng chẳng sao" hay chỉ dành cho những tập đoàn "cá mập", "làm mưa làm gió" trên thương trường và có doanh thu ổn định trong nhiều thập kỷ. Những quan điểm này phần nào kiềm hãm sự phát triển của các đơn vị vừa và nhỏ. Tóm lại, hoạt động trên là cần thiết với mọi đơn vị.
Kết nối doanh nghiệp và người lao động là cách thức bền vững để duy trì sản xuất, kinh doanh. Văn hóa mạnh cũng là yếu tố giữ chân nhân sự, khiến họ tình nguyện sát cánh trong những giai đoạn khó khăn nhất và muốn gắn bó cùng công ty cả đời.
Trước đó trong 4-5 tháng dịch cao điểm, nhiều doanh nghiệp, nhất là phía Nam đã thực hiện loạt mô hình "ba tại chỗ", "một cung đường, hai điểm đến", "ba xanh"... vừa đảm bảo sản xuất, hỗ trợ công nhân viên, vừa đáp ứng quy định phòng chống, dịch. Nhiều nhân sự nhiệt tình hưởng ứng mọi hoạt động của công ty, tuy nhiên cũng không ít đơn vị thất thoát hiền tài. Bên cạnh đó, vô số lao động bị ảnh hưởng do ngừng việc, giãn hay nghỉ việc.
Trong quý III, có 4,7 triệu người bị mất việc làm, 14,7 triệu nhân sự tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; trên 10 triệu lao động giảm giờ làm, tạm dừng công việc. Trong đó, 4,59% nhân sự ở vùng Đông Nam bộ và 44,7% nhân viên ở ĐSCL bị ảnh hưởng do ngừng việc, giãn hay nghỉ việc.
Kết quả khảo sát tại các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm cho thấy, có sự thiếu hụt lao động cục bộ song không nhiều vì các doanh nghiệp chưa trở lại hoạt động 100%. Hiện có khoảng 70-75% doanh nghiệp, 50-60% lượng nhân viên so với trạng thái bình thường, mặt khác nhiều doanh nghiệp đã có chính sách "giữ chân" nhân sự nên mức độ thiếu hụt không đáng kể. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, đơn hàng nhiều, để duy trì và ổn định sản xuất, các doanh nghiệp cần chú trọng nguồn lực này.
Trước sự biến chuyển chóng mặt trong đại dịch, doanh nghiệp buộc phải giải bài toán làm mới mô hình sản xuất kinh doanh và kiến tạo văn hóa trong nhà máy, công xưởng...
Các công ty đã có những chuyển dịch thế nào để thích ứng với tình hình mới? Tầm nhìn dài hạn của việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp là gì? Làm thế nào để thiết lập mối liên kết của công ty - người lao động, doanh nghiệp - khách hàng. Tất cả nội dung này sẽ được bàn luận trong tọa đàm "Tạo dựng văn hóa doanh nghiệp để thích ứng linh hoạt với đại dịch", phát sóng trực tiếp 14h ngày 20/12, trên VnExpress.
Tham gia chương trình đàm có ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Lê Duy Bình - chuyên gia kinh tế, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam; bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Dẫn dắt tọa đàm là nhà báo Dương Thành từ VnExpress.
Tọa đàm "Tạo dựng văn hóa doanh nghiệp để thích ứng linh hoạt với đại dịch" nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - ViEF 2021, do VnExpress và Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp tổ chức. Nội dung thảo luận xuyên suốt ViEF 2021 là "giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế Việt Nam và một số ngành, lĩnh vực trọng tâm giai đoạn 2021-2025, định hướng tới 2030".
Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ và có sự tham gia của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, Diễn đàn là lời hiệu triệu, tập hợp của cả hai khu vực công - tư để phát triển nền kinh tế có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư vượt khó do dịch bệnh, tạo sức bật trong giai đoạn mới...
Độc giả quan tâm có thể đặt câu hỏi cho chuyên gia dưới bài viết.
Thi Quân