Các khách sạn 5 sao trong Tuần lễ cấp cao APEC đều trống nhiều phòng hội thảo, phòng họp, nhưng khách ra vào đều phải có thẻ APEC, kiểm tra an ninh gắt gao.
Lễ ký kết hợp đồng giữa Bill Express Việt Nam và tập đoàn ON Q của Australia diễn ra tại khách sạn Hilton ngày 16/11 có sự tham gia của Bộ trưởng Thương mại Australia và Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Buổi lễ không có nguyên thủ tới dự, song vì Hilton sẽ là nơi ở của một vị khách cực kỳ VIP trong 2-3 ngày sau đó, nên khách tham dự phải gửi xe bên ngoài, cách khách sạn cả nửa cây số. Rồi lại phải qua khâu kiểm tra an ninh nghiêm ngặt, chẳng kém gì ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia thời gian diễn ra APEC. Đặc biệt, muốn vào toà nhà, khách mời phải có thẻ APEC.
![]() |
Lễ ký hợp đồng giữa Bill Express và ON Q Group tại Hilton hôm 16/11. Ảnh: S.L. |
Nhiều công ty khác không có quan hệ, đành tổ chức sự kiện ở những nơi bình dân hơn. Nhân viên đối ngoại một liên doanh hoạt động trong lĩnh vực kho vận kể: "Mình xin thẻ cho chính mình còn khó. Tổ chức sự kiện trong khách sạn cao cấp, khách tham dự lấy đâu thẻ để vào". Bàn tới lui, liên doanh này đành chọn tổ chức gặp gỡ đối tác tại một nhà hàng sang trọng trên đường Nguyễn Du. Phòng họp bé tẻo teo, kê được hai hàng ghế đã chật, nên chỉ có 2-3 vị quan chức cao nhất tập đoàn được ngồi. Còn lại hơn chục người trong đoàn hoặc đứng hoặc tản ra xa mới có ghế.
Với những sự kiện lớn có hàng trăm quan khách tham dự thì khâu tìm địa điểm thật phức tạp. Lễ đón dòng khí sản phẩm đầu tiên từ mỏ Rồng Đôi của Tổng công ty Dầu khí quốc gia Hàn Quốc vào 17/11 diễn ra ở nhà A6, Trung tâm triển lãm Giảng Võ. Doanh nghiệp rất cầu kỳ, thuê hẳn đầu bếp của khách sạn Daewoo đến phục vụ tiệc với những món như súp vây cá mập cua biển, cơm hải sản... Nhưng không gian của buổi lễ chật chội khiến quan khách ra vào rất khó khăn. Người ngồi phía cuối còn bất đắc dĩ thưởng thức cả mùi thức ăn đằng sau lẫn tiếng ồn ào, khiến họ dù đã căng tai ra nghe mà phát biểu của quan chức bên trên cứ trôi tuột đi mất.
Nhiều doanh nghiệp lớn như HSBC, Microsoft, Tập đoàn than Việt Nam... chọn giải pháp tổ chức luôn sự kiện tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Tiện ở chỗ trong trung tâm có tới hàng nghìn nhà báo trong và ngoài nước. Song lại có một hạn chế là nhiều khách hàng thân thiết không đến tham dự được, vì không có thẻ APEC. Bản thân một số lãnh đạo doanh nghiệp được phép tổ chức sự kiện trong Trung tâm cũng than thầm an ninh khắt khe quá.
Hơn nữa, chẳng phải ai muốn tổ chức cũng được. Hơn 10 khán phòng mà Trung tâm Hội nghị Quốc gia dành riêng cho các doanh nghiệp tổ chức sự kiện không lúc nào rỗi. Tổng cộng có 39 cuộc gặp song phương giữa các doanh nghiệp được tổ chức tại đây trong suốt 8 ngày diễn ra APEC. Các phòng họp báo nhỏ, vốn chỉ ưu tiên cho một số đoàn cấp cao họp báo, cũng được doanh nghiệp tận dụng triệt để mỗi khi trống.
MC, phiên dịch thiếu trầm trọng
Anh Nguyễn Thanh Hưng, Giám đốc một công ty tổ chức sự kiện cho hay do tuần qua các doanh nghiệp có hàng trăm cuộc gặp gỡ tiếp xúc, trao đổi song phương nên chưa bao giờ Hà Nội lại cần nhiều phiên dịch đến thế. Thông thường họ có thể nhờ đến cánh phiên dịch làm việc tại Bộ Ngoại giao hoặc một số nhân viên của các tổ chức quốc tế. Nhưng trong tuần lễ APEC, những phiên dịch như vậy đều được trưng dụng cho việc công, hầu như không có thời gian chạy bên ngoài.
Chị Liên, một phiên dịch kỳ cựu cho các tổ chức quốc tế kể, tuần vừa rồi chị bận ngập đầu. Chỗ nào quen thân lắm chị mới đến dịch được 1-2 tiếng. Bên tổ chức phải báo trước chính xác giờ nào kết thúc, không thể "cao su" như mọi khi. Thế mới có chuyện, tại một buổi họp trong lĩnh vực y tế, bình thường anh chàng phiên dịch vẫn tắt điện thoại cho tập trung, nhưng do tuần này đắt sô nên chút chút điện thoại trong túi quần lại réo, anh ta vừa dịch, vừa móc ra nghe khiến cả chủ và khách đều khó chịu.
Tập đoàn DHL kiếm mãi không được ai, đành chọn luôn MC là một nhân viên trong công ty. Cô này người Singapore, vừa không lo ngoại ngữ tồi vừa am hiểu chuyên môn.
V.P. - S.L.