Bác sĩ Hà Ngọc Mạnh (Phó giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Việt Bỉ), cho biết tinh trùng được sản xuất từ các ống sinh tinh nằm sâu trong tinh hoàn. Sự sản xuất tinh trùng liên tục trong suốt cuộc đời của một người đàn ông từ lúc dậy thì. Qua quãng thời gian phát triển, trưởng thành và biệt hóa khoảng gần 3 tháng sẽ có một lứa tinh trùng khỏe mạnh. Sau khi được phóng tinh, tinh trùng nằm ở cùng đồ sau âm đạo của người phụ nữ, vì môi trường axit ở đây nên chỉ số ít tinh trùng khỏe mạnh mới sống sót được để di chuyển vào buồng tử cung tới vòi tử cung và tiến hành thụ tinh với noãn.
Ở nam giới khỏe mạnh, trung bình một phút có 72.000 tinh trùng được tạo ra. Trong mỗi lần xuất tinh, lượng tinh dịch được phóng ra khoảng trên 1,4 ml, trong đó chứa tổng số trên 39 triệu tinh trùng. Tinh trùng được xem là khỏe mạnh khi có trên 42% di động, trên 30% di động tiến tới và trên 4% có hình dạng bình thường, trong tinh dịch không có hồng cầu và bạch cầu chiếm ít hơn 1 triệu/ml (theo tiêu chuẩn tinh dịch đồ 2021 của Tổ chức Y tế Thế giới)
Tinh trùng yếu là tình trạng suy giảm về số lượng và chất lượng tinh trùng. Đó là khi tỷ lệ tinh trùng di động thấp hơn tiêu chuẩn về mật độ, khả năng di động tiến tới và hình dạng, lượng tinh dịch mỗi lần xuất tinh ít. Tuy nhiên không phải với mẫu tinh trùng ít hơn tiêu chuẩn thì không thể có thai được, mà khả năng có thai sẽ giảm đi.
Tinh trùng yếu là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh ở nam giới. Tinh trùng yếu là biểu hiện số lượng tinh ít, chất lượng kém và bị chết yểu trên hành trình gặp trứng để thụ tinh do vậy rất khó để thụ thai. Ngay cả khi đã được thụ thai thì thai nhi cũng có nhiều nguy cơ, chậm phát triển hoặc có khả năng mắc phải các dị tật bẩm sinh.
Bác sĩ cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tinh trùng yếu, đầu tiên là thiếu hụt các yếu tố vi lượng đặc biệt cần thiết cho sinh tinh, hay gặp nhất là thiếu hụt các chất như vitamin C, selen, kẽm và mangan. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng không cân bằng, làm cơ thể thiếu các nguyên liệu cần thiết cho hình thành tinh trùng, có thể là nguyên nhân làm tinh trùng yếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Vậy nên, mỗi người cần đảm bảo chế độ ăn uống của bản thân, bổ sung thêm những thực phẩm như trái cây thuộc họ cam, quýt, chanh, rau bina, hải sản, thịt bò, thịt cừu, thịt gà, thịt lợn, mầm lúa mì, các loại hạt... vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày, đặc biệt là trong thời điểm muốn có con.
Lối sống có nhiều nguy cơ, ví dụ sử dụng những thực phẩm không lành mạnh như thuốc lá, rượu bia, thức uống có cồn, thức ăn đống hộp chứa chất bảo quản, nội tạng động vật... ảnh hưởng tới sự hình thành và bảo vệ tinh trùng. Khi tinh trùng sinh ra sẽ nằm trong cơ quan sinh sản gần 3 tháng, nên các yếu tố dinh dưỡng, lối sống, nghiện chất, ảnh hưởng trực tiếp tới vật chất di truyền bên trong con tinh trùng( nhân tinh trùng).
Làm việc, tập luyện thể thao quá sức cũng khiến tinh trùng yếu. Khi tập luyện thể theo quá nhiều, làm việc quá sức sẽ làm nhịp sinh học của cơ thể bị rối loạn, vô tình tạo nên một stress tạo nên ức chế nội tiết làm giảm testosteron làm giảm khả năng sinh tinh. Ngoài ra, vùng tinh hoàn sinh dục dễ bị tổn thương do cường độ hoạt động quá nhiều, nóng hơn bình thường khiến lượng tinh trùng bị giảm sút vì tuyến sinh dục luôn cần có được một nhiệt độ tốt nhất để sản xuất tinh trùng. Bác sĩ khuyên nên tập thể dục điều độ 30 phút mỗi ngày với cường độ tập vừa phải.
Bên cạnh đó, căng thẳng thường xuyên cũng là nguyên nhân khiến tinh trùng yếu. Cơ thể con người là một thể thống nhất. Khi bạn căng thẳng, lo âu, stress kéo dài sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sống của hầu hết các hệ cơ quan trọng cơ thể, tác động xấu đến một số hormone cần thiết cho việc sản xuất tinh trùng, từ đó làm yếu tinh trùng cả về số lượng lẫn chất lượng. Nếu dự định có con, hãy lên kế hoạch sắp xếp công việc, cuộc sống một cách hợp lý, hiệu quả, tránh xa tình trạng căng thẳng để việc thụ thai đạt kết quả.
Cuối cùng, các bệnh lý viêm nhiễm ở nam giới khiến tinh trùng yếu như viêm tuyến tiền liệt, tinh hoàn, túi tinh, niệu đạo sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu đến sự chuyển động của tinh trùng từ đó làm ảnh hưởng đến quá trình thụ thai. Ngoài ra, những thuốc sử dụng để điều trị các bệnh lý cũng tác động đến chất lượng tinh trùng. Để hạn chế tình trạng tinh trùng yếu, bạn cần có biện pháp giữ gìn sức khỏe, vệ sinh hợp lý và phòng ngừa các chứng bệnh viêm nhiễm.
Theo bác sĩ Mạnh, một số dấu hiệu nhận biết tinh trùng yếu như tinh dịch ít và loãng, tinh dịch không hóa lỏng, tinh dịch có màu và mùi bất thường, tinh dịch vón cục. Nếu thấy bất thường, nam giới cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám. Việc điều trị bệnh này là vô cùng cần thiết để tránh tình trạng vô sinh, hiếm muộn.