"Thổ Nhĩ Kỳ đã nộp đơn xin trở thành thành viên chính thức. Chúng tôi sẽ xem xét việc này", Yuri Ushakov, trợ lý về các vấn đề đối ngoại của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ngày 4/9 cho biết, nhắc đến việc Ankara muốn gia nhập BRICS.
Ông Ushakov bình luận một ngày sau khi Omer Celik, phát ngôn viên đảng cầm quyền AKP của Tổng thống Tayyip Erdogan, xác nhận nước này đã nộp đơn xin gia nhập BRICS. "Tổng thống nhấn mạnh rõ ràng rằng Thổ Nhĩ Kỳ muốn tham gia mọi nền tảng quan trọng, trong đó có BRICS", Celik nói.
BRICS là nhóm các nền kinh tế mới nổi thành lập năm 2009 với 4 thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, kết nạp Nam Phi một năm sau đó. Nga đang là quốc gia chủ tịch khối. BRICS tháng 8/2023 thông báo kết nạp thêm 6 thành viên gồm Arab Saudi, Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất từ đầu năm nay. Trong số này, Arab Saudi chưa chính thức chấp thuận lời mời còn Argentina đã đổi ý, từ chối gia nhập.
Nếu được chấp thuận, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là quốc gia thành viên NATO đầu tiên tham gia BRICS, khối có mục tiêu đối trọng ảnh hưởng với phương Tây trên thế giới.
"Đây là động thái mà cộng đồng xuyên Đại Tây Dương cần phải chú ý", Asli Aydintasbas, nhà phân tích tại Viện Brookings, trụ sở Washington, Mỹ nói. "Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm phương án thay thế. Họ không muốn rời NATO, không từ bỏ nỗ lực gia nhập EU nhưng vẫn muốn đa dạng hóa các liên minh của mình, phòng ngừa rủi ro. Thổ Nhĩ Kỳ không còn coi tư cách thành viên NATO là yếu tố duy nhất định hướng chính sách đối ngoại".
Tổng thống Erdogan ngày 31/8 nói "Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành một quốc gia mạnh, thịnh vượng và được tôn trọng nếu có thể phát triển đồng thời quan hệ với phương Đông và phương Tây". Ông trước đó khẳng định không coi BRICS là lựa chọn thay thế các khối khác. Ankara vẫn đang là ứng viên gia nhập Liên minh châu Âu (EU), dù quá trình đàm phán không có tiến triển từ khi chính quyền ông Erdogan trấn áp phe đối lập sau cuộc đảo chính bất thành năm 2016.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng duy trì quan hệ tốt với Nga. Ankara thường xuyên đối thoại với Moskva và Kiev, đồng thời đóng vai trò bảo trợ cho thỏa thuận ngũ cốc trên Biển Đen năm 2022.
Một thành viên NATO xin gia nhập BRICS là điều chưa có tiền lệ nhưng cũng không vi phạm quy tắc của liên minh, theo Michel Duclos, cố vấn tại viện chính sách Institut Montaigne, trụ sở Paris. Điều này khiến Mỹ cùng các đồng minh châu Âu lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ đang xoay trục xa rời khỏi phương Tây.
Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tháng 6 cho biết nước này bị BRICS thu hút, bởi khối không yêu cầu phải có cam kết hay thỏa thuận về kinh tế cũng như chính trị.
"Chúng tôi không coi BRICS là lựa chọn thay thế NATO hay EU. Tuy nhiên, quá trình đàm phán gia nhập EU bị ngưng trệ đã thúc đẩy chúng tôi tìm kiếm các nền tảng kinh tế khác. Chúng tôi muốn tham gia mọi nền tảng đa phương, ngay cả khi cơ hội hưởng lợi rất nhỏ", người này nói với Middle East Eye, thêm rằng "các đồng minh trên giấy tờ" của Thổ Nhĩ Kỳ thường phớt lờ lo ngại về an ninh của Ankara.
Hayati Unlu, học giả tại Đại học Quốc phòng Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, cũng cho rằng không nên coi Thổ Nhĩ Kỳ muốn gia nhập BRICS đồng nghĩa nước này xoay trục khỏi phương Tây.
"Thổ Nhĩ Kỳ muốn phát triển mạng lưới quan hệ, bổ sung cho các mối quan hệ với phương Tây hiện tại để vượt qua khó khăn kinh tế", ông Unlu nói. Các tổ chức truyền thống như Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới ngày càng bị coi là lỗi thời, dẫn đến sự trỗi dậy của các nền tảng thay thế như nhóm Bộ Tứ (diễn đàn an ninh gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ) và BRICS.
"Hai tốt hơn một. Bằng cách hợp tác với cả phương Tây và những quốc gia, nền tảng then chốt còn lại của thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ đang hướng đến vị thế đặc biệt mà không phải quốc gia nào cũng làm được", Leon Rozmarin, chuyên gia về Nga tại Đại học Northeastern, Mỹ, nhận định.
Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh quân sự phương Tây những năm gần đây rạn nứt liên quan việc Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, loại khí tài vốn được thiết kế để bắn hạ chiến đấu cơ NATO.
Lo ngại việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai S-400 có thể làm lộ các tính năng bí mật của khí tài NATO cho tình báo Nga, Mỹ đã phản ứng bằng cách loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi dự án tiêm kích tàng hình F-35 hồi năm 2019. Mỹ sau đó bù khoản tiền 1,4 tỷ USD mà Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư vào dự án F-35 bằng cách đề xuất bán 40 tiêm kích F-16 cho Ankara. Thương vụ F-16 cũng gặp nhiều trở ngại và mới được "bật đèn xanh" hồi tháng 1, khi Thổ Nhĩ Kỳ duyệt Thụy Điển gia nhập NATO.
Mỹ hiện chưa có phản ứng đáng kể nào với nỗ lực gia nhập BRICS của Thổ Nhĩ Kỳ, và khả năng cao sẽ tiếp tục im lặng như vậy, Aydintasbas nhận định. Bà cho biết một số người ở Washington đánh giá động thái của Thổ Nhĩ Kỳ không có nhiều tác động do BRICS không phải là liên minh quân sự, không có lực lượng an ninh hay phản ứng nhanh.
"Mỹ cũng không muốn công khai tranh cãi với Thổ Nhĩ Kỳ, họ hiểu ông Erdogan là người khó đoán", Aydintasbas nói thêm.
Như Tâm (Theo Reuters, France 24, Middle East Eye)