-
14h00
Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho doanh nghiệp ở nước ngoài
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thông qua đàm phán, ký kết và thực thi các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, doanh nghiệp Việt ngày càng nhận ra tầm quan trọng của đăng ký bảo hộ nhãn hiệu khi tham gia vào cuộc chơi quốc tế. Trên thực tế, nhiều thương hiệu nổi tiếng trong nước từng bị các doanh nghiệp nước ngoài xâm phạm và phần lớn bị mất thương hiệu.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 6 đạt 26,5 tỷ USD. Xuất khẩu 6 tháng qua duy trì đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2020, đồng đều ở các ngành hàng quan trọng như điện tử, dệt may, da giày, máy móc thiết bị, thuỷ sản... và ở các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU...
Những thắc mắc liên quan đến thực trạng, tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu khi doanh nghiệp muốn đưa sản phẩm, dịch vụ của mình ra thị trường nước ngoài; cách thức đăng ký nhãn hiệu hay cơ chế hỗ trợ từ cơ quan quản lý với các doanh nghiệp Việt Nam,... sẽ được bàn luận, trao đổi trong Toạ đàm "Bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài cho các doanh nghiệp Việt Nam".
Chương trình có sự tham gia của các khách mời: TS. Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; Th.S Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương; PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh, Bộ môn Quản trị thương hiệu - Khoa Marketing, Đại học Thương mại.
Chương trình bắt đầu lúc 14h30 chiều nay, trực tiếp trên VnExpress.
-
14h05
Bức tranh xuất khẩu và bảo vệ sở hữu trí tuệ Việt
Giai đoạn 2015-2020, xuất khẩu ghi nhận mức tăng trưởng mạnh về quy mô, từ 162 tỷ USD năm 2015 lên 282,65 tỷ USD năm 2020. Mới đây, Tổng cục Thống kê công bố tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và năm tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2021 đạt 26 tỷ USD, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong bối cảnh nền Kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, với việc tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do để thúc đẩy gia tăng thương mại, việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ tác động trực tiếp đến chiến lược và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp Việt tại các quốc gia khác.
Ở Việt Nam, đến nay, việc đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài hầu như chỉ được các doanh nghiệp lớn quan tâm như FPT, Viettel, Viglacera... Đa phần các doanh nghiệp vừa và nhỏ một phần chưa quan tâm đến vấn đề này. Bên cạnh đó, họ cũng chưa biết có cơ hội đưa sản phẩm, dịch vụ của mình ra nước ngoài hay không để thực hiện việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Nhiều doanh nghiệp chưa nắm bắt về thủ tục đăng ký, sợ tốn kém thời gian, chi phí...
Để nhãn hiệu được bảo hộ ở ngoài Việt Nam, các doanh nghiệp có thể đăng ký trực tiếp tại Cơ quan nhãn hiệu của từng quốc gia, cũng có thể thông qua Hệ thống Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu của Tổ chức SHTT thế giới để nộp một đơn nhưng đồng thời chỉ định tới nhiều quốc gia.
Theo thống kê, số lượng nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam đăng ký qua hệ thống này có xu hướng tăng trong 5 năm trở lại đây, có những đơn chỉ định trên 50 quốc gia. Các thị trường được các doanh nghiệp đăng ký nhiều bao gồm: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc... Danh mục hàng hóa, dịch vụ cũng đa dạng hơn. Ngoài các sản phẩm, dịch vụ truyền thống của Việt Nam như nông sản, thực phẩm.... từ năm 2015 đến 2020, có khoảng 500 đơn đăng ký cho các sản phẩm chủ lực khác như lúa, gạo, chè, cà phê, hồ tiêu, rau quả, tôm, cá...
