Họ vật ngã ông và bạn gái từ phía sau. Hasuike bị đấm vào mặt và bị dán cái gì đó ở miệng rồi bị ra lệnh giữ im lặng bằng những từ tiếng Nhật rời rạc.
Đó là ngày 31/7/1978. Hasuike lúc ấy là một sinh viên 20 tuổi, còn bạn gái của ông tên là Yukiko, 22 tuổi. Họ bị các mật vụ Triều Tiên bắt cóc và đưa về Bình Nhưỡng làm việc trong suốt 24 năm sau đó.
"Ban đầu, tôi nghĩ mình có thể chống cự một chút. Nhưng trong tình huống như vậy, nhất là sau khi tôi bị đánh, tôi hoàn toàn tê cóng trong nỗi sợ hãi", Hasuike kể lại với phóng viên hồi đầu tháng 9, khi đứng ở khu vực bãi biển nơi ông bị bắt cóc ngày nào.
Chính phủ Nhật Bản cho biết đã có thể xác nhận chắc chắn rằng 17 công dân Nhật Bản, trong đó có cả nữ sinh Megumi Yokota, 13 tuổi, bị Triều Tiên bắt cóc trong giai đoạn 1977-1983 và thêm rằng hàng trăm người Nhật mất tích khác vào giai đoạn trên cũng có thể đã bị Triều Tiên bắt cóc.
5 người Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc, bao gồm Hasuike và bạn gái ông, Yukiko, giờ đây là vợ ông, được phép trở về Nhật Bản vào năm 2002 sau khi thủ tướng Junichiro Koizumi đến thăm Bình Nhưỡng và hội đàm với lãnh đạo Triều Tiên lúc đó là Kim Jong-il. Dù các nỗ lực vận động phóng thích thêm nhiều công dân Nhật Bản bị bắt cóc vẫn tiếp tục, đối thoại Nhật - Triều về vấn đề này dừng lại sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo và bắt đầu tiến hành các vụ thử hạt nhân vào năm 2006.
Tokyo bác bỏ tuyên bố của Bình Nhưỡng rằng 8 người Nhật bị bắt cóc khác đã chết và 4 người còn lại chưa bao giờ bị đưa về Triều Tiên. Nhật Bản cho rằng bằng chứng mà Triều Tiên đưa ra gồm 8 giấy chứng tử, được hoàn thành cùng một thời điểm tại cùng một bệnh viện, gửi trong 8 bức thư với 8 con tem giống hệt nhau rõ ràng là giả mạo.
"Hoàn toàn thiếu bằng chứng xác nhận họ đã chết. Tất cả 8 người bị bắt cóc còn lại được cho là đang còn sống và tất cả họ phải được đưa về Nhật Bản ngay lập tức", Akio Nishizumi, luật sư thuộc Ban Thư ký Tổng bộ Vấn đề Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản, nói.
Bình Nhưỡng liên tục khẳng định tất cả những người Nhật Bản bị bắt cóc còn sống đã được đưa về nước, nhưng chưa bao giờ trao trả hài cốt của những người mà họ nói đã chết.
Cơn ác mộng xảy đến với Hasuike quá nhanh. Khi mặt trời vừa lặn, một chiếc xuồng tiếp cận bãi biển. Hasuike và bạn gái bị đưa lên xuồng, rồi sau đó được chuyển sang một tàu lớn hơn. Những kẻ bắt cóc buộc ông uống thứ gì đó khiến ông mê man. Trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê và bị tách rời khỏi Yukiko, ông suy đoán hành trình đến Triều Tiên trong chuyến tàu hôm đó kéo dài ít nhất hai đêm.
Không ai nói cho Hasuike biết tại sao ông bị bắt cóc. Khi đến cảng Chongjin ở Triều Tiên, ông chỉ thấy ánh đèn leo lét phát từ những ngôi nhà.
Gần 25 năm sau đó, Hasuike sống trong một khu chuyên biệt dành cho những người nước ngoài bị bắt cóc để phục vụ chính quyền ở Bình Nhưỡng. Ban đầu, họ phải trải qua khóa học chính trị đầy căng thẳng.
Hasuike nghi ngờ đây là kế hoạch của Triều Tiên nhằm biến họ thành các gián điệp. Ông cho hay sau khi hai phụ nữ Lebanon, những người đã trải qua khóa học chính trị như vậy, bỏ trốn trong chuyến đi đến Belgrade năm 1979, Bình Nhưỡng từ bỏ kế hoạch này và chương trình giáo dục chính trị cũng chấm dứt.
