Qua đời ở tuổi 94, nhà văn Tô Hoài đã đi gần trọn một thế kỷ đời người. Cầm bút từ năm 17-18 tuổi, trong hành trình gần 75 năm văn nghiệp, gia tài chữ nghĩa đồ sộ của ông mang đến biết bao cung bậc cảm xúc cho nhiều thế hệ độc giả Việt Nam.
Ông viết sung sức, giàu có về số lượng và đặc sắc về chất lượng. "Năng lực quan sát và miêu tả tinh tường, sắc nhạy, vốn hiểu biết đời sống và phong tục các dân tộc khá phong phú, lối văn giàu hình ảnh và biến đổi nhịp điệu nhanh hoạt, những tìm tòi sáng tạo mới mẻ, độc đáo về từ ngữ, về phương ngữ... có thể coi đó là những nét nổi bật trong sáng tác của Tô Hoài góp vào văn xuôi hiện đại Việt Nam" (Từ điển Văn học, Bộ mới, 2004).
Từ ngữ và văn phong của Tô Hoài biến hóa đa điệu, muôn màu nhờ cuộc sống mà ông được trải qua suốt dọc chiều dài lịch sử, nhờ nền tảng xuất thân là người con của một gia đình làm nghề thủ công. Chất làng quê ăn vào máu, vào tuổi thơ của nhà văn khiến ông yêu nông thôn, vùng quê với tất cả tình yêu và sự say mê trước cả khi ông truyền điều ấy vào trang sách.
Nhà văn Tô Hoài (1920-2014). Ảnh: An Thành Đạt. |
Ông kể về tuổi thơ của mình: "... cái thuở bé sao mà lâu thế, dài thế. Bắt châu chấu bán cho người chơi chim họa mi. Bán không hết thì vặt cánh, bóp bụng cứt, rang khan với muối, ăn vã. Rồi thì kéo bọn đi hun chuột đồng, chuột luộc, chuột rán đều ngon. Quả sấu, quả nhót dầm nước mắm ớt, bây giờ đến mùa vẫn nhớ thèm và nói đến vẫn còn tứa nước rãi. Hôm nắng hanh thì lùng các bụi tre bắt rắn ráo ra phơi mình, chúng nó là rắn, nhưng rắn ráo, rắn nước, rắn mỏng không có nọc độc, thịt mềm như thịt gà con luộc..." (trích Chiều chiều). Tuổi thơ phong phú ấy mang đến cho Tô Hoài lượng kiến thức giàu có về cuộc sống thiên nhiên, điều giúp cho trang viết của Tô Hoài - nhất là ở mảng truyện đồng thoại về loài vật, truyện trẻ con - có nét hấp dẫn riêng mà không nhiều nhà văn Việt Nam có được. Giọng văn ông trong trẻo, hồn nhiên, hiền lành như củ khoai, con kiến, như bài đồng dao, như con chim sẻ ríu rít trưa hè và cũng rất thâm thúy, sâu sắc về nghĩa nhân ở đời, về thiện - ác.
Trong số các truyện đồng thoại của Tô Hoài, truyện Dế Mèn phiêu lưu ký chiếm giữ một vị trí đặc biệt. Chuyến phiêu lưu kỳ thú và đầy sóng gió của Dế Mèn, cùng tình bạn với Dế Trũi, Dế Choắt, các bạn Châu Chấu Voi có sức hấp dẫn lớn đủ để bao thế hệ độc giả tắm mình trong thế giới sáng tạo, trí tưởng tượng bay bổng, hào sảng. Chúng không giáo điều mà lại nhẹ nhàng mang đến những bài học cuộc sống nhiều ý nghĩa. Cũng thông qua thế giới loài vật ấy, một xã hội nông thôn Việt Nam được hiện lên với nhiều khung hình khác nhau, đa diện và mang tính biểu tượng hóa về tính cách của các loại người trong xã hội như: tiên sinh Xén Tóc, võ sĩ Bọ Ngựa, đại vương Ếch Cốm... Vì lẽ đó, đến tận hôm nay, cuốn sách vẫn giữ nguyên sức hấp dẫn với lớp độc giả mới, trưởng thành từ thế hệ thời @, số hóa... Cuốn sách cũng được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới: Nga, Rumani, Ba Lan, Mông Cổ, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp...
