Độc giả gửi câu hỏi tại đây
Tuần Tư vấn về điều trị chấn thương thể thao diễn ra trên VnExpress (từ ngày 26/4 đến ngày 2/5) ghi nhận hàng trăm câu hỏi của độc giả về phương pháp chữa trị hiệu quả nhất cho chính mình và người thân, khả năng phục hồi... Nhằm giúp người chơi thể thao chuyên nghiệp lẫn không chuyên hạn chế tối đa chấn thương, tránh các sai lầm không đáng có trong luyện tập, chữa trị, làm thế nào nhanh lấy lại phong độ, duy trì thể trạng tốt để thỏa niềm đam mê, VnExpress phối hợp cùng Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức Tọa đàm "Phương pháp mới điều trị chấn thương thể thao".
Chương trình phát trực tiếp trên VnExpress lúc 20h ngày 5/5 với sự tham gia của Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Thạc sĩ, bác sĩ Trần Anh Vũ, Phó giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Các chấn thương thể thao thường gặp nhất là trật khớp, bong gân, căng cơ, đau nhức cẳng chân, đứt dây chằng chéo trước, rách sụn chêm... cần sơ cứu đúng cách và chữa trị kịp thời. Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh cho biết, nhiều phương pháp chữa trị mới được áp dụng gần đây ở Việt Nam cho tỷ lệ thành công cao. Đó là phẫu thuật nội soi bảo tồn dây chằng chéo trước, phẫu thuật tái tạo dây chằng dưới sự hỗ trợ của robot dẫn đường, trị liệu sinh học bằng huyết tương giàu tiểu cầu, ứng dụng công nghệ thực nghiệm 3D trong chẩn đoán và điều trị. Nhiều bệnh nhân chấn thương nặng phục hồi gần như hoàn toàn, đánh dấu bước tiến trong lĩnh vực y học vận động.
Phẫu thuật nội soi bảo tồn dây chằng chéo trước
Khi chơi thể thao ở cường độ cao, dây chằng đang căng giãn, nếu tiếp đất sai kỹ thuật, xoay chuyển chân đột ngột, vấp té... khiến chúng dễ rách, đứt. Trước đây, điều trị trong trường hợp này cần phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước bằng chính mô, cơ của bệnh nhân. Hiện nay, phương pháp mới - phẫu thuật nội soi bảo tồn giúp nối lại dây chằng bị đứt, rút ngắn thời gian bình phục, giảm tình trạng teo, lệch hai chân.
Bác sĩ Anh Vũ khuyến cáo, khi người chơi thể thao có dấu hiệu đứt dây chằng chéo trước nên đến bệnh viện thăm khám sớm, đừng bỏ qua "giai đoạn vàng" - tức 21 ngày đầu tiên sau chấn thương. Bởi trong thời gian này, độ dài dây chằng vẫn có thể kéo dài đến điểm bám, mạch máu còn đủ nuôi sợi dây chằng cũ, điểm bám đầu đứt của dây chằng chưa bị teo, dễ dàng bám vào xương hơn.
Lợi thế của dây chằng tự thân là khả năng phục hồi nhanh, rút ngắn thời gian điều trị, giúp người chơi thể thao lấy lại phong độ như trước chấn thương. Sau phẫu thuật nội soi bảo tồn, dây chằng có thể liền lại sau 6 tháng; bệnh nhân có thể tập luyện nhẹ nhàng trở lại sau 3 tháng thay vì 12 tháng như trước đây. Dây chằng tự thân có thể tránh được tình trạng tái đứt do căng quá mức trong những lần vận động sau.
Phẫu thuật tái tạo dây chằng với robot dẫn đường
Theo bác sĩ chuyên khoa II Vũ Tú Nam - Trưởng đơn vị Y học thể thao, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, chấn thương ở vùng khớp gối chiếm khoảng 40% trường hợp chấn thương thể thao, trong đó, có đến 30% là tổn thương các dây chằng của khớp gối mà nhiều nhất là tổn thương dây chằng chéo trước (với khoảng 50%). Bóng đá là môn thể thao hay gặp chấn thương này nhất, chiếm khoảng 1/3 số ca.
Phẫu thuật tái tạo dây chằng với sự hỗ trợ của robot dẫn đường có thể đảm bảo chính xác đến từng mm, trong khi nếu không có robot thì hầu như phụ thuộc vào kinh nghiệm của bác sĩ.
