Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan suốt nhiều tuần qua liên tiếp tung đòn vào đối thủ của ông trong khu vực, Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman, khi những thông tin tình báo nhỏ giọt được rò rỉ với truyền thông vào các thời điểm nhạy cảm, ám chỉ vai trò của Thái tử trong vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại một cách tàn bạo, theo NYTimes.
Kể từ khi Khashoggi biến mất một cách bí ẩn trong lãnh sự quán Arab Saudi ở Istanbul hôm 2/10, Thổ Nhĩ Kỳ đã vào cuộc điều tra một cách sốt sắng bất thường, dù nhà báo này không phải là công dân của họ. Ngay từ đầu, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đã khẳng định nước này sở hữu đoạn băng ghi âm ghi lại những giây phút cuối cùng của Khashoggi khi bị sát hại bên trong lãnh sự quán.
Khi Riyadh lên tiếng bác bỏ cáo buộc, Erdogan tuyên bố sẽ công bố "sự thật trần trụi" về vụ sát hại Khashoggi trong bài phát biểu trước quốc hội hôm 23/10, nhưng trên thực tế ông chỉ nhắc lại các cáo buộc từ trước, không công bố những đoạn băng ghi âm như kỳ vọng. Một số chuyên gia phân tích lúc đó nhận định bài phát biểu của Erdogan là một chiêu "giấu bài" nhằm tăng sức nặng cho Thổ Nhĩ Kỳ trong các cuộc đàm phán tương lai với Arab Saudi, đồng thời giúp ông có thêm sự chú ý từ cộng đồng quốc tế.
Có vẻ như Erdogan đã thành công khi vụ Khashoggi ngày càng thu hút được sự quan tâm của dư luận thế giới, đặc biệt là khi các tờ báo hàng đầu nước này như Daily Sabah hay Hürriyet công bố những thông tin rò rỉ cho thấy Khashoggi đã bị các sát thủ ra tay một cách man rợ, thậm chí là có thể đã bị phi tang thi thể bằng axit. Dưới sức ép của dư luận, Arab Saudi phải thừa nhận rằng nhà báo này đã bị sát hại và tuyên bố truy tố 11 nghi phạm, trong đó 5 người có thể phải lĩnh án tử hình.
Bình luận viên Carlotta Gall cho rằng mục tiêu lớn nhất của Erdogan khi quyết "làm đến cùng" vụ Khashoggi chính là gây sức ép để Mỹ phải từ bỏ quan hệ đồng minh với Arab Saudi, đối thủ cạnh tranh quyền lực lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông, và tái định hướng chính sách của Washington ở khu vực này theo hướng thân hơn với Ankara.
Vào thời điểm cao trào của sự việc, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi Mỹ thay đồng minh ở Trung Đông với kỳ vọng Washington sẽ rời xa các chính quyền quân chủ ở Arab Saudi, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất hay giới lãnh đạo quân sự ở Ai Cập. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần mâu thuẫn với Arab Saudi trong vụ khủng hoảng ở Qatar hay lệnh trừng phạt với Iran, khiến Thái tử Mohammed cáo buộc Ankara là một phần của "tam giác quỷ".
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua khẳng định Mỹ sẽ không đánh đổi các thương vụ vũ khí trị giá hàng trăm tỷ USD với Arab Saudi chỉ vì vụ Khashoggi và trong bất cứ trường hợp nào, Washington cũng sẽ vẫn giữ quan hệ với Riyadh. Tuyên bố này của Trump như một gáo nước lạnh dội vào tham vọng của Erdogan, nhưng bình luận viên Gall cho rằng điều đó không đồng nghĩa với việc Thổ Nhĩ Kỳ đã "mất cả chì lẫn chài" trong cuộc đấu địa chính trị với Arab Saudi.
Ngược lại, gần hai tháng kể từ khi Khashoggi bị giết, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang ở vị thế có lợi hơn rất nhiều. Từ một lãnh đạo bị chỉ trích nặng nề vì giam cầm hơn 100.000 người sau vụ đảo chính bất thành năm 2016, Erdogan giờ đây đang nổi lên trên trường quốc tế như một tổng thống quyết bảo vệ công lý đến cùng. Trong khi dư luận chỉ trích các giá trị đạo đức của Mỹ sau phát ngôn "phớt lờ vụ Khashoggi" của Trump, Erdogan dường như đã trám vào lỗ hổng đó, đồng thời vẫn duy trì được sức ép với Arab Saudi.
"Ông ấy đang đứng về đa số người dân trong thế giới Arab", Asli Aydintasbas, chuyên gia tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu, nói. "Những người đó đang giận dữ và họ cho rằng Erdogan đang đứng về phía lẽ phải. Người ta thực sự đánh giá cao những gì Erdogan đã làm".
Không chỉ thu hút được cảm tình của công chúng, vụ Khashoggi còn giúp Erdogan làm "mềm hóa" hình ảnh của mình trong mắt phương Tây và có thể tạo nên động lực để Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục mối quan hệ vốn đang sứt mẻ nghiêm trọng với Mỹ, đặc biệt là sau vụ đảo chính bất thành và thương vụ mua tên lửa S-400 gần đây của Nga.
"Bạn có thể nhận thấy khao khát của Ankara trong việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ", bà Aydintasbas nói. "Chính quyền Trump cũng có mong muốn rõ ràng là cải thiện quan hệ với Ankara. Erdogan không muốn hủy hoại điều đó".
Ấn tượng về Erdogan trong mắt các nghị sĩ Mỹ sau vụ này cũng trở nên rất khác. Trước đây, nhiều nghị sĩ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều chĩa mũi dùi chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ vì chiến dịch bắt bớ hậu đảo chính và thương vụ S-400, nhưng giờ đây họ tìm thấy điểm chung với Erdogan trong việc chống lại những "hành vi man rợ" mà các sát thủ thực hiện với Khashoggi.
"Lợi ích lớn nhất của Erdogan trong vụ này là thu được cảm tình chính trị ở Washington, điều sẽ vô cùng hữu ích sau này", Sinan Ulgen, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại và Kinh tế ở Istanbul, nhận định.
Sự thay đổi hình ảnh trong mắt người dân trong nước và dư luận quốc tế dường như mang lại cho Erdogan lợi thế rất lớn khi cuộc bầu cử địa phương ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ diễn ra vào tháng 3 năm sau, trong đó đảng Công lý và Phát triển của ông được dự đoán là sẽ gặp nhiều thách thức do những khó khăn về kinh tế của đất nước.
Trong bài phát biểu vận động tranh cử hôm qua, Erdogan không còn đề cập đến vụ Khashoggi, cũng không nhắc gì đến tuyên bố thể hiện sự ủng hộ Arab Saudi của Trump. Thay vào đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hướng mũi nhọn vào phe đối lập. "Những kẻ âm mưu buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải quỳ gối, buộc đất nước chúng ta đầu hàng vẫn còn rất mạnh", Erdogan tuyên bố, nhắc tới những người ủng hộ các cuộc biểu tình chống chính phủ năm 2013. "Chúng chính là những kẻ đã đập phá nhà cửa, đốt rụi xe công, phóng hỏa cửa hàng, làm sao chúng ta có thể tha thứ cho chúng được".