Việc Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua tuyên bố hai chiến đấu cơ F-16 tuần tra dọc biên giới của nước này đã bắn rơi máy bay Su-24 của Nga vì vi phạm không phận khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi hành động này là "đâm từ sau lưng do những kẻ đồng lõa với khủng bố thực hiện".
Lý giải nguyên nhân chiếc Su-24 của Nga bị bắn rơi, trong bài phân tích trên Vox, giáo sư Mark Galeotti, chuyên gia nghiên cứu về Nga tại Trung tâm Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học New York, chỉ ra ba khả năng.
Thứ nhất là do sai sót của phi công. Có thể hai phi công trên chiếc Su-24 khi hoạt động ở khu vực biên giới đã mắc lỗi về định hướng và bay lạc vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian ngắn. Khả năng này là khó xảy ra, vì Su-24 được trang bị các hệ thống dẫn đường hiện đại, nhưng chúng ta không thể hoàn toàn loại trừ nó.
Thứ hai, việc Su-24 bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ có thể là một hành động "phô trương sức mạnh" mang ý nghĩa chính trị, ngoại giao của Nga trước một thành viên của NATO. Đây không phải là lần đầu tiên máy bay quân sự Nga áp sát hoặc tiến vào không phận các nước thuộc khối NATO, nhưng những lần trước đây, họ chỉ bị ngăn chặn chứ chưa bao giờ bị bắn rơi.
Thứ ba, có thể chiếc Su-24 của Nga tạm thời bay qua không phận Thổ Nhĩ Kỳ để trở về căn cứ sau khi ném bom vị trí của phiến quân ở Syria. Khu vực chiếc máy bay này ném bom có một số nhóm phiến quân do Ankara hậu thuẫn, trong đó có nhóm Alwiya al-Ashar, phiến quân người Turk có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo giáo sư Galeotti, việc Nga không kích vào các mục tiêu phiến quân người Turkcó thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ tức giận, và có hành động đáp trả khi phi công Nga bay vào không phận nước này.
Ông cũng chỉ ra rằng việc máy bay ném bom Nga hoạt động ở ngay sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ phần nào thể hiện sự bất cẩn, liều lĩnh của phi công khi cho rằng hành động đó sẽ không phải hứng chịu hậu quả.
Tìm kiếm lợi ích từ đồng minh
Theo chuyên gia Andrew Bowen, giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Đông, việc tỏ ra cứng rắn với Nga và đỉnh điểm là bắn hạ chiếc Su-24 có thể là một hành động có tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thắt chặt quan hệ và tìm kiếm lợi ích từ các đồng minh NATO.
Ngay sau vụ việc, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm qua yêu cầu các thành viên NATO ở Bỉ họp khẩn để kêu gọi hỗ trợ thêm cả quân sự lẫn chính trị, nhằm đảm bảo an ninh biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Đây được coi là cách để ngăn chặn Nga có bất kỳ phản ứng nghiêm trọng nào với sự cố này. Tổng thống Erdogan cũng có thể tận dụng cơ hội này để hối thúc Mỹ mở rộng phạm vi triển khai hệ thống tên lửa phòng không Patriot dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Erdogan có lẽ hy vọng sau sự cố, các đối tác NATO sẽ hợp tác gần gũi hơn với Thổ Nhĩ Kỳ thay vì với Nga và Iran, nhất là sau khi Pháp có những động thái hợp tác chặt chẽ hơn với Nga trong cuộc chiến chống IS.
Tuy nhiên, ông Bowen chỉ ra rằng có vẻ như không phải thành viên NATO nào cũng đáp ứng kỳ vọng của Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ tận dụng cơ hội này để thay đổi chính sách với Nga trong quá trình tìm ra một giải pháp chính trị ở Syria. Mỹ đã rất nhanh chóng bác bỏ mọi sự liên quan đến sự cố này, đồng thời nhấn mạnh đây chỉ là "việc riêng giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ".
Căng thẳng âm ỉ
Các chuyên gia phân tích cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga là hậu quả của mối quan hệ căng thẳng âm ỉ kể từ khi Nga can thiệp quân sự vào Syria, bởi đây không phải lần đầu tiên quan hệ Nga - Thổ hục hặc vì sự cố bắn rơi máy bay.
Ngày 22/4/2012, lực lượng phòng không Syria bắn rơi một chiếc máy bay trinh sát F4 của Thổ Nhĩ Kỳ. Việc này đã khiến quan hệ Ankara và Moscow trở nên căng thẳng bởi Nga là nước hỗ trợ huấn luyện và cung cấp tên lửa phòng không cho quân đội Syria.
Căng thẳng gia tăng sau khi Tổng thống Erdogan lên án hành động can thiệp quân sự của Nga vào Syria mùa hè vừa qua và liên tục cảnh báo Ankara sẽ xét lại mối quan hệ với Moscow. Sau thắng lợi của Đảng Công lý và phát triển (AKP), ông Erdogan càng tỏ ra cứng rắn hơn với vấn đề Syria, đặc biệt là về vai trò của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Gần đây, ông Erdogan đã vấp phải nhiều chỉ trích vì không có động thái bảo vệ phiến quân người Turk ở Iraq. Bởi vậy, với hành động bắn hạ máy bay Nga, ông muốn chứng tỏ rằng mình sẵn sàng có hành động cần thiết để hỗ trợ và bảo vệ họ ở Syria, theo chuyên gia Bowen.
Theo các chuyên gia phân tích, một cuộc chiến trên không quy mô lớn giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khó xảy ra. Tuy nhiên, nếu Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không tăng cường đối thoại trực tiếp theo hướng hạ nhiệt căng thẳng và tôn trọng các lợi ích quốc gia của nhau, thì những sự cố như thế này chắc chắn sẽ xảy ra nhiều hơn và có thể leo thang xung đột thậm chí còn xa hơn, ông Bowen cảnh báo.
Duy Sơn