10h sáng 24/2, khi đang mê man vì nhiễm Covid-19, Trần Đức Anh, 30 tuổi, ở Hà Nội thấy bạn gái Anita, 22 tuổi, gọi tới. "Quê em xảy ra chiến tranh rồi", cô gái với giọng gấp gáp kể nhanh về tình hình thành phố Kharkov rồi khóc nức nở.
"Tôi nghe thấy tiếng máy bay, tiếng đạn nổ. Trái tim tôi như bị ai bóp nghẹt vì không ngờ người yêu ở trong tình huống như vậy", Đức Anh nói. Động viên Anita bình tĩnh, nhưng anh thừa nhận lúc đó mình cũng bấn loạn.
Anita vừa quay về Ukraine tháng 12/2021, thăm gia đình sau hai năm mắc kẹt ở Việt Nam vì Covid-19 đồng thời xin xác nhận độc thân để đăng ký kết hôn. Hai người lên kế hoạch năm 2022 sẽ về chung một nhà.
Cô sang Việt Nam đầu năm 2020 theo một hợp đồng hai tháng với một công ty người mẫu. Chưa hết hợp đồng thì đại dịch bùng phát, các đường bay quốc tế dừng hoạt động, Anita kẹt lại ở Việt Nam. Giữa năm 2020, trong một lần đến nhà bạn, Đức Anh gặp Anita. Nhìn thấy cô người mẫu Ukraine với đôi mắt xanh lơ, mái tóc vàng và nụ cười hiền, chàng trai Hà Nội lập tức bị hút hồn. Tiếng Anh bập bõm nhưng anh chủ động bước tới giới thiệu mình với Anita.
Kết thúc buổi nói chuyện, Đức Anh xin được tài khoản mạng xã hội của Anita và dành trọn đêm đó ngắm hết những bức ảnh của cô, rồi mạnh dạn mời Anita đi ăn. Ở nhà hàng sushi trong bữa tối hôm sau, hai người nói đủ thứ chuyện về công việc, con người và cảnh sắc Việt Nam. Điểm lạ kỳ là Đức Anh chưa nói xong câu, Anita đã đoán được anh định nói gì. "Không biết lý do gì, tôi luôn hiểu anh ấy. Có lẽ đó là duyên trời định", Anita kể.
Sau bốn buổi gặp, dù chẳng ai ngỏ lời, họ chính thức thành đôi. Anita chuyển sang làm người mẫu tự do. Ngoài giờ việc của một chuyên viên bất động sản, Đức Anh phụ bạn gái lên lịch làm việc, gặp gỡ đối tác. Anh đưa cô đến các điểm chụp ảnh, kiên nhẫn chờ đợi. Từ ngày có Đức Anh, cuộc sống nơi xứ người của Anita an toàn và dễ chịu hơn hẳn. "Vì có anh nên tôi tình nguyện được mắc kẹt ở Việt Nam", cô nói.
Xinh đẹp nên được nhiều người theo đuổi, nhưng yêu Đức Anh, Anita không trả lời tin nhắn của bất kỳ ai. Hàng ngày, cứ có thời gian rảnh là cô nấu những món anh thích rồi dọn dẹp nhà cửa. "Cô ấy vui vẻ làm như một người nội trợ thực thụ chứ không hề xem đó là nghĩa vụ. Tôi nghĩ những cô gái trẻ Việt Nam bây giờ cũng ít ai được như thế", Đức Anh nhận xét.
Bố mẹ chàng trai Hà Nội ban đầu phản đối con trai yêu cô gái nước ngoài vì nghĩ sẽ không lâu dài. Nhưng gặp Anita, thấy cô xắn tay vào bếp dọn dẹp, chăm sóc con trai mình từng chút một như một người vợ đảm, họ cũng bị chinh phục.
Đại dịch đưa họ đến với nhau và cũng thử thách tình yêu của hai người. Nghề kinh doanh bất động sản của Đức Anh đóng băng dài hạn. Nghĩ tương lai không thể mang lại hạnh phúc cho Anita, anh quyết định chia tay. Cô không chấp nhận lời đoạn tuyệt, hàng ngày vẫn lặng lẽ đến nấu ăn, an ủi bạn trai. "Dù chuyện gì xảy ra, em vẫn sẽ ở bên anh. Đừng nói ra những điều ngay cả anh cũng không muốn mà làm tổn thương cả hai đứa", Anita nói. Nhờ bạn gái động viên, Đức Anh có động lực vượt qua thất bại.
