Đây là bước tiến của y học Việt Nam so với những năm trước, người bệnh không cần ra nước ngoài chữa trị với chi phí tốn kém, theo Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Trung Dũng - Phụ trách chuyên môn khoa Phẫu thuật khớp và Y học thể thao, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội.
Như trường hợp anh Trần Đăng Quang (20 tuổi, Ninh Bình) mới đây, sau va chạm, đầu gối sưng đau, đi lại khó khăn, lỏng gối phía chân trái. Kết quả khám lâm sàng và chụp X-quang, cộng hưởng từ MRI cho thấy, đầu gối đứt dây chằng chéo trước. Các bác sĩ phẫu thuật tái tạo dây chằng với sự hỗ trợ của robot để bệnh nhân bảo tồn khả năng vận động và nhanh chóng trở lại tập luyện, thi đấu bóng đá.
Giáo sư Trần Trung Dũng cho biết, đây là ca phẫu thuật đầu tiên trên thế giới áp dụng phương pháp định vị điểm bám dây chằng chéo bằng robot. Chiến lược phục hồi chức năng trước và sau phẫu thuật giúp bệnh nhân không cần đặt dẫn lưu sau mổ, giảm nguy cơ nhiễm trùng, rút ngắn thời gian phục hồi, sớm trở lại vận động, tập luyện, thi đấu.
Ngoài dây chằng, chấn thương xương, khớp cũng là mối đe dọa tới khả năng vận động, chất lượng cuộc sống. Giáo sư Trần Trung Dũng vừa điều trị cho bệnh nhân mắc hội chứng xung đột xương trong khớp háng - biến chứng do chấn thương ngã đập vùng hông và đùi phải. Do đặc điểm của một số bệnh lý, chấn thương vùng xương khớp hình thành bởi các bất thường cấu trúc, chỉ xuất hiện rõ khi chân bệnh nhân vận động. Các phim chụp bản chất là ảnh tĩnh, đôi khi khó đánh giá tình trạng động của thương tổn.
Giáo sư Trần Trung Dũng và êkíp dựng mô hình số hóa ba chiều khớp háng cho bệnh nhân. Sau đó, êkip tiến hành song song: mô phỏng chuyển động khớp háng thường ngày của bệnh nhân trên nền đồ họa máy tính cũng như mô hình in 3D bằng nhựa sinh học. Xác định chính xác vị trí thương tổn, bác sĩ phẫu thuật tạo hình lại khớp háng bằng phương pháp nội soi. 2 tiếng sau mổ, bệnh nhân có thể đi lại mà không còn cảm thấy vướng víu hay đau đớn.
Để tăng tỷ lệ điều trị thành công, nhất là với các trường hợp phức tạp, các bệnh viện Việt Nam đã nghiên cứu và ứng dụng nhiều phương pháp mới, hiện đại.
Robot Artist Pheno là bước tiến trong phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước. Nhờ khả năng dựng hình ảnh 3D ngay trong mổ, robot có thể giúp bác sĩ đặt dây chằng mới chính xác đến từng 0,1 mm, người bệnh phục hồi tối đa khả năng vận động. Theo Giáo sư Trần Trung Dũng, kỹ thuật này khắc phục tình trạng dây chằng mới đặt ra ngoài vị trí diện bám nguyên thủy của dây chằng chéo trước, không đảm bảo chức năng sinh lý tự nhiên về lực xoay và trượt của dây chằng.
Bên cạnh mổ tái tạo dây chằng dưới sự hỗ trợ của robot, nội soi nối bảo tồn dây chằng cũng là phương pháp mới trong việc điều trị đứt dây chằng hiện nay, người bệnh có thể đứng lên, đi lại nhẹ nhàng, hoạt động bình thường sau hai tuần. Nếu kết quả tập luyện tốt có thể quay lại chơi thể thao nhẹ nhàng sau 3 tháng.
Phương pháp này được chỉ định trong trường hợp dây chằng chéo trước bị đứt nhưng vẫn giữ được mạch máu nuôi, bác sĩ sẽ thông qua nội soi để khâu nối, giữ nguyên dây chằng bị đứt, bảo toàn dây chằng và gân xung quanh. Lợi thế lớn nhất bảo tồn điểm bám, tạo ra sự tự tái tạo, tự lành trở lại của chính dây chằng bệnh nhân, không cần phải lấy gân để ghép.
Chiến lược điều trị chấn thương thể thao gồm nhiều phần, từ phục hồi cấu trúc giải phẫu cho đến phục hồi chức năng sinh học và phục hồi kỹ năng thể thao. Do đó, trị liệu sinh học cũng được xem là bước tiến mới bên cạnh điều trị phẫu thuật. Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) là giải pháp trị liệu sinh học đáp ứng yêu cầu trị liệu của các vận động viên với tác dụng giảm viêm và đẩy nhanh quá trình tái tạo để từ đó nhanh chóng phục hồi khả năng vận động. Phương pháp này áp dụng cho chấn thương dây chằng đứt không hoàn toàn hay các trường hợp tổn thương và viêm gân - cơ - sụn.
Chấn thương hệ thống cơ, xương, khớp và các mô liên quan như sụn, dây chằng trong thể thao có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào. Trong đó, tỷ lệ chấn thương của người chơi thể thao không chuyên cao hơn ở nhóm vận động viên chuyên nghiệp do không luyện tập bài bản và kỹ thuật chuẩn, không được đào tạo các kỹ năng phòng tránh chấn thương. Khi xảy ra chấn thương, ở nhóm không chuyên thường không được quan tâm chăm sóc và điều trị kịp thời, đúng cách, dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm sau này.
Tháng 5/2021, bệnh viện Đa khoa Tâm Anh nhập khẩu độc quyền dây chằng nhân tạo từ châu Âu, giúp bảo toàn sức mạnh của khớp gối và cơ đùi, góp thêm triển vọng mới trong điều trị chấn thương thể thao. Đây cũng là phương pháp điều trị đang áp dụng cho các cầu thủ trên thế giới với ưu điểm phục hồi nhanh.
Các chuyên gia cảnh báo không thể xem nhẹ các chấn thương xảy ra khi vận động và tập luyện thể thao bởi nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ trở thành mạn tính, khó phục hồi, giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến chức năng vận động bình thường của người bệnh.
Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh - Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM nhấn mạnh, khi người chơi thể thao có những biểu hiện như: đau, sưng, lỏng khớp, hạn chế hoạt động và sinh hoạt thì cần đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để khám, tư vấn và điều trị. Người bệnh không nên chủ quan, tự ý sử dụng các phương pháp truyền miệng, thuốc không rõ nguồn gốc để điều trị tại nhà; bởi các chấn thương thể thao, vận động nếu được chẩn đoán, điều trị sớm và chính xác, sẽ không quá khó để giúp người bệnh trở lại với luyện tập, thi đấu.
Nhằm giúp độc giả hiểu hơn về những tiến bộ trong điều trị chấn thương thể thao, VnExpress phối hợp với Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức "Tuần tư vấn về điều trị chấn thương thể thao", vào ngày 26/4-2/5. Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về y học vận động. Độc giả gửi câu hỏi tại đây.
Vào 20h ngày 23/4, livestream "Phương pháp mới điều trị chấn thương thể thao" mở đầu tuần tư vấn phát sóng trực tiếp trên fanpage VnExpress với sự tham gia của Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Trung Dũng; Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh; bác sĩ chuyên khoa II Vũ Tú Nam và cầu thủ khách mời Đoàn Văn Hậu.
Minh Tú (Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)