Trận tập kích quy mô lớn với khoảng 200 máy bay không người lái (UAV) và tên lửa các loại từ Iran nhắm vào lãnh thổ Israel kết thúc vào sáng 14/4 với mức thiệt hại không đáng kể, theo người phát ngôn quân đội Israel Daniel Hagari.
Hagari cho hay "đại đa số" các vũ khí mà Iran tung ra trong đợt tấn công đã bị đánh chặn bởi lưới phòng không và không quân Israel, cùng sự hỗ trợ từ "các nước đối tác".
"Một số tên lửa Iran rơi trong lãnh thổ Israel, gây thiệt hại không dáng kể ở một cơ sở quân sự và không gây thương vong. Chỉ có một em bé bị thương trong vụ tấn công", Hagari nói.
Hãng thông tấn IRNA của Iran cho biết tên lửa đạn đạo Kheybar đã đánh trúng căn cứ không quân Israel tại sa mạc Negev. Họ tuyên bố đây là căn cứ được Israel sử dụng trong vụ tập kích tòa nhà lãnh sự thuộc đại sứ quán Iran tại Syria vào đêm 1/4, khiến 7 thành viên Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) thiệt mạng, trong đó có hai chuẩn tướng.
Khoảng 4 tiếng sau thời điểm phát hiện Iran khai hỏa, chính phủ Israel cho phép người dân rời hầm trú ẩn, cho thấy tình báo Israel đánh giá đòn đánh của Iran đã kết thúc. Phái bộ ngoại giao Iran tại Liên Hợp Quốc cũng tuyên bố vụ tập kích quy mô lớn này là "hồi kết" cho đối đầu giữa hai nước xoay quanh sự kiện Israel tập kích tòa nhà ngoại giao Iran.
Tehran nhấn mạnh "không muốn leo thang hay xung đột trên toàn khu vực", khẳng định vụ tập kích là hành động tự vệ chính đáng theo Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, nhưng vẫn cảnh báo Israel sẽ trả giá nếu có thêm hành động khiêu chiến hay tấn công Iran.
Thiệt hại hạn chế trên thực địa, diễn tiến vụ tập kích cùng các thông cáo ngoại giao liên tục từ Iran trong sáng 14/4 đã cho thấy đòn tấn công là động thái "có tính toán và chừng mực" của Iran, theo chuyên gia an ninh Trung Đông Hassan Barari thuộc Đại học Qatar. Ông lưu ý các thông cáo từ phái bộ ngoại giao Iran tại Liên Hợp Quốc liên tục nhấn mạnh cuộc tập kích đã khép lại sự việc Israel tấn công cơ quan ngoại giao Iran.
"Điều này cho thấy Iran không muốn có thêm bất kỳ hành động trả đũa nào nữa. Iran đang cố thực hiện một đòn tấn công có tính toán và kiềm chế để tái lập khả năng răn đe với Israel, đồng thời không bị xem là lãnh đạo yếu đuối trong mắt những nhóm dân quân thuộc Trục Kháng chiến mà họ đang dẫn dắt", Barari nói.
Iran từ lâu hậu thuẫn "Trục Kháng chiến", gồm nhiều nhóm dân quân vũ trang khắp Trung Đông, như tổ chức Hezbollah ở Lebanon hay phong trào Hamas ở Gaza, nhằm chống lại lợi ích của Israel và Mỹ ở Trung Đông. Các nhóm này được cho là chịu ảnh hưởng lớn từ Tehran và nhận chỉ thị từ các chỉ huy Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Nhà báo Rory Challands của Al Jazeera cũng đưa ra nhận định tương tự về đòn tập kích đã được báo trước từ lâu của Iran. Ông cho rằng Tehran vừa muốn gửi thông điệp dằn mặt, vừa không muốn gây ra thiệt hại quá lớn để rồi đẩy căng thẳng leo thang thành xung đột cấp độ khu vực.
"Thiệt hại ở Israel rất nhỏ, chỉ được ghi nhận ở căn cứ không quân giữa sa mạc, một vài trường hợp bị thương và không có người thiệt mạng. Đây là phép thử đối với Israel. Nội các chiến tranh Israel đã được trao quyền tổ chức đáp trả Iran, nhưng liệu họ có tính toán và chừng mực như đối phương hay không? Mỹ sẽ nói gì với Israel, liệu họ có khuyên trả đũa nhẹ tay và kêu gọi các bên bình tĩnh lại?", Challands đặt câu hỏi.
Dorsa Jabbari, nhà báo của Al Jazeera tại Tehran, đánh giá quân đội Iran đã hành động theo đúng thông điệp cảnh báo của mình trong hai tuần qua, rằng đòn trả đũa vụ tập kích tòa lãnh sự sẽ được thực hiện "chính xác và trong giới hạn". Bà nói diễn biến ở thực địa cho thấy IRGC hành động đúng như tên gọi "Lời hứa Đích thực" của chiến dịch lần này.
"Đây đã là mức phản ứng nghiêm trọng nhất mà Iran tung ra. Nó rõ ràng không thể được gọi là là đòn tấn công tổng lực, nhưng cũng giúp Iran thị uy. Thế giới đã chứng kiến kịch bản chưa từng có: tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và UAV Iran đồng loạt hướng về phía Israel", Jabbari nói.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Iran khai hỏa tên lửa trên lãnh thổ để tấn công Israel. Dù hai nước xem nhau là kẻ thù không đội trời chung, các đòn tập kích qua lại trước đây thường nhắm vào lực lượng ủy nhiệm của Iran, cơ sở tình báo hoặc lợi ích của Israel ở nước ngoài, và hai bên tránh tấn công trực tiếp vào lãnh thổ của nhau.
Tuy nhiên, Jabbari bày tỏ lo ngại rằng cuộc khủng hoảng địa chính trị sau khi Israel tập kích tòa lãnh sự Iran chỉ mới khép lại chương đầu tiên. "Giờ đây thế giới sẽ phải chờ đợi chương tiếp theo. Những hành động tiếp theo của Israel sẽ quyết định liệu cuộc xung đột này được giữ nguyên mức độ hay sẽ leo thang nghiêm trọng hơn", nhà bình luận này cảnh báo.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đêm 13/4 tuyên bố chính phủ của mình giữ nguyên lập trường "bất kỳ ai làm hại Israel đều sẽ bị đáp trả". Các quan chức Israel, đặc biệt là các thành viên Nội các An ninh và phe cực hữu, đang đòi hỏi Tel Aviv tung ra đòn đáp trả đủ uy lực nhắm vào Tehran.
Trong khi đó, IRGC cảnh báo mọi đòn trả đũa tiếp theo từ Israel, dù ở bất kỳ cấp độ nào, đều phải chịu đáp trả mạnh tay. Bộ trưởng Quốc phòng Iran Mohammad Reza Ashtiani còn đe dọa trừng phạt bất kỳ nước nào hỗ trợ Israel hoặc cho quân đội Israel sử dụng không phận và lãnh thổ để tấn công Iran.
"Iran và Israel đang kéo toàn bộ khu vực vào tình cảnh chưa từng có tiền lệ. Đây là giai đoạn vô cùng nguy cấp và những hậu quả tiềm tàng đều là thảm họa", Ali Vaez, giám đốc nghiên cứu Iran của tổ chức Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG), bình luận.
Thanh Danh (Theo Al Jazeera, CNN)