Độc giả gửi câu hỏi tại đây
Mang thai an toàn, nuôi con khỏe mạnh là vấn đề được quan tâm nhiều nhất tại Tuần tư vấn về Sản, Nhi sơ sinh và Nhi khoa diễn ra ngày 16-25/4 trên VnExpress. Không chỉ các bậc cha mẹ, mà nhiều độc giả có người thân, bạn bè chuẩn bị sinh con, có con nhỏ cũng gửi hàng trăm câu hỏi đến 20 chuyên gia đầu ngành nhờ giải đáp.
Nhằm làm rõ hơn những điều cần lưu tâm để mẹ bầu có thai kỳ khỏe mạnh, tránh biến chứng không đáng có; vượt cạn an toàn, chăm sóc trẻ đúng cách trong những năm tháng đầu đời, VnExpress phối hợp cùng Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức tọa đàm "Mang thai an toàn, nuôi con khỏe mạnh", phát trực tiếp trên VnExpress lúc 20h ngày 26/4. Chương trình có sự tham gia của bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM; Tiến sĩ, bác sĩ Cam Ngọc Phượng - Giám đốc Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM; Thạc sĩ, bác sĩ Lê Phan Kim Thoa - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Thăm khám kỹ, tránh biến chứng thai kỳ
Phụ nữ mang thai cần tuân thủ lịch thăm khám, thực hiện các xét nghiệm cần thiết, giúp phòng biến chứng thai kỳ, nhất là với những thai phụ trên 35 tuổi. Dị tật bẩm sinh, các bệnh lý di truyền thường gặp như Thalassemia, Down, thiếu men G6PD... được phát hiện kịp thời qua sàng lọc tiền sản. Nếu bỏ lỡ những cột mốc thăm khám quan trọng trong thai kỳ có thể khiến kết quả khám và chẩn đoán giảm độ chính xác, không có cơ hội bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé.
Theo bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, khám thai ở mốc tuần thai thứ 12 vô cùng quan trọng. Thai phụ sẽ thực hiện siêu âm khảo sát hình thái học thai nhi và tiếp tục thực hiện một số xét nghiệm máu cơ bản nhằm xác định bệnh lý có thể tầm soát trong thai kỳ (thiếu máu Thalassemia, các bệnh lý nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến kế hoạch điều trị trong thai kỳ) và tầm soát dị tật thai nhi, cụ thể là hội chứng Down (Trisomy 21).
Hiện có nhiều xét nghiệm giúp tầm soát hội chứng Down như làm Double Test vào tuần thai thứ 12, kết hợp với độ tuổi của thai phụ và kết quả siêu âm độ mờ da gáy để chẩn đoán nguy cơ hội chứng Down của thai nhi. Xét nghiệm NIPT có mức độ tin cậy cao hơn, nhưng không dành cho tất cả mọi người mà còn tùy thuộc vào độ tuổi, tình trạng cụ thể mà bác sĩ đưa ra hướng tư vấn phù hợp.
Qua những lần khám thai, bác sĩ có thể phát hiện biến chứng thai kỳ nghiêm trọng để kịp thời xử lý, bởi chúng ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé, trường hợp nặng có thể phải kết thúc thai, tử vong một trong hai hoặc cả hai mẹ con.
Một xét nghiệm quan trọng khác là Triple Test, thực hiện ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai. Trong trường hợp khó siêu âm, hoặc thai nhi gặp bệnh lý phức tạp, sản phụ sẽ được chỉ định chụp cộng hưởng từ thai nhi ở cuối ba tháng giữa hoặc trong ba tháng cuối của thai kỳ. Phương pháp chẩn đoán hình ảnh này cung cấp thông tin chi tiết về cấu trúc giải phẫu của thai nhi, đánh giá dị tật phức tạp, những bất thường của não bộ, cột sống và toàn bộ cơ thể thai nhi, phát hiện bất thường khác của tử cung, bánh nhau cũng như buồng ối.
