Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 20/7 tuyên bố mở rộng mục tiêu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, vượt khỏi ranh giới hai tỉnh Donetsk và Lugansk thuộc vùng Donbass ở miền đông Ukraine.
Ông khẳng định Moskva vẫn giữ nguyên các mục tiêu căn bản ban đầu, gồm "phi phát xít hóa và phi quân sự hóa" Ukraine, vốn được nêu trong thông điệp phát động chiến dịch vào tháng 2.
Tuy nhiên, Lavrov cho rằng cục diện chiến trường trên phương diện địa lý đã "thay đổi hoàn toàn", với sự xuất hiện của các yếu tố địa chiến lược mới như Kherson, Zaporizhia và nhiều khu vực khác đang do quân đội Nga kiểm soát.
Theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) tại Mỹ, tuyên bố của Ngoại trưởng Nga về mở rộng mục tiêu chiến dịch cho thấy tính toán kiểm soát tối đa lãnh thổ Ukraine của Moskva ngay từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt.
Dù Nga từ tháng 3 tuyên bố chỉ đặt mục tiêu "giải phóng" Donbass, khu vực gồm hai tỉnh Lugansk và Donetsk ở miền đông Ukraine, giới tình báo và nghiên cứu quân sự phương Tây vài tháng qua cho rằng Nga luôn đề ra tham vọng lớn hơn vậy.
"Nga từ đầu đã đặt mục tiêu kiểm soát tối đa lãnh thổ tại chiến trường Ukraine. Nỗ lực tấn công Kiev và loạt thành phố đông bắc Ukraine gồm Chrrnihiv, Sumy, Kharkov trong giai đoạn đầu chiến dịch cho thấy kỳ vọng của họ không dừng ở vùng Donbass", Bộ Quốc phòng Canada ngày 21/7 nhận định.
Ông Lavrov giải thích rằng Nga mở rộng mục tiêu ở Ukraine do các nước phương Tây đang tìm cách kích động tình hình và tiếp tục đổ vào Ukraine các loại vũ khí tầm trung hiện đại, điển hình là pháo phản lực HIMARS.
Tuy nhiên, giới chức quân sự Canada chỉ ra rằng lực lượng Nga đã kiểm soát nhiều khu vực phía nam Ukraine từ cuối tháng 2, trước khi phương Tây bắt đầu viện trợ những loại vũ khí hạng nặng cho Kiev.
Giới phân tích cũng cho rằng tuyên bố "mở rộng mục tiêu" của ông Lavrov là nỗ lực nhằm tạo tiền đề để Nga sáp nhập các vùng lãnh thổ đang kiểm soát ở miền đông và miền nam Ukraine.
Nhà phân tích chính trị Nga Tatiana Stanovaya, người sáng lập nhóm phân tích R. Politik, cho rằng Nga sẽ thúc đẩy các cuộc trưng cầu dân ý ở Kherson, Zaporizhia và nhiều khu vực khác để sáp nhập vào lãnh thổ, tương tự những gì diễn ra ở bán đảo Crimea năm 2014.
Các quan chức Nga cũng đã công khai ủng hộ ý tưởng này. Mikhail Razvozhayev, thị trưởng Sevastopol ở bán đảo Crimea, cho biết địa phương của ông đang hỗ trợ thành phố Melitopol thuộc tỉnh Zaporizhzhia tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để sáp nhập vùng Zaporizhzhia vào Nga.
"Chúng tôi có kinh nghiệm về những gì cần làm ở vùng lãnh thổ được giải phóng", Razvozhayev viết trên Telegram, thêm rằng các quan chức của ông cũng đã làm việc suốt nhiều tháng qua ở vùng Lugansk. "Chúng tôi đang giúp Melitopol thiết lập một cuộc sống hòa bình, trưng cầu dân ý và sáp nhập".
Phương Tây trong 8 năm qua không công nhận Crimea là một phần lãnh thổ Nga, dù Moskva khẳng định quyết định sáp nhập năm 2014 dựa trên nguyện vọng chính đáng và lá phiếu hợp pháp của người dân bán đảo.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng Nga sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình "mở rộng mục tiêu" ở Ukraine, đặc biệt là với cục diện chiến trường hiện nay.
Sau khi chiếm được tỉnh Lugansk, đà tấn công của Nga đang chững lại, thậm chí sa vào tình thế dàn trải nguồn lực giống như những gì xảy ra trong giai đoạn đầu chiến sự. Sức ép phản công từ quân đội Ukraine thách thức nỗ lực gia tăng kiểm soát của Nga ở vùng duyên hải phía nam, nối bán đảo Crimea với vùng Donbass.
Trong khi Nga chưa quyết định được nên phân bổ nguồn lực cho chiến dịch tiến công ở mặt trận Donbass, hay điều quân trở lại phòng thủ ở mặt trận phía nam, ISW cho rằng Moskva sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc củng cố năng lực chiến đấu cần có để mở rộng mục tiêu kiểm soát lãnh thổ.
Moskva đến nay chưa phát lệnh tổng động viên để nhanh chóng tăng quân số, dù Tổng thống Putin tháng này đã ký sắc lệnh đặc biệt cho phép huy động mọi thành phần kinh tế hỗ trợ các lực lượng "làm nhiệm vụ chống khủng bố và nhiệm vụ an ninh khác ở nước ngoài".
Richard D. Hooker, chuyên gia cấp cao của Trung tâm Chiến lược và An ninh Scowcroft thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng ý định sáp nhập các vùng lãnh thổ phía nam Ukraine sẽ là là canh bạc mạo hiểm với giới lãnh đạo Nga.
Sau 5 tháng giao tranh, Nga đã hoàn tất kiểm soát về quân sự toàn bộ tỉnh Lugansk, một nửa tỉnh Donetsk và hai tỉnh Kherson cùng Zaporizhia của Ukraine, nhưng duy trì quản lý lãnh thổ về lâu dài lại là câu chuyện khác, đặc biệt là khi năng lực phản công của Ukraine ngày càng tăng nhờ các loại vũ khí tầm xa của phương Tây.
Một khi Nga sáp nhập thêm lãnh thổ, Điện Kremlin sẽ đối diện rủi ro tổn thất chính trị cao hơn trong mỗi đợt Ukraine phản công. Moskva cũng có thể tự đặt mình vào tình thế tiến thoái lưỡng nan trên bàn đàm phán hòa bình với Kiev, bởi họ không thể "trả lại" những lãnh thổ đã sáp nhập, Hooker nói.
"Chúng tôi xin nhắc nhở Tổng thống Putin rằng thời gian sẽ chứng minh Nga không thể giữ mãi những vùng lãnh thổ này. Cục diện chiến trường vẫn chưa ngã ngũ", John Kirby, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cảnh báo.
Thanh Danh (Theo Reuters, Al Jazerra, Axios, RT)