Ngày 19/10, giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) - được ví như "Oscar ngành du lịch" - công bố kết quả bình chọn khu vực châu Á, ở hạng mục resort, khách sạn, Việt Nam giành được 17 giải khác nhau. Các tỉnh có đại diện đoạt giải như Hòa Bình, Lăng Cô (Huế), Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang)... Kết quả trên cho thấy Việt Nam có tiềm năng về bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, sở hữu vô số bãi biển lớn, cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, nhiều di sản văn hóa độc đáo...
Như nhiều quốc gia khác, những năm gần đây, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại Việt Nam được xem là xu hướng tất yếu của sự phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế, cải thiện công ăn việc làm cho người lao động và làm phong phú đời sống tinh thần người dân.
Khảo sát của nhiều công ty nghiên cứu thị trường cho thấy, nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng thay đổi kể từ khi Covid-19 bùng phát. Phần lớn người tiêu dùng hướng đến lối sống "xanh", lành mạnh, ưu tiên sản phẩm chăm sóc sức khỏe, hưởng thụ một cách riêng tư, không tiếp xúc đông người... Nhờ đó, phân khúc bất động sản sức khỏe có yếu tố nghỉ dưỡng phần nào được lòng nhiều khách hàng.
Nhiều chuyên gia Bộ, ngành, doanh nghiệp nhận định những dự án có quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại về hạ tầng, đa dạng về chức năng cung ứng dịch vụ... có cơ hội khai thác kinh doanh tốt và bền vững, sở hữu lâu dài.
Thực tế, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam có những bước tiến trong vài năm qua nhưng cũng mới chỉ ở giai đoạn đầu, vẫn còn nhiều tiềm năng khai phá. Tuy nhiên, những yếu tố chủ quan lẫn khác quan vây quanh khiến bất động sản du lịch chững lại, một số công trình chưa thể hoàn thành. Không ít chủ sở hữu khiếu kiện hoặc quay lưng với chủ đầu tư do chưa đáp ứng các quyền lợi về giấy tờ, pháp lý...
Trong khi đó, đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến du lịch, hiệu quả kinh doanh sụt giảm, thấp kỷ lục. Hầu hết doanh nghiệp lữ hành, khu nghỉ dưỡng, khách sạn... hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa. Đó là lý do khiến phân khúc bất động sản du lịch "đóng băng" suốt thời gian qua.
Các chuyên gia lẫn doanh nghiệp đau đầu khi số lượng bất động sản tồn kho còn rất lớn và tiền đầu tư của nhiều bên đang ở trạng thái "kẹt cứng". Bên cạnh đó, mảng này cũng không thể phát huy thành kênh đầu tư và huy động vốn đầu tư hiệu quả trong xã hội.
Theo số liệu của Hội Môi giới bất động sản (VARS), trong năm 2020, cả nước có 18.000 sản phẩm condotel được rao bán, đa phần là hàng tồn kho của các năm trước, nhưng cả năm chỉ có 120 sản phẩm condotel được giao dịch.
Tương tự, nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng, villas, shophouse trong năm 2020 đạt 15.000 sản phẩm, nhưng tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt 8%. Hiện, cộng gộp tất cả loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, Việt Nam đang tồn kho khoảng 31.500 sản phẩm. Nguồn lực "khổng lồ" này đang bị ứ đọng và cần được khơi thông.
Làm cách nào để thúc đẩy phân khúc này phát triển mạnh trong bối cảnh mới là bài toán khó với Bộ, ngành các cấp lẫn doanh nghiệp liên quan. Nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp, VnExpress thực hiện tọa đàm với chủ đề "Khơi thông nguồn lực bất động sản du lịch trong bối cảnh mới", phát sóng lúc 20h ngày 26/10 trên VnExpress và Fanpage VnExpress.
Các chuyên gia sẽ chỉ ra đâu là điểm nghẽn của nguồn lực bất động sản du lịch nghỉ dưỡng? Đại dịch Covid-19 khiến thị trường này "ngủ sâu" ra sao và còn những nguyên nhân nào khác? Động lực nào giúp ngành này nói riêng và ngành du lịch phục hồi và bứt phá trong thời gian tới? Cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò thế nào trong việc khơi thông nguồn lực quan trọng này? Bên cạnh đó, doanh nghiệp tham gia thị trường này đã, đang và sẽ làm gì để "đánh thức" nó?...
Tham gia tọa đàm có đại diện các Bộ, ngành gồm: bà Phạm Thị Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký Đất đai, Bộ Tài nguyên Môi trường; ông Đỗ Huy Hoàng - Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng; ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam. Về phía doanh nghiệp có ông Trần Quốc Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh; ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam. Dẫn dắt tọa đàm là nhà báo Ngọc Phạm từ VnExpress.
"Khơi thông nguồn lực bất động sản du lịch trong bối cảnh mới" thuộc chuỗi tọa đàm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - ViEF 2021, do VnExpress và Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp tổ chức. Nội dung thảo luận xuyên suốt ViEF 2021 là "giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế Việt Nam và một số ngành, lĩnh vực trọng tâm giai đoạn 2021-2025, định hướng tới 2030".
Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ và có sự tham gia của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, Diễn đàn là lời hiệu triệu, tập hợp của cả hai khu vực công - tư để phát triển nền kinh tế có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư vượt khó do dịch bệnh, tạo sức bật trong giai đoạn mới...
Thi Quân