Giao tranh ở Ukraine đang diễn ra căng thẳng nhất ở Donbass, vùng lãnh thổ rộng lớn đã trải qua nhiều năm xung đột và giờ đây được coi là chiến trường quyết định tương lai Ukraine cũng như chiến dịch quân sự của Nga.
Donbass bao trùm phần lớn miền đông Ukraine và là tuyến đầu trong cuộc xung đột giữa nước này với lực lượng ly khai thân Nga từ năm 2014. Nhưng giờ đây, sau 8 năm xung đột âm ỉ, Donbass đang trải qua giao tranh thậm chí còn dữ dội hơn.
Lực lượng Nga đã kiểm soát phần lớn thành phố Severodonetsk và đạt được bước tiến ở một số nơi khác trong khu vực. Tuy nhiên, nhiều cuộc tiến công cũng đã bị quân đội Ukraine đẩy lùi với hỗ trợ vũ khí từ phương Tây.
Sau khi quân đội Nga thất bại trong nỗ lực kiểm soát thủ đô Kiev và các khu vực miền trung Ukraine ở giai đoạn đầu chiến dịch, Donbass lúc này trở thành mục tiêu chiến lược quan trọng nhất của Moskva.
Nếu chiến dịch giành thắng lợi ở Donbass, Nga có thể khiến phương Tây nao núng, các lực lượng Ukraine suy giảm nhuệ khí chiến đấu, đồng thời củng cố sức mạnh cũng như sức ảnh hưởng của Tổng thống Vladimir Putin. Ngược lại, nếu không đạt được mục tiêu ở Donbass, chiến dịch quân sự của Nga có nguy cơ thất bại.
Trái tim công nghiệp
Ống khói, nhà máy hay các cánh đồng than là những hình ảnh bao trùm cảnh quan của Donbass suốt nhiều thập kỷ. Kể từ khi hai thành phố lớn của nó, Donetsk và Lugansk, được thành lập, công nghiệp đã trở thành ngành huyết mạch đối với khu vực.
"Liên Xô đã phát triển mạnh mẽ Donbass, biến nó thành một trung tâm công nghiệp", Markian Dobczansky, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Ukraine thuộc Đại học Harvard, cho hay. "Đó là nơi tạo ra nhịp độ công nghiệp hóa của Liên Xô".
Xu hướng gia tăng sản xuất thép và kim loại, một tuyến đường sắt chạy qua khu vực và ngành vận tải biển phát triển ở thành phố cảng Mariupol đã đa dạng hóa các nguồn lợi nhuận của Donbass, khiến nó không còn bị phụ thuộc vào ngành khai thác than.
Nhưng trong ba thập kỷ kể từ khi Liên Xô tan rã, sức mạnh kinh tế của Donbass đã suy giảm. "Vào những năm 1990, kinh tế Donbass chạm tới đáy", Rory Finnin, phó giáo sư nghiên cứu về Ukraine tại Đại học Cambridge, cho biết.
Theo ông, Donbass có lúc được ví như vùng Vành đai Rỉ sét của Mỹ, nơi những trung tâm công nghiệp từng phát triển mạnh mẽ phải vật lộn để thích nghi. Nhưng tình hình bắt đầu được cải thiện từ đầu những năm 2000. Donbass sau đó đóng vai trò là trái tim công nghiệp của Ukraine, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của đất nước.
Dù nền kinh tế Donbass từng bị lung lay, có một đặc điểm của khu vực không thay đổi theo thời gian. Nhiều người dân ở Donbass đã và vẫn kiên trì đòi quyền tự trị cao hơn. "Họ tiến lên theo nhịp trống của riêng mình", Finnin ví von.
Sức mạnh công nghiệp lâu đời của Donbass đã thu hút người dân từ khắp Đông Âu đến đây trong thế kỷ trước. Và Donbass cũng có mối quan hệ kinh tế - xã hội, lịch sử chặt chẽ với Nga.
Trong cuộc điều tra dân số thời hậu Xô Viết duy nhất của Ukraine vào năm 2001, hơn một nửa dân số Donbass là người dân tộc Ukraine, 1/3 là người dân tộc Nga. Tiếng Nga là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi nhất ở đây.
Theo Dobczansky từ Đại học Harvard, các thành phố của Donbass "nằm xa những trung tâm đô thị và xa các thành phố lớn" ở miền trung và tây Ukraine. Nền chính trị thân phương Tây thường không được đón nhận ở Donbass như ở phía tây Ukraine.
Cảm giác tách biệt với thủ đô Kiev và các trung tâm đô thị khác đã làm nảy sinh một loạt phong trào đấu tranh địa phương và là bối cảnh để những người ly khai thân Nga tìm cách giành kiểm soát khu vực Donbass sau khi Moskva sáp nhập Crimea vào lãnh thổ hồi năm 2014.
Ý nghĩa biểu tượng
Một áp phích tuyên truyền nổi tiếng của Liên Xô từ năm 1921 đã gọi Donbass là "trái tim nước Nga", mô tả khu vực này như một quả tim đang đập với mạch máu nối tới khắp đất nước.