Ý tưởng tiếp theo của Triều Tiên là đưa những công dân nước ngoài bị bắt cóc vào chương trình đào tạo ngoại ngữ. Hasuike được giao nhiệm vụ dạy các mật vụ Triều Tiên nói tiếng Nhật để họ có thể làm gián điệp ở nước ông. Chương trình trên kéo dài đến khi một nữ mật vụ Triều Tiên bị bắt vì đặt bom trên chuyến bay của hãng hàng không Korean Air vào năm 1987, làm tất cả 115 người trên máy bay thiệt mạng. Nữ mật vụ, tên Kim Hyon Hui, khai nhận cô được một công dân Nhật Bản bị bắt cóc dạy tiếng. Kim Hyon Hui ban đầu bị kết án tử hình nhưng được ân xá.
Tiếp đó, Hasuike được giao công việc dịch bài viết trên các tạp chí và báo Nhật Bản sang tiếng Triều Tiên.
Hai thập kỷ sau khi bị bắt cóc, cuối cùng, ông nhìn thấy bức hình cha mẹ mình trên một tờ báo Nhật Bản và biết chính phủ đang nỗ lực vận động trả tự do cho ông.
Hasuike bị tách khỏi Yokiko trong suốt 18 tháng sau khi bắt cóc. Khi đoàn tụ, họ đã kết hôn trong vòng ba ngày và cuối cùng sinh hạ được hai người con. Lo lắng về việc Triều Tiên có thể đào tạo con cái mình trở thành gián điệp, vợ chồng Hasuike chưa bao giờ nói một từ tiếng Nhật với hai con và nuôi nấng chúng lớn lên như những người Triều Tiên thực thụ.
Gia đình ông sống trong nhiều năm gần nơi ở của nữ sinh Nhật Bản bị bắt cóc Yokota. Sau này, Yokota kết hôn với một người đàn ông Hàn Quốc bị Triều Tiên bắt cóc lúc 16 tuổi.
Ban đầu, Triều Tiên nói Yokota tự tử vào tháng 3/1993, nhưng Hasuike cho biết ông thường xuyên thấy cô cho đến mùa xuân năm 1994. Năm 2004, Triều Tiên trao trả hài cốt của Yokota cho Nhật Bản, nói rằng hài cốt được chồng cô giao cho họ từ nhiều năm trước.
Song xét nghiệm ADN tại Nhật Bản cho thấy đó không phải là hài cốt của Yokota, trong khi hồ sơ y khoa của Yokota do Triều Tiên cung cấp đầy rẫy lỗi và dấu hiệu giả mạo rõ ràng, theo chính phủ Nhật Bản.
Hasuike kể Yokota thỉnh thoảng rơi vào trạng thái trầm uất. Ông thấy cô lần cuối vào năm 1994, khi cô đang mắc một chứng bệnh tâm lý và được đưa đến bệnh viện ở nơi khác. Trong thời gian tiếp theo cho đến khi rời Triều Tiên, Hasuike chưa bao giờ nghe được thông báo về cái chết của cô, thậm chí về tin tức của chồng cô.
Cha mẹ Yokota, giờ đây đã ngoài 80, và em trai cô, Takuya, chưa bao giờ từ bỏ niềm tin rằng cô vẫn còn sống. Takuya hiện là chủ tịch một hiệp hội gồm các gia đình có thân nhân bị Triều Tiên bắt cóc.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói ông muốn gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để "thảo luận thẳng thắn" về vấn đề này. Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã nêu vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 2 nhưng không nhận được cam kết nào từ Bình Nhưỡng.
Hasuike và vợ ông phát hiện cơ hội tự do vào năm 2002, khi Triều Tiên cho phép họ trở về thăm gia đình trong một tuần. Chính phủ Triều Tiên buộc họ phải để lại hai con ở Triều Tiên để làm tin. Nhưng sau khi về đến Nhật, vợ chồng ông quyết định không trở lại Triều Tiên nữa. Họ biết rằng nếu ở lại Nhật Bản, Triều Tiên cuối cùng cũng sẽ trao trả con lại cho họ.
Năm 2004, vợ chồng Hasuike đoàn tụ với hai người con ở Nhật. Hiện nay, Hasuike là giáo sư kinh tế Đại học Niigata Sangyo ở thành phố Kashiwazaki. Shigeyo, con gái ông, hiện là nghiên cứu sinh tại một trường đại học và Katsuya, con trai ông, đang làm việc cho một công ty Nhật Bản.
"Mọi người nói tôi đã chơi một canh bạc mạo hiểm, nhưng tôi biết đó là khoảnh khắc tôi có thể thay đổi cuộc sống của mình và các con", Hasuike nói về quyết định không quay trở lại Triều Tiên khi được cho về thăm gia đình ở Nhật Bản vào năm 2002.
Hồng Vân (Theo Washington Post)