-
14h30
Lý do doanh nghiệp cần phải đăng ký nhãn hiệu ở các thị trường xuất khẩu
Nhận được câu hỏi đầu tiên tại buổi Toạ đàm về "Đâu là căn cứ pháp lý của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài? Tại sao doanh nghiệp cần phải đăng ký nhãn hiệu ở các thị trường xuất khẩu", ông Trần Lê Hồng cho biết, nhãn hiệu là yếu tố không thể thiếu và mang tính chất trọng tâm trong việc phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp, nhất là khi xuất khẩu ra nước ngoài. Để nhãn hiệu được bảo hộ thì việc đăng ký ở đâu, quốc gia nào là điều rất quan trọng.
Đăng ký nhãn hiệu tại từng quốc gia sẽ rất mất công sức và tốn kém về chi phí, hệ thống đăng ký quốc tế nhãn hiệu (Hệ thống Madrid do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới quản lý) sẽ giúp các doanh nghiệp chỉ cần nộp một đơn tại Cục Sở hữu trí tuệ để chị định việc đăng ký tới nhiều nước khác nhau trong Hệ thống Madrid.
Nhìn chung, nếu muốn phát triển các sản phẩm ở nước ngoài, doanh nghiệp cần có thương hiệu, thông thường được định vị qua nhãn hiệu là chủ yếu, nên muốn bảo vệ được thương hiệu ở nước ngoài thì cần đăng ký ở nước ngoài.
-
14h38
Doanh nghiệp còn ngại đăng ký quyền sở hữu trí tuệ
Với ông Hoàng Minh Chiến, MC đặt câu hỏi về nhiệm vụ mà Cục Xúc tiến Thương mại đang triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu? Trước câu hỏi này, ông Chiến cho biết, với chức trách là đầu mối được giao, đơn vị đang phối hợp với các bộ ngành liên quan, Bộ Công thương triển khai các hoạt động tuyên truyền quảng cáo về xây dựng bảo vệ thương hiệu. "Qua phóng sự vừa xem, chúng ta thấy doanh nghiệp Việt bắt đầu nhận thức tốt về vấn đề này", ông nói. Nhiệm vụ thứ hai là đào tạo tập huấn, xây dựng thương hiệu ra sao, bảo hộ thế nào. Nhiệm vụ thứ 3 là nhiệm vụ phối hợp với các ban ngành liên quan cung cấp thông tin về thị trường ở nước ngoài.
Bàn về ý nghĩa, vai trò của việc phát triển thương hiệu của doanh nghiệp Việt trong nỗ lực xâm nhập, mở rộng thị trường ngoài nước, MC hỏi ông Thịnh về những khó khăn trong việc phát triển thương hiệu Việt ở nước ngoài, nhất là liên quan đến vấn đề nhãn hiệu. Trả lời vấn đề này, ông Thịnh cho biết, doanh nghiệp có nhiều lý do để không đăng ký, nhưng đó là sai lầm. "Chúng ta cần đăng ký nhãn hiệu ngay".
Theo ông, rào cản dẫn đến doanh nghiệp Việt không đăng ký nhãn hiệu do nhận thức của các chủ doanh nghiệp cho rằng mình bé, không quan tâm đến trách nhiệm của mình. Ngoài ra, có trường hợp doanh nghiệp chán nản khi tìm hiểu thông tin qua tiếng nước ngoài. Bên cạnh đó, kinh phí đăng ký không rẻ cũng là rào cản.
"Không có một doanh nghiệp nào xây dựng thành công nếu không có quyết tâm bảo vệ thương hiệu", ông nói tiếp.
-
14h45
Mỗi năm có 280 đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu
Ông Trần Lê Hồng cho hay, hiện nay số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu quốc gia/ đơn đăng ký nhãn hiệu nộp trực tiếp tại Cục Sở hữu trí tuệ là khoảng 50.000, nhưng chỉ có khoảng 280 đơn đăng ký quốc tế. Việc đăng ký ra nước ngoài không quá khó, nhưng vấn đề nhận thức là rào cản lớn.
Thực tế, để đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài, doanh nghiệp có thể tìm kiếm qua nhiều kênh khác nhau, đầu tiên là Cục Sở hữu trí tuệ. Cục có đầy đủ thông tin, cách thức cho đến hỗ trợ về chuyên gia cho doanh nghiệp, có bàn hỗ trợ riêng cho người nộp đơn, và các mẫu đơn cũng như cách xử lý đơn...