Năm 2011, Tô Hoài cho phép tác giả Miên Di viết phần tiếp theo bộ truyện Dế Mèn phiêu lưu ký đã rất kinh điển của ông. Rõ ràng, cái hóm hỉnh, phóng khoáng, cởi mở của Tô Hoài không chỉ có trên trang viết mà còn là phẩm chất ăn sâu vào cá tính của một con người được tôi luyện qua nhiều thăng trầm của cuộc sống và chứng kiến nhiều biến đổi của thời cuộc. Với nghĩa cử và sự nhiệt tình của mình dành cho thế hệ đi sau, Tô Hoài khẳng định niềm tin của ông vào người trẻ, lớp hậu sinh.
Tô Hoài trong góc làm việc của ông ở nhà riêng năm 2010. Ảnh: An Thành Đạt. |
Dấu ấn của Tô Hoài còn in đậm trong những truyện loài vật, truyện dành cho trẻ em như: Chim chích lạc rừng, Con mèo lười, Đàn chim gáy, Chuyện ông Gióng... Nhưng đồng thời, ngòi bút ấy cũng tận cùng phơi bày hiện thực xã hội đang diễn ra trong thời đại mà ông sống. Từ những phong tục tập quán sinh động, đến những mặt gai góc, sự nghèo đói, những phong tục của vùng thôn Bắc Bộ. Điều này phản ánh qua bộ ba tiểu thuyết: Giăng thề, Quê người và Mười năm, nói về làng thợ dệt ở ngoại ô Hà Nội.
Ông là một trong những nhà văn Việt Nam giai đoạn 1930-45 luôn luôn xông xáo, đi thực tế, có cuộc đời làm báo sôi nổi trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, từng thực hiện một chuyến đi dài từ Bắc vào Nam. Tất cả điều này mang đến cho ông kinh nghiệm và vốn sống để viết nên những tác phẩm hiện thực xã hội độc đáo về người và cảnh, nhất là của vùng núi Tây Bắc. Tập truyện Tây Bắc (1943) mang đến giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 - 1955 cho Tô Hoài. Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ trong tập này là một trong những tác phẩm đi vào lòng bao thế hệ học sinh - sinh viên. Đây cũng là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách kể chuyện, tả cảnh của Tô Hoài. Câu văn tả của ông rất ngắn gọn, cô đọng nhưng đầy sức nặng ở việc gợi cảm xúc, hình ảnh. Chỉ trong một truyện ngắn vài nghìn chữ, lối kể chuyện tự nhiên, giọng văn khi đanh thép, lúc bùi ngùi và nhịp điệu kịch tính mang đến cho người đọc hình tượng rõ ràng thế nào là cường hào ác bá, và thế nào là những số phận bé mọn khao khát tự do, muốn vùng lên đến với chân trời mới.
Cũng qua giọng văn và lăng kính của Tô Hoài, chân dung một thế hệ người cầm bút được khắc họa lại sống động, không màu mè, hoa mỹ mà chân thật như họ vốn thế. Tô Hoài viết về Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Phùng Quán... Đồng thời, từng trang viết ấy, một chân dung thú vị của chính Tô Hoài cũng dần được đắp nổi, hiện rõ hơn: một con người giỏi quan sát, giỏi góp nhặt những cái hay, dở từ cuộc đời, nhân tình thế thái và đưa chúng vào sáng tác.
Từ những ngày đầu cách mạng, rồi đi qua chiến tranh, hay về với thời bình, Tô Hoài không ngừng đi và viết. Cho đến khi ở độ tuổi gần 90, ngòi bút và và tâm hồn ông vẫn luôn mở rộng đón những điều mới mẻ từ cuộc sống chứ không chỉ có hoài niệm về một thời đã qua. Giấc mộng ông thợ dìu, tập tản văn mới viết sau này của ông vừa là cái nhìn ưu tư, khắc khoải ở sự được - mất của cuộc sống, vừa là cái nhìn lấp lánh ánh cười của con người thích lang thang "đãi bụi" để "tìm ngọc" trong cõi hồng trần.
Viết báo, tiểu luận, kịch bản phim, kinh nghiệm sáng tác, tiểu thuyết và truyện ngắn, tản văn... thể loại nào Tô Hoài cũng để lại dấu ấn nhất định. Với hàng loạt bút danh: Mai Trang, Mắt Biển, Thái Yên, Vũ Đột Kích, Duy Phương, Hồng Hoa... và nổi tiếng nhất là Tô Hoài, "Nguyễn Sen" của làng quê Hà Nội một thời dù ra đi, trang văn ông để lại cho đời vẫn mãi tỏa hương kể chuyện về những cánh đồng, làng quê, vùng núi Việt Nam.
Chi Mai