Tiền sản giật, nhau tiền đạo, thuyên tắc ối, tăng huyết áp, truyền máu song thai, vỡ ối sớm... có thể xảy ra ở bất kỳ thai phụ nào. Bác sĩ Mỹ Nhi cho biết, có đến 50% sản phụ tử vong trong giờ đầu tiên khởi phát triệu chứng thuyên tắc ối. 50% còn lại nếu sống sót cũng để lại nhiều di chứng thần kinh nặng nề. Tỷ lệ xảy ra do cơn sản giật 50% trước đẻ, 25% trong đẻ, 25% sau đẻ và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Trang bị kiến thức nhằm nhận biết sớm những bất thường cho thai phụ và gia đình là rất cần thiết. Khi có các dấu hiệu như chảy máu âm đạo, đau, co thắt tử cung, sưng phù thai hoặc mặt đột ngột, nhức đầu nặng, chóng mặt, mờ mắt, nôn liên tục... thai phụ cần đến bệnh viện để thăm khám ngay và điều trị kịp thời.
Bác sĩ Mỹ Nhi chia sẻ thêm, một trong những nguyên nhân gây tử vong cao ở trẻ là sinh non. Ngày càng nhiều trẻ sinh non trước 37 tuần, nhất là trường hợp sinh cực non dưới 28 tuần, cân nặng chưa đến một kg. Dự phòng và sớm đưa ra biện pháp ngăn ngừa, can thiệp kịp thời giúp đảm bảo sức khỏe, an toàn cho sản phụ và thai nhi.
Hiện nay, những tiến bộ trong siêu âm tầm soát thai nhi, can thiệp y học bào thai, nuôi trẻ sinh non... tại Việt Nam giúp người mẹ an toàn trong cuộc "vượt cạn", hàng triệu trẻ chào đời khỏe mạnh. Trong đó, can thiệp sớm, điều trị đúng cách cùng thiết bị y tế hiện đại hỗ trợ quyết định sự thành công của trong lĩnh vực sản nhi khoa. Nhiều ca truyền máu song thai nguy kịch, tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", có trường hợp chỉ 5% cơ hội sống hoặc gần như bằng không cũng đã được cứu sống.
Tiến sĩ, bác sĩ Cam Ngọc Phượng cho biết thêm, tỷ lệ bại não do sinh non từng rất cao. Nhờ tiến bộ trong chăm sóc và bảo vệ thần kinh, con số này đã giảm mạnh. Tại Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bé sinh non được chăm sóc tốt nhất, không để lại di chứng. Trẻ sơ sinh được làm một số xét nghiệm sàng lọc dị tật bẩm sinh, bệnh lý để loại trừ suy giáp bẩm sinh, tăng sản bẩm sinh, G6PD thấp, sàng lọc thính lực... Trẻ cũng được sàng lọc bệnh tim, thận... bẩm sinh, nhằm can thiệp từ rất sớm, giảm tối đa nguy cơ tử vong, tăng cơ hội sống khỏe mạnh.
Đừng lơ là các bệnh thường gặp ở trẻ
Trải qua 9 tháng 10 ngày thai nghén, sinh con an toàn là niềm vui của nhiều phụ huynh. Song, tiếp theo hành trình mang thai là chuỗi ngày nuôi con vất vả. Do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sức đề kháng còn non yếu, nên trẻ dễ mắc những bệnh thường gặp như viêm mũi họng, viêm đường hô hấp, tay chân miệng, cúm, tiêu chảy... Bệnh dễ tái phát, nhất là khi thời tiết chuyển mùa khiến trẻ ăn ngủ không ngon, sức khỏe giảm, chậm phát triển về thể chất.
Tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 12 là giai đoạn bệnh tay chân miệng tăng mạnh. Năm nay là chu kỳ 3-5 năm bệnh tay chân miệng bùng phát, nhiều phụ huynh lo lắng con mình đã bị rồi có bị lại nữa không, phòng bệnh như thế nào...
