Khi Donald Trump viết trên Twitter rằng "chiến tranh thương mại là điều tốt và dễ chiến thắng", hầu hết các bình luận viên đều cho rằng Tổng thống Mỹ chỉ đang khoa trương để đe dọa Trung Quốc. Họ tin rằng khả năng tái diễn cuộc chiến bảo hộ toàn diện như thập niên 1930 là rất nhỏ và những cái đầu lạnh cuối cùng sẽ áp đảo.
Một tháng sau, nguy cơ về một cuộc chiến thương mại khổng lồ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc đã tăng lên đáng kể. Trump tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với số hàng hóa trị giá khoảng 60 tỷ USD của Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh khẳng định sẽ đáp trả với gói thuế 50 tỷ USD nếu Nhà Trắng thực hiện kế hoạch này.
Giới phân tích nhận định những lời đe dọa mạnh miệng mà Mỹ và Trung Quốc tung ra gần đây chỉ là một "trò chơi thách đố" quy mô lớn, khi hai bên đều thực hiện những động thái liều lĩnh với kỳ vọng đối phương sẽ phải nhượng bộ và thoái lui. Bắc Kinh đã ám chỉ rằng nếu Washington rút lại lời đe dọa áp thuế, họ cũng sẽ làm điều tương tự. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không dễ dàng nhân nhượng, đặc biệt là với chiến lược và toan tính của Trump hiện nay, theo Guardian.
Trung Quốc từ lâu đã bị cáo buộc dựng lên các hàng rào thương mại nhằm giúp hàng hóa của nước này có lợi thế trước sản phẩm của Mỹ và nhiều nước khác. Các chính quyền trước đây của Mỹ đều nhận ra vấn đề này và tìm cách gây sức ép để Trung Quốc nới lỏng các quy định về thương mại của họ nhưng hầu như không thành công.
Một số chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng lý do khiến những người tiền nhiệm của Trump thất bại khi gây sức ép thương mại với Trung Quốc là thiếu quyết tâm chính trị, điều mà hệ thống chính quyền của Washington không thể làm tốt như Bắc Kinh.
Hệ thống dân chủ kiểu Mỹ khiến chính quyền trở nên nhạy cảm hơn trước sức ép từ các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước, khi tranh chấp thương mại làm giá cả hàng hóa nhập khẩu tăng cao, khiến chi phí sinh hoạt trở nên đắt đỏ. Trong khi đó, cơ chế lãnh đạo một đảng giúp Trung Quốc không chịu nhiều sức ép từ dư luận trong nước ngay cả khi nền kinh tế hứng chịu hậu quả từ các đòn áp thuế của Mỹ.
Truyền thông Trung Quốc dường như đang tìm cách khai thác điểm yếu cố hữu này trong hệ thống chính trị Mỹ. Global Times lập luận rằng xã hội Trung Quốc đoàn kết hơn và "sẽ ủng hộ mọi biện pháp đáp trả mà chính phủ đưa ra", còn Mỹ sẽ thua trong cuộc chiến thương mại vì sự chia rẽ trong đất nước sẽ khiến "phe đối lập trỗi dậy khi đất nước hứng chịu thêm thiệt hại".
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sản xuất ôtô, công ty công nghệ và nông dân Mỹ đã có những phản ứng gay gắt trước việc Trump thông báo sẽ áp thuế với các mặt hàng Trung Quốc.
"Chúng tôi hối thúc chính quyền rút ra khỏi con đường nguy hiểm có thể đẩy các ngành sản xuất nhạy cảm của Mỹ như lúa mì vào tình huống rủi ro cũng như hủy hoại hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên luật lệ đã được hình thành từ lâu", Hiệp hội Các nhà trồng lúa mì Quốc gia Mỹ ra tuyên bố hôm qua.
Các thành viên cấp cao đảng Cộng hòa, đảng có xu hướng ủng hộ tự do thương mại, cũng bày tỏ nỗi bất an về chính sách mới của Trump. "Tôi lo lắng về việc sa vào chiến tranh thương mại và tôi hy vọng điều này sẽ không đi quá xa", lãnh đạo phe đa số thượng viện Mitch McConnell phát biểu trước các doanh nhân Mỹ.
Tuy nhiên, Trump không có dấu hiệu nào cho thấy ông sẽ chịu nhượng bộ trước sức ép từ giới kinh doanh và chính trị gia trong nước. "Chúng ta đang không chiến tranh thương mại với Trung Quốc, bởi chúng ta đã thua trong cuộc chiến đó từ nhiều năm trước bởi những kẻ bất tài đại diện cho nước Mỹ", ông viết trên Twitter. "Giờ đây thâm hụt thương mại của chúng ta là 500 tỷ USD một năm, cộng với thiệt hại từ nạn ăn cắp sở hữu trí tuệ là 300 tỷ USD. Chúng ta không thể để điều này tiếp diễn!"
