Chỉ còn vài ngày nữa, chúng ta bước sang năm Thìn. Nhưng từ cách đây mấy tuần, trong cuộc trò chuyện vui vẻ, các bạn bè đã có gia đình của tôi tranh thủ bàn chuyện: Có nên đẻ con năm Thìn hay không?
Nhìn lại năm Thìn gần nhất, tức Nhâm Thìn (2012), được xem là "năm đẹp" nên một thống kê cho thấy số người sinh con vào năm này tăng hơn 30% so năm trước đó.
Nhiều nước Đông Bắc Á đối mặt với tình trạng tỷ lệ sinh thấp trong những năm qua. Họ hy vọng rằng năm Thìn sẽ là biện pháp kích thích sinh đẻ tự nhiên, do nhiều cặp vợ chồng dự định "kiếm rồng con".
Quay trở lại đầu bài, một người bạn chưa có con của con thì đắn đo xem có nên cố gắng sinh con vào năm Thìn hay không, dù năm qua kinh tế khó khăn, thu nhập giảm. Chung tâm trạng, hai người bạn khác thì do dự liệu có nên sinh thêm đứa nữa, cho đủ hai con không?
Đứa cháu họ của tôi sinh năm Canh Thìn 2000, tôi nhớ năm đó rất nhiều người đẻ con, vì vừa là năm chuyển giao thế kỷ - thiên niên kỷ mới, cũng lại là năm Thìn. Năm Đinh Hợi 2007 cũng thế, nhiều cặp vợ chồng tìm kiếm heo vàng, nên năm đó số lượng trẻ tăng đột ngột.
Người Đông Á nói riêng và người Việt nói chung vẫn còn tâm lý kiếm con theo năm cầm tinh để may mắn, hanh thông. Tôi thấy điều này gây bất lợi cho trẻ: sự cạnh tranh với bạn bè cùng trang lứa cao.
Đơn cử là khi những đứa trẻ này đủ tuổi vào lớp 1, tình trạng thiếu và quá tải trường lớp tăng cao. Có nhiều bạn bè sinh cùng năm, đồng nghĩa với áp lực cạnh tranh nghề nghiệp, việc làm cũng tăng.
Vấn đề giảm tỷ lệ sinh nên được xem xét và giải quyết từ các tiêu chí: năng lực tài chính, khả năng chăm sóc và nuôi dạy con cái... không nên dựa vào "năm tuổi đẹp".
Hoàng Lộc
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.