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp thuê dịch vụ tư vấn. Việt Nam hiện có khoảng 200 tổ chức đại diện, họ đều có thể đảm nhận việc đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài.
"Ngoài ra, ở các địa phương có chương trình phát triển tài sản trí tuệ, có hỗ trợ về tài chính, chuyên môn, chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với các bên bộ ngành, sở và đơn vị liên quan để hỗ trợ tốt nhất", ông nói.
Còn về việc đăng ký trực tiếp ở từng nước thì mỗi nước có những quy định, cách thức khác nhau, nên hiện việc đăng ký chính là sử dụng hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế.
Ông cho biết thêm, với gạo ST25, đây là vấn đề tương đối phức tạp, bởi ST25 không phải là nhãn hiệu hàng hoá mà là giống cây trồng. Lúc đầu doanh nghiệp có vẻ chủ quan không quan tâm đến việc bảo hộ tại nước ngoài nên đã không được bảo hộ tại Mỹ. Cục Sở hữu Trí tuệ đã hỗ trợ về mặt chuyên môn để có những nhận thức đầy đủ để đăng ký ra nước ngoài với sản phẩm, và cũng gửi ra nước ngoài để khẳng định xuất xứ, thực chất là tên một giống cây trồng - Lúa ST25, và cơ quan sáng chế Mỹ đã ghi nhận và cho biết sẽ từ chối đăng ký cho các doanh nghiệp nộp đơn tại Mỹ.
-
14h50
Tập trung tuyên truyền về bảo hộ nhãn hiệu
Trước câu hỏi các giải pháp xúc tiến thương mại trong thời gian tới để xây dựng thương hiệu ở nước ngoài cho các doanh nghiệp Việt Nam và sự phối hợp giữa Cục Xúc tiến Thương mại và các đơn vị khác trong và ngoài Bộ Công Thương để triển khai, ông Chiến cho biết: "Trong các nội dung, chúng tôi tập trung vào giải pháp lớn, tuyên truyền nhận thức, đào tạo tập huấn. Đơn vị cũng triển khai các hoạt động quảng bá cho các sản phẩm tốt tại Việt Nam. Hai năm một lần xét chọn thương hiệu Quốc gia, là những sản phẩm tốt, đã đăng ký bản quyền thương hiệu Quốc gia. Các chương trình như vậy sẽ giới thiệu được sản phẩm của Việt Nam ra quốc tế".
Nối tiếp ông Chiến, ông Thịnh giới thiệu về các mô hình phát triển thương hiệu phổ biến gắn với nhãn hiệu, một số ví dụ thành công hoặc không thành công của doanh nghiệp Việt Nam. Ông Thịnh cho rằng, mô hình giới thiệu sản phẩm phức tạp, rất khó dùng mô hình của doanh nghiệp này để áp cho doanh nghiệp khác. Hiện nay, đa phần các doanh nghiệp Việt xây dựng mô hình thương hiệu gia đình. Thực tế, vịệc đăng ký nhãn hiệu khác với việc đăng ký kinh doanh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp bắt đầu quan tâm đến mô hình đa thương hiệu, bắt đầu ứng dụng tại Việt Nam. có tính ứng dụng. Thứ ba là mô hình cá biệt, mô hình đòi hỏi kinh phí cao. Hiện nay, các chương trình quốc gia về xúc tiến thương mại hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp Việt Nam. Sự chủ động quyết tâm, nhận thức của chính lãnh đạo doanh nghiệp là vấn đề cốt lõi.
Hiện, nhiều người cho rằng xây dựng thương hiệu là vấn đề truyền thông. Tuy nhiên, ông nhận định cốt lõi của vấn đề là sản phẩm. Nhưng chỉ sản phẩm tốt chưa đủ, ngoài ra cần cách thức doanh nghiệp ứng xử, đưa sản phẩm đến cộng đồng. Cuối cùng là đăng lý bản quyền.