Các thành phố như Lugansk và Donetsk trong lịch sử đã được ca ngợi là "những nơi mà người Nga có thể nhìn thấy một phiên bản nào đó của chính họ", Finnin nói.
Giới quan sát cho rằng Tổng thống Putin mong muốn khôi phục ánh hào quang nước Nga như thời Liên Xô. Tuy nhiên, mong muốn này sẽ không thể thành hiện thực nếu thiếu Donbass, theo bình luận viên Rob Picheta từ CNN.
"Donbass mang một ý nghĩa biểu tượng rất quan trọng. Nó cung cấp nguyên liệu thô cho toàn bộ Liên Xô", Dobczansky nói.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Putin đã tập trung giai đoạn hai chiến dịch quân sự của mình vào Donbass.
"Có khả năng Tổng thống Putin sẽ dồn lực để chia đôi Ukraine, giúp ông ấy tuyên bố một chiến thắng và xoa dịu dư luận trong nước", Samir Puri, chuyên gia về an ninh đô thị và chiến tranh hỗn hợp tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), nhận định.
"Kiểm soát Donbass sẽ là một 'giải khuyến khích' bởi Kiev đã nằm ngoài tầm kiểm soát của quân đội Nga, nhưng đây là một giải khuyến khích tốt", Puri nói.
Gia tăng sức ép
Chưa rõ liệu chiến trường Donbass có phải là chương cuối trong chiến dịch quân sự của Nga hay không, tuy nhiên, Tổng thống Putin rõ ràng đang dồn toàn bộ nguồn lực cho khu vực.
Mục tiêu "giải phóng" vùng Donbass được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mô tả là "ưu tiên tuyệt đối" của Moskva trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Pháp TFI hồi cuối tháng trước.
Hồi tháng 4, khi tuyên bố chuyển trọng tâm chiến dịch quân sự sang miền đông Ukraine, ông Lavrov đã nói rằng Nga không còn lựa chọn nào khác ngoài tiến hành chiến dịch vì các lực lượng Ukraine đã tăng cường tấn công ở vùng Donbass, buộc hai vùng ly khai Donetsk và Lugansk phải đề nghị Moskva giúp đỡ.
"Donbass là tiền tuyến trong suốt 8 năm qua, vì vậy các vị trí quân sự của cả hai bên đều được củng cố rất tốt", Dobczansky đánh giá.
Cuộc xung đột ở Donbass 8 năm qua gây nhiều thiệt hại, nhưng không có những thay đổi lớn suốt những năm qua. Các chiến tuyến giao tranh hầu như giữ nguyên trong vài năm gần đây, với những đường hào chạy dọc theo giới tuyến từ bờ biển phía nam đến biên giới Ukraine - Nga ở phía bắc Lugansk.
Tuy nhiên, Nga đã có một số bước tiến ở Donbass trong vài tuần kể từ sau khi công bố chuyển trọng tâm chiến dịch.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết tình hình tại khu vực đang ngày càng trở nên khó khăn do nguồn nhân lực của Nga đã tăng mạnh trong những ngày gần đây.
"Đó là lý do chúng ta phải tăng cường phòng thủ, tăng cường sức phản kháng và Donbass sẽ trở về với người Ukraine", ông Zelensky tuyên bố trong một video hồi tuần trước.
Quân đội Ukraine cho hay trọng tâm hiện tại của Nga là giành toàn quyền kiểm soát thành phố Severodonetsk, nằm sát ranh giới giữa hai tỉnh Donetsk và Lugansk.
Trong lúc đó, Nga vẫn tiếp tục không kích liên tục vào các thành phố ở miền bắc Ukraine. Những ngày gần đây, Hirsk và Hrinivka ở Chernihiv và Bachivsk và Seredyna-Buda ở Sumy đã bị pháo kích dồn dập. Giới phân tích cho rằng các cuộc tấn công của Nga ở những khu vực này là nhằm ngăn chặn lực lượng Ukraine tái triển khai tới các mặt trận chính ở Donbass.
Trong khi đó, một số cuộc phản công của Ukraine đã thành công. Lực lượng Ukraine có hiểu biết sâu rộng về các thị trấn và thành phố mà họ đã bảo vệ gần một thập kỷ qua. Đại tướng Valeriy Zaluzhnyy, tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ukraine, và hàng loạt quan chức hàng đầu của quân đội đã thu được nhiều kinh nghiệm chiến đấu thực địa ở miền đông từ sau năm 2014.
Tổng thống Zelensky đã kêu gọi phương Tây cung cấp thêm viện trợ quân sự cho Ukraine và liên tục cảnh báo trong về mức độ tàn phá mà Donbass phải hứng chịu kể từ khi Nga chuyển hướng chiến dịch quân sự. "Cuộc tấn công hiện tại ở Donbass có thể khiến khu vực này không còn người ở", ông phát biểu hồi tuần trước.
Vũ Hoàng (Theo CNN)