Sáng 20/11, Hội nhà văn Hà Nội và Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp tổ chức kỷ niệm 70 năm ra đời "Dế Mèn phiêu lưu ký" của nhà văn Tô Hoài, đồng nghĩa với việc nhân vật Dế Mèn bước sang tuổi 70. Đây không đơn thuần chỉ là một số đếm mà thể hiện sức sống đặc biệt: Trong văn học Việt Nam, có lẽ Dế Mèn là con vật duy nhất sống bền lâu trong lòng người đọc với tư cách một nhân vật văn học. Và suốt 70 năm qua, thiếu nhi Việt Nam các thế hệ vẫn không ngừng nhắc tới "anh Dế Mèn" như người bạn đồng hành thân thiết trong hành trình đầu đời của họ và mãi về sau.
Năm 1941, tác phẩm "Con Dế Mèn" dài 30 trang được nhà văn Tô Hoài viết cho tủ sách Truyền Bá của Nhà xuất bản Tân Dân. Một năm sau đó, tập truyện "Dế Mèn phiêu lưu ký" ra đời. Kể từ khi "chào đời", Dế Mèn khởi đầu hành trình chui khỏi cái hang chật hẹp, bỏ lại sau lưng sự nhút nhát, e sợ, bằng lòng dũng cảm và tinh thần tự lập cùng những người bạn như Dế Trũi dấn thân chinh phục ước mơ "muôn loài kết làm anh em", xây dựng thế giới đại đồng. Tác giả của "Dế Mèn phiêu lưu ký", nhà văn Tô Hoài, đã bước sang tuổi 92 nhưng vẫn minh mẫn khi nhắc về thuở khai sinh Dế Mèn. Tại hội thảo kỷ niệm 70 năm "đứa con tinh thần" của mình, Tô Hoài cho biết, tác phẩm được ông khởi viết năm 17-18 tuổi. Theo nhà văn, bối cảnh cuộc phiêu lưu của Dế Mèn chính là vùng Nghĩa Đô ven sông Tô Lịch, nơi nhà văn dành cả tuổi thơ của mình ở đó với trò chơi đấu dế, đúc dế.
Cũng tại hội thảo, cụ Tô Hoài kể lại một số kỷ niệm thú vị về tác phẩm của mình. Nhà văn nói, nhuận bút từ "Dế mèn phiêu lưu ký" đã cho ông có chuyến đi miền Nam đầu tiên trong đời. Không chỉ được biết đến ở trong nước, suốt 70 năm qua, "Dế Mèn phiêu lưu ký" đã được dịch ra gần 40 thứ tiếng trên toàn thế giới. Nhà văn được các em thiếu nhi ở Nga, Đức... gửi thư bày tỏ sự mến mộ và được trẻ con Nga chào đón khi ông sang nước bạn. "Ban đầu, tôi viết con Dế Mèn 'răng trắng tệch'. Trẻ em Nga thắc mắc răng của dế hơi xám mà. Thế là khi in lại tôi phải đề là 'răng xám mờ'", nhà văn kể lại kèm nụ cười hóm hỉnh và đôn hậu.
Tham dự hội thảo, có những người bằng hay gần bằng tuổi Dế Mèn. Nhà nghiên cứu Phạm Toàn cho biết, ông 80 tuổi, tức hơn Dế Mèn 10 tuổi. Nhà nghiên cứu thông qua trường hợp "Dế Mèn phiêu lưu ký" để đưa ra đề xuất nên xem xét dưới góc độ tâm lý học giáo dục trong việc làm sách cho học sinh. Theo nhà nghiên cứu Phạm Toàn, những tác phẩm như "Dế Mèn phiêu lưu ký" cần phải đưa vào giảng dạy, thực nghiệm trong chương trình học để kéo các em trở lại với niềm yêu thích học Văn. Nhà phê bình Vũ Nho cho biết, sở dĩ "Dế Mèn phiêu lưu ký" luôn có mặt trong chương trình học sinh vì tính tiến bộ và tư tưởng muôn loài đoàn kết mà nhà văn gửi gắm - nó giống như bài học trường đời đầu tiên dành cho con trẻ. Nhà phê bình Vũ Nho đánh giá tác phẩm hấp dẫn nhờ tài quan sát, lối viết hóm hỉnh, ý nhị của Tô Hoài.
Giáo sư Phong Lê cho rằng "Dế Mèn phiêu lưu ký" đạt hai kỷ lục: được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất trên thế giới và được đọc nhiều nhất trong 70 năm không ngừng nghỉ, thế hệ nào cũng biết đến "anh Dế Mèn". Và điều khiến tác phẩm sống mãi là tác giả đưa ra bài học giản dị cho mọi người về việc sống bình yên, thân thiện, tử tế từ bé, chứ không phải những điều to tát, vĩ đại.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội, nhận định: Dù ở tuổi thất thập cổ lai hy, "Dế Mèn không già, không mỏi trong cái sự đi của mình. 70 năm và còn dài nữa về sau Dế Mèn vẫn luôn trẻ. Dế Mèn vẫn luôn tràn đầy khát khao lên đường tìm đến những chân trời khác lạ, được sống những cảnh đời mới". Và như thế, theo Phạm Xuân Nguyên, "cuộc phiêu lưu của Dế Mèn không ngừng lại".
Hội thảo kỷ niệm 70 năm "Dế Mèn phiêu lưu ký" cũng dành một góc để trưng bày những ấn bản của tác phẩm do Nhà xuất bản Kim Đồng cùng một số nhà sưu tập sách cá nhân thực hiện. Bên cạnh đó là triển lãm 14 minh họa trích từ các ấn bản "Dế mèn phiêu lưu ký" khác nhau do họa sĩ Trương Qua, Ngô Mạnh Lân, Thành Chương và Tạ Huy Long vẽ.
Trong dịp này, Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt hai tác phẩm mới của nhà văn Tô Hoài: "Nói về cái đầu tôi" và "Chú Bồ Nông ở Sa Mác Can".
Hà An