Ông Hồng bổ sung, phát triển thương hiệu gắn với hàng hóa dịch vụ, việc này chỉ là một phần trong đầu cơ của doanh nghiệp trong chiến lược kinh doanh. Ông cho rằng, doanh nghiệp cần đặt ra bài toán đâu là thương hiệu, đầu tư ra sao, đâu là bản quyền. Từ đó, mới hiểu rõ nhu cầu về đăng ký thương hiệu, xuất khẩu.
-
15h01
'Doanh nghiệp nên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu càng sớm càng tốt
Theo PGS, TS Nguyễn Quốc Thịnh, doanh nghiệp nên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sớm nhất có thể, thậm chí trước khi triển khai hoạt động kinh doanh, hãy đăng ký ngay từ khi có ý tưởng.
Doanh nghiệp nên làm ra sản phẩm tương ứng với khách hàng mục tiêu, không nhất thiết là tạo ra sản phẩm tốt nhất - bài toán cân đối là rất quan trọng. "Việc đăng ký bảo bảo hộ cũng vậy, đăng ký cho 1 hay 10 thị trường là chiến lược của doanh nghiệp, nhưng quan trọng hơn cả là đăng ký cho nhóm sản phẩm nào, và điều tôi đau đáu là chúng ta có thể khai thác lợi thế rất mạnh là cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài. Muốn đưa nhãn hiệu vào Mỹ, người Việt tại nước ngoài sẽ là đối tượng đón mạnh nhất, vậy hãy khai thác cái đó, đó cũng chính là khai thác nguồn lực", PGS, TS Nguyễn Quốc Thịnh nhấn mạnh.
Bàn về việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, ông Hồng chia sẻ thêm, đăng ký sớm sẽ có cơ hội thành công cao, nhưng rủi ro là đăng ký sớm liệu có tương thích với kế hoạch kinh doanh sau này không, doanh nghiệp cần cân nhắc. Nói cách khác, khi đã có kế hoạch rõ ràng kinh doanh tại một thị trường cụ thể, lúc đó đăng ký có vẻ phù hợp nhất. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tra cứu thị trường về nhãn hiệu đó, tránh việc nộp đơn xong nhưng không được đăng ký, dẫn đến cả chiến lược kinh doanh phải đổ sông, đổ bể.
-
15h03
Doanh nghiệp muốn kinh doanh ở nước ngoài thì phải đua về chất lượng, nhãn hiệu
Sau phóng sự về bài học từ các doanh nghiệp Việt từng mất thương hiệu ở nước ngoài, gây ảnh hưởng đến chiến lược vươn ra thị trường quốc tế, các chuyên gia đánh giá về nhận thức đối với việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trong xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam. Ông Hồng cho rằng việc đăng ký nhãn hiệu là cần thiết. Khi chúng ta giảm thiểu được rủi ro, khó khăn về bảo hộ thương hiệu, lúc đó chúng ta sẽ yên tâm hơn về thương hiệu.
Bàn về câu chuyện của Trung Nguyên, ông Chiến cho biết, doanh nghiệp chưa có ý thức bảo hộ thương hiệu. Câu chuyện đăng ký bảo hộ đã khó, đòi lại nhãn hiệu bị đăng ký bởi nhãn hiệu khác khó hơn rất nhiều.
Theo ông Hồng, nhiều ngành nghề của Việt Nam đang trên đà phát triển, bắt đầu đi vào thị trường nước ngoài. Các doanh nghiệp khi ra biển lớn cần tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, nhưng doanh nghiệp, có thể vì nhiều lý do khác nhau, nên chưa làm tốt vấn đề bảo hộ nhãn hiệu. Như trong phóng sự, xuất khẩu tăng thì các vấn đề phát sinh cũng tăng theo. Nếu như doanh nghiệp muốn kinh doanh ở nước ngoài thì phải đua về chất lượng, nhãn hiệu, cách tiếp cận. Với thực tế các doanh nghiệp Việt Nam có tính nhạy bén, ông tin tưởng rằng sẽ sớm tìm ra giải pháp. Những buổi toạ đàm như lần này cũng sẽ cung cấp những kiến thức thông tin cho doanh nghiệp. Qua đó, ông kỳ vọng sẽ ngày càng nhiều thương hiệu đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài thành công.
