Kenji Fukuda, đại diện cho 5 nguyên đơn người gốc Triều Tiên tại Nhật Bản, nói ngày 7/9 rằng ông Kim Jong-un được cho là sẽ không ra tòa trong phiên điều trần ngày 14/10. Tuy nhiên, quyết định triệu tập lãnh đạo Triều Tiên của tòa án là trường hợp hiếm hoi, trong đó một lãnh đạo nước ngoài không được quyền miễn trừ quốc gia.
Các nguyên đơn yêu cầu Triều Tiên bồi thường 100 triệu yen (900.000 USD) mỗi người vì họ đã bị vi phạm nhân quyền khi tham gia chương trình tái định cư được mô tả là "thiên đường trên Trái Đất" tại Triều Tiên. Khoảng 93.000 người gốc Triều Tiên tại Nhật Bản và người nhà đã tới Triều Tiên nhiều thập kỷ trước theo lời hứa hẹn có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhiều người trước đó bị phân biệt đối xử tại Nhật Bản vì là người gốc Triều Tiên.
Eiko Kawasaki, 79 tuổi, người Triều Tiên sinh ra và lớn lên tại Nhật Bản, 17 tuổi khi rời Nhật Bản năm 1960, một năm sau khi Triều Tiên bắt đầu chương trình hồi hương khổng lồ nhằm bù đắp cho những người lao động thiệt mạng trong chiến tranh Triều Tiên và đưa người Triều Tiên ở hải ngoại về nước. Kế hoạch này tiếp tục thu hút nhiều người, trong đó có nhiều người Hàn Quốc, cho tới năm 1984.
Chính phủ Nhật Bản khi đó cũng hoan nghênh chương trình vì coi người gốc Triều Tiên là người ngoài. Tokyo giúp họ thu xếp phương tiện quay lại Triều Tiên.
Kawaski ở Triều Tiên suốt 43 năm tới khi đào tẩu thành công năm 2003, bỏ lại con cái đã trưởng thành. Bà cho hay Triều Tiên hứa hẹn sẽ miễn phí y tế, giáo dục, việc làm và nhiều lợi ích khác, nhưng thực tế không thực hiện và họ chủ yếu phải lao động nặng nhọc tại các khu khai khoáng, trồng rừng hay nông trại.
"Nếu chúng tôi được biết sự thật về Triều Tiên, sẽ không ai đi cả", bà nói trong buổi họp báo hôm 7/9.
Kawasaki và 4 người đào tẩu trong chương trình đã đệ đơn kiện chính phủ Triều Tiên vào tháng 8/2018 tại tòa án quận Tokyo và yêu cầu bồi thường. Sau ba năm thảo luận, tòa án đồng ý triệu tập Kim Jong-un tới phiên điều trần đầu tiên ngày 14/10, theo luật sư Fukuda.
Ông không mong đợi lãnh đạo Triều Tiên sẽ xuất hiện hoặc bồi thường theo yêu cầu tòa án, nhưng hy vọng có thể tạo tiền lệ trong tương lai cho các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Nhật Bản về trách nhiệm của Triều Tiên và bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Dù thời hiệu truy cứu trách nhiệm pháp lý của chính phủ Nhật Bản đã hết, Kawasaki hy vọng có thể thu hút sự chú ý về hàng nghìn người đã tham gia chương trình "vẫn chờ được đưa ra khỏi Triều Tiên".
"Tôi nghĩ chính phủ Nhật Bản cũng nên chịu trách nhiệm", bà nói.
Bố của Kawasaki nằm trong số hàng trăm nghìn người Triều Tiên được đưa sang Nhật Bản, trong đó nhiều người bị cưỡng ép, để lao động trong các hầm mỏ và nhà máy trước và trong Thế Chiến II. Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên năm 1910 - 1945 và quá khứ vẫn khiến quan hệ giữa hai nước căng thẳng tới nay.
Khoảng nửa triệu người gốc Triều Tiên đang sống tại Nhật Bản và tiếp tục đối mặt với phân biệt chủng tộc ở trường học, nơi làm việc và cuộc sống hàng ngày.
"Chúng tôi đã phải đi một quãng đường dài mới đến được ngày hôm nay", Kawasaki nói. "Cuối cùng, đã tới lúc công lý lên tiếng".
Hồng Hạnh (Theo AP)