Cuối năm 2021, hai người quyết định sẽ kết hôn và Anita cũng ở lại Việt Nam định cư.
Khi đường bay quốc tế được nối lại, Anita về Kharkov thăm gia đình và hoàn thiện thủ tục để đăng ký kết hôn. Lần này cô lại mắc kẹt ngay tại chính quê hương mình.
"Chiến tranh xảy ra, tôi chợt hoảng loạn, sợ chỉ sau một giây có thể mất người mình yêu", Đức Anh nói. Về phần Anita, cô cho biết chỉ sợ nếu điều xấu nhất đến với mình, cô sẽ không gặp được người yêu.
Kể từ hôm chiến sự nổ ra, hai người gọi video cho nhau rồi để máy kết nối 24/24h. Qua màn hình, Đức Anh thấy cả gia đình người yêu, gồm mẹ, bà ngoại, chị gái, cháu và dì ruột Anita, đều dọn hết ra căn hộ ở giữa nhà, tránh xa cửa sổ. Thi thoảng, anh thấy tiếng bom, ánh lửa lóe lên qua cửa sổ.
Mỗi lần đang chập chờn ngủ, nghe còi hú hoặc tiếng máy bay, Đức Anh bật dậy gọi bạn gái và để biết cô vẫn an toàn. Có lần bà ngoại hết thuốc, bên ngoài thi thoảng lại có tiếng pháo kích, Anita và chị gái vẫn mạo hiểm ra ngoài tìm mua. Ở Việt Nam, ruột gan Đức Anh đau quặn. Anh không rời màn hình một giây, chỉ thở phào khi bạn gái về nhà bình an.
"Tôi cũng như đang sống trong một cuộc chiến tranh, có điều thấy bất lực vì không thể làm gì", anh nói. Đọc tin tức và nắm tình hình chiến sự, anh khuyên cả nhà nên di tản đến Lviv, nơi đại sứ quán các nước đều chuyển đến. Nhưng bà ngoại Anita bị bệnh phải nằm liệt giường, trong khi họ chỉ di chuyển được bằng tàu hỏa. Mẹ cô buộc phải ở lại. Không đành lòng, cả nhà quyết định cố thủ, chờ ngày quê hương bình yên. Nhưng 10 ngày trôi qua, Kharkov vẫn bị bắn phá, đã có thương vong. Nghĩ đến cháu gái nhỏ, chị em Anita, chú và dì ruột quyết định rời Kharkov.
Qua video, Đức Anh thấy hết cảnh nhà cửa đổ nát, cảnh người dân xếp hàng mua thực phẩm, khói bụi mù trời. Anh thức cùng bạn gái suốt tám giờ xếp hàng lên tàu, đau lòng khi thấy cô phải ngồi trên tàu với vẻ mệt mỏi vì mất ngủ, lo sợ. Chuyến tàu từ Kharkov về Lviv bình thường chỉ 15 tiếng, nhưng nay kéo dài đến 36 tiếng. "Trong lúc sơ tán vì chiến tranh, cô ấy vẫn lo lắng cho sức khỏe của tôi khi bị Covid khiến tôi càng thương Anita hơn", anh kể. Còn Anita luôn thấy biết ơn khi Đức Anh luôn đồng hành cùng cô. Nhờ người yêu, cô vượt qua được những ngày tồi tệ nhất đời.
Hôm 5/3, Anita và người thân đã được bình yên trong căn hộ của người quen ở Lviv. Đức Anh lên nhóm người Việt ở Ukraine nhờ hướng dẫn thủ tục để bạn gái có thể trở lại Việt Nam. Hai ngày nữa Anita sẽ đến Ba Lan, sau đó làm hộ chiếu bay sang Hà Nội. Họ bàn với nhau, khi đoàn tụ, cả hai sẽ đi du lịch nhiều nơi.
Trước đây, Anita thích đi khám phá đó đây, nhưng vì bận rộn công việc, đôi tình nhân chẳng có thời gian nghỉ ngơi. "Chia cắt vì chiến tranh, tôi không biết liệu ngày mai còn được nhìn thấy nhau hay không. Tôi tự hứa sẽ làm mọi thứ cho cô ấy khi gặp lại để không bao giờ hối hận trước bất cứ hoàn cảnh nào", Đức Anh nói.
Phạm Nga