-
15h17
Ba 'cái khó' khi phát triển thương hiệu
Khi nhãn hiệu bị đối tác nước ngoài đăng ký trước, nhiều người hay dùng từ lấy cắp, bị chiếm hữu, ông Thịnh không đồng tình với cách nói này. Theo ông, ai đăng ký trước thì người đó cơ bản hợp pháp, giành quyền trước.
Quay trở lại vấn đề phát triển thương hiệu, ông Thịnh cho rằng Việt Nam là điểm sáng trong xuất khẩu nông sản, hầu hết là sản phẩm cộng đồng - "nhãn hiệu cộng đồng" hay "thương hiệu cộng đồng" liên quan đến vùng nào đó. Tuy nhiên, vấn đề phát triển thương hiệu của chúng ta còn gặp nhiều khó khăn.
Thứ nhất, các sản phẩm cộng đồng do nhiều cơ sở khác nhau cùng sản xuất một loại sản phẩm và mang cái tên chung là "chỉ dẫn địa lý". Vậy làm sao để quản lý được quá trình sản xuất - đây là điều khó.
Thứ hai là truyền thông thương hiệu: Sẽ luôn có mâu thuẫn khi nhà ông A và ông B cùng sản xuất cạnh tranh nhưng lại phải liên kết với nhau. lúc này sẽ cần đến sự tham gia của cơ quan, chính quyền địa phương... làm thế nào để hoà hợp tất cả.
Thứ ba là khoảng 98% người dân Việt Nam còn chưa hiểu thế nào là chỉ dẫn địa lý nhưng cứ giới thiệu truyền thông, nên sẽ khó đạt hiệu quả như mong muốn.
-
15h22
1.300 sản phẩm OCOP được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu
Tọa đàm nhận nhiều câu hỏi của độc giả gửi về. Anh Lê Hoàng, 35 tuổi, Thanh Hóa hỏi ông Hồng về việc Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ có chức năng tư vấn cho các doanh nghiệp khi cần bảo hộ thương hiệu hay không?
Trước câu hỏi này, ông Hồng cho biết, đơn vị luôn chú trọng hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp về việc đăng ký nhãn hiệu. Cụ thể, Cục Sở hữu Trí tuệ có một trung tâm chuyên hỗ trợ doanh nghiệp về tư vấn, đào tạo, thông tin về vấn đề đăng ký nhãn hiệu. Đơn vị có bàn tư vấn riêng, hỗ trợ tư vấn qua điện thoại. Bên cạnh các chương trình phát triển tài sản trí tuệ của trung ương, hầu hết các địa phương có chương trình phát triển tài sản trí tuệ của riêng mình. Đây là cách lan tỏa, hỗ trợ doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Trong giai đoạn gần 3 năm, có 1.300 sản phẩm OCOP đã được hỗ trợ để đăng ký nhãn hiệu. Ngoài ra, Cục còn có nhiều chương trình khác.
Nhận thấy nhu cầu của doanh nghiệp về vấn đề này, Chính phủ đã chỉ đạo giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ và các ban ngành triển khai đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài. Đơn vị đã có bước chuẩn bị ban đầu, phối hợp giữa các ban ngành để thức hiện. Cụ thể như sẽ có tài liệu riêng để hướng dẫn cho doanh nghiệp, ví dụ vào thị trường Trung Quốc thì sẽ có những lưu ý gì. "Chúng ta có những cá nhân và tổ chức khác nhau để giúp doanh nghiệp có thể đăng ký nhãn hiệu thuận lợi", ông Hồng nói.