Theo bác sĩ Kim Thoa, Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71) là hai loại virus gây tay chân miệng thường gặp với tỷ lệ biến chứng cao, ngoài ra còn hơn 10 chủng siêu vi đường ruột khác gây nên bệnh. Hiện chưa có vaccine phòng bệnh. Khi trẻ nhiễm một loại virus sẽ tạo ra kháng thể để bảo vệ nhưng lại không thể bảo vệ bé khỏi con virus khác. Phụ huynh cần giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh thật kỹ những vật dụng sau khi bé đi vệ sinh, nơi bé thường xuyên tiếp xúc, phải giữ đôi bàn tay của bé luôn sạch sẽ và đặc biệt giữ bàn tay người chăm sóc bé vì đây là một trong những nguồn có thể mang mầm bệnh... Khi bệnh tiến triển nặng hơn, cần đến bệnh viện để bé được chăm sóc và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ bội nhiễm và các biến chứng nguy hiểm.
Một số bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn, virus nguy hiểm có thể gây ra nhiều biến chứng, để lại hậu quả lâu dài về sau, hoặc dẫn đến tử vong. Năm 2017, cứ mỗi 5 giây có một trẻ dưới 15 tuổi tử vong. 85% trẻ chết trong năm đầu đời, 5,4 triệu trẻ dưới 5 tuổi và 0,9 triệu trẻ từ 5 đến 14 tuổi theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF). Trẻ dưới 5 tuổi tử vong phần lớn do những nguyên nhân có thể phòng ngừa hoặc điều trị được như biến chứng trong khi sinh, viêm phổi, tiêu chảy, nhiễm trùng huyết sơ sinh và sốt rét.
Ở trẻ nhỏ, nhiều bệnh diễn tiến rất nhanh, khó lường, đôi khi chỉ khởi đầu bằng nóng sốt nhẹ. Chẳng hạn như viêm màng não do não mô cầu có thể khiến trẻ tử vong trong 24h nếu không được xử trí kịp thời. Do đó, bác sĩ Kim Thoa khuyến cáo phụ huynh cần theo dõi, quan sát trẻ thường xuyên, nhất là khi có những triệu chứng nóng sốt, ho, sổ mũi vì dấu hiệu ban đầu của các bệnh đều khá giống nhau.
Tăng cường sức đề kháng, phòng và điều trị bệnh giúp trẻ ít ốm vặt, nuôi con nhàn tênh là mong mỏi của phụ huynh. Bởi trị dứt điểm bệnh, chăm sóc con đúng cách mới có thể giúp con phát triển toàn diện. Bác sĩ Kim Thoa chỉ ra, không ít sai lầm trong cách chăm sóc của bố mẹ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Một số bà mẹ lạm dụng kháng sinh để mong con mau dứt bệnh, dùng lại liều thuốc trong các lần bệnh trước đó dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh, nghe lời người thân, quảng cáo tự mua thuốc cho trẻ uống, tự ý bổ sung vitamin và thuốc bổ...
Theo các bác sĩ, biểu hiện bệnh ở mỗi trẻ không giống nhau, do đó cần phải có kế hoạch chăm sóc sức khỏe, điều trị cá thể hóa để hiệu quả tối ưu. Đây cũng là tiêu chí mà các chuyên gia Sản, Nhi sơ sinh và Nhi khoa tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh hướng đến và giúp điều trị dứt điểm nhiều ca bệnh khó ở trẻ.
Tọa đàm "Mang thai an toàn, nuôi con khỏe mạnh" là cơ hội để độc giả có thể gửi câu hỏi về cách phòng và điều trị biến chứng thai kỳ, chế độ dinh dưỡng và cách chăm sóc trẻ sơ sinh, trẻ sinh non đúng cách để trẻ phát triển toàn diện. Ba chuyên gia hàng về Sản, Nhi sơ sinh và Nhi khoa sẽ giải đáp chi tiết những thắc mắc của độc giả xoay quanh chủ đề này lúc 20h ngày 26/4.
Ngọc An