Bác sĩ Tú Nam giải thích thêm, yêu cầu của ca mổ tái tạo dây chằng chéo trước là phải đặt được mảnh ghép vào vị trí mà chống được cả lực xoay và lực trượt ra trước. Nếu sử dụng phương pháp mổ nội soi thông thường, bác sĩ sẽ đặt camera rất nhỏ vào trong khớp, từ đó quan sát cấu trúc của khớp và đưa dụng cụ mổ vào can thiệp, sửa chữa tổn thương, tái tạo lại cấu trúc khớp gối. Song, với robot Artis Pheno có khả năng quét và dựng hình ảnh 3D giải phẫu trong mổ giúp bác sĩ tính toán và định vị điểm bám dây chằng chéo chính xác đến 0,1 mm. Sự kết hợp của robot hiện đại, máy móc tiên tiến cùng bác sĩ nhiều kinh nghiệm có thể nâng tỷ lệ thành công của ca mổ đến 99%.
Trị liệu sinh học bằng huyết tương giàu tiểu cầu
Để điều trị tổn thương dây chằng, một trong những phương pháp ít xâm lấn, đem lại hiệu quả cao là trị liệu bằng huyết tương giàu tiểu cầu. Không chỉ điều trị chấn thương dây chằng, huyết tương giàu tiểu cầu được sử dụng để giảm viêm gân Achilles, giảm viêm gân bánh chè, điều trị tổn thương sụn khớp, sụn chêm, tổn thương cơ, rách chóp xoay ở vai...
Huyết tương giàu tiểu cầu có lượng tiểu cầu nhiều gấp 2-8 lần so với bình thường. Chúng được tiêm vào vùng tổn thương để giải phóng ra các yếu tố tăng trưởng và phân tử sinh học nhằm giảm viêm và đẩy nhanh quá trình tái tạo các mô tế bào, trong đó có sụn khớp, gân, dây chằng... Vì huyết tương giàu tiểu cầu tự thân lấy từ chính bệnh nhân nên tương thích với cơ thể, tránh được tình trạng kích ứng, hạn chế tác dụng phụ.
Máy siêu âm chuyên dụng cùng bác sĩ giàu kinh nghiệm giúp đưa huyết tương giàu tiểu cầu vào đúng nơi tổn thương, đảm bảo hiệu quả và tác dụng của phương pháp trị liệu. Tùy vào tình trạng tổn thương, đáp ứng điều trị, bác sĩ sẽ chỉ định để bệnh nhân tiêm loại huyết tương này một hoặc nhiều đợt.
Nhờ có trị liệu sinh học bằng huyết tương giàu tiểu cầu, bệnh nhân có thể hạn chế dùng thuốc, không cần phẫu thuật nhưng có thể giải quyết nhanh chóng cơn đau, quá trình điều trị cũng nhẹ nhàng hơn.
Ứng dụng công nghệ thực nghiệm 3D trong bệnh lý xương khớp
Theo Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Trung Dũng - Phụ trách chuyên môn khoa Phẫu thuật khớp và Y học thể thao, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, xác định chính xác vị trí tổn thương, loại tổn thương, mức độ là tiền đề để bác sĩ điều trị trúng đích. Song, các hình ảnh chụp tĩnh rất khó để đánh giá tình trạng động của thương tổn. Trong trường hợp này, công nghệ thực nghiệm 3D với sự hỗ trợ của robot nhằm mô phỏng lại chuyển động thực tế của xương khớp đã phát huy hiệu quả vượt trội của mình.
Từ phim chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ, bác sĩ có thể tạo ra một bản sao của cấu trúc xương khớp "như thật" trong không gian 3 chiều. Sau đó, bác sĩ sẽ in mô hình 3D đúng theo vị trí vùng thương tổn của bệnh nhân và thực nghiệm chuyển động nhằm tìm nguyên nhân gây bệnh. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ còn sử dụng robot Artis Pheno hỗ trợ tái tạo hình ảnh 3D trong ca mổ, tăng độ chính xác và tỷ lệ thành công.
"Ca bệnh đầu tiên mắc hội chứng xung đột xương trong khớp háng được bệnh viện điều trị thành công nhờ ứng dụng kỹ thuật mới này. Ứng dụng của công nghệ thực nghiệm hứa hẹn hỗ trợ chẩn đoán, điều trị nhiều loại bệnh lý phức tạp trong thời gian tới", Giáo sư TrầnTrung Dũng nói thêm.
Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh và Thạc sĩ, bác sĩ Trần Anh Vũ chia sẻ rõ hơn phương pháp mới điều trị chấn thương thể thao hiện nay và giải đáp các thắc mắc của độc giả tại buổi Tọa đàm phát trực tiếp lúc 20h tối nay trên VnExpress và fanpage VnExpress.
Ngọc An (Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)