"Khi bạn đã mất 500 tỷ USD, bạn không thể thua", Tổng thống Mỹ nhấn mạnh trong dòng tweet tiếp theo.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders cũng khẳng định các động thái hiện nay của Mỹ có thể gây ra một số biến động, nhưng sẽ đem lại lợi ích trong tương lai.
"Chúng ta có thể phải chịu một chút đau đớn trong ngắn hạn, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ thành công về lâu dài", Sanders nói. "Chúng tôi đang tập trung vào các nguyên tắc kinh tế dài hạn và đảm bảo Mỹ sẽ có một nền kinh tế mạnh, bền vững".
Tạo lợi thế cho đàm phán
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng những tuyên bố đầy cứng rắn này không đồng nghĩa với việc Trump sẽ đẩy nước Mỹ vào cuộc chiến thương mại một mất một còn với Trung Quốc. Chiến lược của Trump là gây sức ép tối đa với Bắc Kinh để gây dựng lợi thế khi thương thảo, nhưng sẽ không đẩy mọi việc đi quá xa.
Điều gì xảy ra khi chiến tranh thương mại bùng nổ?
"Qua những gì Trump thể hiện trước đây, chúng ta nhận thấy chiến lược của ông ấy là đưa ra quan điểm rất cực đoan để có thêm lợi thế đàm phán", Stephen Ezell, phó chủ tịch chiến lược sáng tạo toàn cầu tại Quỹ Sáng tạo và Công nghệ Thông tin, nhận định.
Nhiều chuyên gia về thương mại cũng nhất trí với quan điểm này. "Trump đang muốn đưa Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán bằng chính sách áp thuế của mình", Christine McDaniel, chuyên gia tại Trung tâm Mercatus, nói.
Một số quan chức cấp cao ở Nhà Trắng cũng ngầm thừa nhận điều này. Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross từng khẳng định trong một cuộc phỏng vấn với CNBC rằng "ngay cả chiến tranh đổ máu cũng kết thúc bằng các cuộc đàm phán".
McDaniel tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả của chiến lược này của Trump, nhưng bà cho rằng với tính toán của mình, Tổng thống Mỹ sẽ không sớm thoái lui ngay cả khi chứng khoán lao dốc và làn sóng phản đối trong nước tăng lên.
"Tôi không cho rằng rằng chính quyền Trump quá bận tâm tới những lo lắng của các nhóm lợi ích và các nhà kinh tế như những chính quyền trước đây", bà nói.
Trong khi đó, Ezell lại cho rằng việc Trump sẵn sàng đối đầu với phần còn lại của Washington có thể là cách duy nhất để Mỹ buộc Trung Quốc phải lắng nghe và hành động.
"Các hành động của Trump thể hiện lối tư duy mới. Chúng cho thấy chính quyền Trump tin rằng tình trạng hiện nay là không thể tiếp tục chấp nhận hay duy trì", Ezell nói. "Nếu không thể hiện được quyết tâm, Mỹ sẽ không thể có được bất cứ thay đổi nào từ Trung Quốc".
Các chuyên gia thương mại tin rằng Mỹ có thể thu được kết quả tốt hơn khi lôi kéo được các quốc gia khác ở châu Âu và châu Á cùng góp sức tạo áp lực với Trung Quốc. "Có nhiều nước cảm thấy sẵn sàng chung tay với Mỹ", McDaniel đưa ra quan điểm.
Một hành động có thể giúp Mỹ tăng thêm sức mạnh là gia nhập TPP, thỏa thuận thương mại mà Trump đã khước từ sau khi nhậm chức. Hiệp định TPP có sự tham gia của nhiều đối tác thương mại chủ chốt của Mỹ như Canada, Mexico, Nhật và Australia, nhưng không có Trung Quốc.
Việc Mỹ lựa chọn biện pháp nào để đối phó với Trung Quốc trong vấn đề thương mại hiện nay tùy thuộc phần lớn vào tính toán của chính quyền Trump. Tuy nhiên, dù Nhà Trắng áp dụng phương thức nào đi nữa, việc chấm dứt một cuộc chiến thương mại sẽ khó khăn hơn việc phát động nó rất nhiều lần. Dù sao các công ty Mỹ cũng không thể sản xuất những mặt hàng tivi, điện thoại mà người dân quen dùng nhiều như Trung Quốc, bình luận viên Jerry Bartash của MarketWatch nhận định.
Trí Dũng