Nghe bài hát "Chị tôi" của nhạc sĩ Trần Tiến mà sao thấy giống hình ảnh chị gái tôi đến thế. Chỉ khác chuyện của chị may mắn hơn vì kết thúc có hậu. Mỗi lần nghĩ đến, tôi lại nao lòng, kỷ niệm như một thước phim quay chậm cứ thế ùa về.
Ngày mẹ mất, chị 15 tuổi, em 10 tuổi, thằng Út mới vừa lên 5. Cha gói đau thương gửi 3 chị em cho bà ngoại lên thành phố kiếm tiền lo cho con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Chị thành mẹ lúc nào chẳng hay.
Học hết lớp 9, chị xin nghỉ học đi làm phụ cha. Ngày ấy đứa trẻ 10 tuổi như tôi nào đã hiểu. Tôi chỉ nhớ ngày xưa chị học giỏi lắm, những ngày mẹ ốm chị vừa đi học vừa chăm mẹ mà chị vẫn có giấy khen. Bà ngoại thở dài: "Giá mà bà đỡ nghèo, con sẽ không phải nghỉ học". Chị cười mà đôi mắt buồn thật buồn. "Thôi ngoại ạ, con ráng đi làm kiếm tiền rồi sau này con học bổ túc buổi tối cũng được", chị nói.
Tôi vẫn cứ nghĩ chị chỉ nói đùa nhưng chị đã thực hiện được. Sau này, khi xin đi làm công nhân, buổi tối chị đến lớp bổ túc học, rồi thi đỗ tốt nghiệp lớp 12 với điểm số cao nhất trường.
Chị làm đủ việc để có thể lo cho tôi và em. Nhiều lúc thấy chị vất vả, tôi muốn nghỉ học đi làm phụ chị, vừa nghe tôi đề nghị chị mắng té tát. Lần đầu tiên tôi thấy chị giận đến thế. "Không bao giờ được nói đến việc nghỉ học nha Tí, em phải cố gắng học thật giỏi để mẹ an lòng, để thực hiện giấc mơ dang dở của chị", chị nói.

Chị là người mẹ thứ hai của em vì sự hy sinh và bao dung.
Bữa sáng ngày ấy làm gì đủ cơm để ăn đâu. Chị dành phần cơm nguội cho bà, cho tôi và Út. Hôm nào có khoai, chị ăn đỡ đi làm còn không sẽ mang bụng đói chờ đến bữa trưa ở xưởng. Mỗi tháng ngày lấy lương, chị sẽ mua một chút cá khô, thịt bạc nhạc nhưng với nhà tôi ngày ấy đã là bữa ăn thịnh soạn.
Những buổi tối không phải đi học bổ túc, chị sẽ ngồi cạnh kèm chúng tôi học. Tôi nhớ mãi những ngày Tết nghèo về vật chất nhưng đêm giao thừa, chị đều nhắc hai đứa tôi tắm rửa sạch sẽ, ngồi trước bàn thờ mẹ để làm lễ khai bút. Chị nói dù mẹ mất nhưng những gì mẹ dặn mình đều phải ghi nhớ. Thời khắc giao thừa tâm ta sáng nhất, trí tuệ mình mẫn, khai bút để học giỏi, tinh tường.
Chị vừa là chị, vừa là mẹ. Áo quần chúng tôi rách tay chị khâu. Ngày chúng tôi ốm, tay chị chăm sóc. Tôi sốt thập tử nhất sinh trong lúc mê man vẫn là hình ảnh chị dịu dàng như một bà tiên hiền từ. Trong cơn ảo giác tôi đã nghĩ mình gặp mẹ, chị búi tóc đằng sau sao giống mẹ tôi đến thế. Nước mắt trào ra, ấm nóng, chị lấy tay lau nước mắt tôi, mắng yêu: "Chu cha, đàn ông gì mà yếu đuối vầy không biết? Sau này sao làm chỗ dựa cho chị được".
Thế rồi chị cũng đến tuổi hẹn hò. Cha tôi giục chị lập gia đình vì ở quê con gái ngoài 20 tuổi đã được coi là quá lứa. Chị cứ lần lữa mãi, nhiều người đến tìm hiểu mà chị không ưng ai. Tôi biết đó là chị vẫn còn nỗi bận tâm quá lớn là chúng tôi chưa trưởng thành.
Chị may mắn gặp được người chồng tốt, không chỉ yêu thương chị thật lòng mà còn thông cảm với hoàn cảnh của chị. Anh rể tôi bây giờ là người mà tôi biết ơn sau chị. Quê anh ở xa, anh đã chấp nhận ở rể để cùng chị lo cho bà, cho chúng tôi ăn học bằng chúng bằng bạn.

Em vui khi thấy chị cười, có cuộc sống hạnh phúc.
Bao nhiêu năm qua, giờ tôi đã có một công việc ổn định, một gia đình nhỏ và thu nhập kha khá nhưng chị vẫn yêu thương, chăm chút cho tôi như ngày thơ bé. Vợ tôi sinh cháu, chị bỏ công việc lên chăm hàng tháng trời. Mỗi lần về quê, chị gói ghém biết bao thứ, cứ luôn miệng lo thành phố toàn đồ hóa chất. Tôi cứ nghĩ mình vẫn là thằng bé 10 tuổi năm ấy gục vào lòng chị trong cơn sốt mê man.
Chị gái - người mà tôi trân quý nhất cuộc đời này. Người đã thay mẹ nuôi tôi thành người. Người làm cho tôi tin cổ tích có thật giữa đời thường.

Chị nỗ lực vừa làm vừa học bổ túc buổi tối để có công việc ổn định.
Trần Hoàn Du
Từ ngày 3 đến 30/10, độc giả chia sẻ về người phụ nữ bạn luôn yêu thương và trân trọng nhất, hoặc tham gia bằng cách viết về chính mình nếu bạn có một câu chuyện truyền cảm hứng muốn lan tỏa đến những người xung quanh, để có cơ hội nhận bộ trang sức PNJ. Độc giả gửi bài tham gia cuộc thi dưới dạng bài viết trong khoảng 500 - 1.000 từ có dấu, font Unicode, kèm theo ít nhất 1-3 hình ảnh minh họa là nhân vật người phụ nữ được nói đến trong bài. Gửi bài dự thi tại đây.