Giới chức Lầu Năm Góc ngày 2/2 thông báo Mỹ đã phát hiện thiết bị do thám được cho là khí cầu của Trung Quốc trên không phận nước này và đang theo dõi hướng di chuyển của thiết bị trong vài ngày qua. Giới quan sát xem đây là diễn biến có thể gia tăng căng thẳng trong quan hệ Bắc Kinh - Washington, vốn đang trải qua nhiều sóng gió.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hủy lịch trình thăm Trung Quốc lần đầu tiên trong nhiệm kỳ sau khi Lầu Năm Góc công bố thông tin về khí cầu do thám. Giới chức Mỹ đã liên hệ với Trung Quốc thông qua đại sứ quán tại Washington lẫn Bắc Kinh.
Tuy nhiên, các phản ứng của Mỹ vẫn dừng ở mức độ ngoại giao. Tổng thống Joe Biden sau khi nhận tham vấn từ giới lãnh đạo quân đội, trong đó có Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Mark Milley, đã quyết định chưa ra lệnh bắn rơi khí cầu do thám, dù quân đội Mỹ đã triển khai tiêm kích tàng hình F-22 để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Một số nghị sĩ Cộng hòa đã lên tiếng ủng hộ phương án bắn hạ khí cầu Trung Quốc, song giới chức quân đội Mỹ cho rằng biện pháp này "lợi bất cập hại".
"Chúng tôi đã cân nhắc phương án bắn hạ vào ngày 1/2, khi khí cầu bay qua vùng thưa dân ở Montana. Tuy nhiên, nguy cơ từ mảnh vỡ gây ra với dân thường bên dưới quá cao, khiến chúng tôi không thể an tâm ra lệnh khai hỏa", người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick Ryder trả lời truyền thông.
Nguy cơ khí cầu gây ra với hoạt động hàng không dân sự là không đáng kể, bởi nó bay cao hơn nhiều so với vùng giao thông của các máy bay chở khách. Ryder đánh giá các thiết bị do thám trên khí cầu cũng không tạo ra lợi thế nào vượt trội so với những thiết bị khác mà Trung Quốc "có thể đang sử dụng nhằm thu thập thông tin" ở Mỹ, như vệ tinh bay ở quỹ đạo thấp.
Trong khi đó, tình báo Mỹ cũng có thể thu được thông tin đáng giá trong quá trình theo dõi khí cầu cùng những thiết bị do thám có thể được gắn trên đó, thay vì tiêu hủy nó.
Nghị sĩ Cộng hòa Matt Gaetz cho rằng quân đội Mỹ nên vô hiệu hóa thiết bị do thám của đối phương nếu cộng đồng tình báo nhận thấy rủi ro quá lớn. Tuy nhiên, trong trường hợp mối lo an ninh không đáng kể, Mỹ không nên tính đến biện pháp vũ lực và có thể cân nhắc tịch thu thiết bị.
Theo Gaetz, nếu vội vàng khai hỏa bắn hạ khí cầu, Mỹ có thể châm ngòi căng thẳng không cần thiết với Trung Quốc liên quan đến "quyền hoạt động chính đáng trên không". Nghị sĩ này ví đây như một "cái bẫy tình báo" mà Trung Quốc giăng ra để nhử Mỹ rơi vào và làm dấy lên tranh cãi về hoạt động do thám trên không.
Theo nhà phân tích Aaron Blake của Washington Post, hoạt động do thám trên không vẫn là vấn đề nhạy cảm trong ngành tình báo các nước. Trong khi phần lớn hoạt động gián điệp tồn tại trong bí mật và sẽ không bao giờ được các bên thừa nhận nếu bị phát hiện, do thám trên không là hoạt động đã được hợp thức hóa bằng thỏa thuận.
Mỹ, Nga và nhiều nước khác đã ký hiệp ước "Bầu trời Mở" vào năm 1992, cho phép các bên dùng máy bay không vũ trang hoạt động trong không phận của nhau để thu thập thông tin tình báo.
Ý tưởng này nhằm kiểm soát hoài nghi chiến lược và giảm nguy cơ xung đột giữa các cường quốc quân sự từ cuối Chiến tranh Lạnh. Các nước khi thực hiện chuyến bay theo hiệp ước "Bầu trời Mở" đều phải lên kế hoạch và thông báo trước cho các bên còn lại.
Từ khi hiệp ước có hiệu lực vào năm 2002 đến năm 2016, Mỹ tổ chức 196 chuyến bay do thám công khai qua không phận Nga, trong khi Nga tổ chức 71 chuyến bay trên không phận Mỹ. Đến năm 2020, chính quyền Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp ước vì cáo buộc Nga không tuân thủ các điều khoản ban đầu. Moskva sau đó cũng từ bỏ thỏa thuận.
Tổng thống Biden từng phản đối quyết định của ông Trump, song đến nay chưa phát đi tín hiệu nào cho thấy ông muốn hồi sinh hiệp ước "Bầu trời Mở", do căng thẳng Mỹ - Nga leo thang vì xung đột Ukraine.
Trung Quốc chưa từng ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ về thỏa thuận tương tự, song điều đó không đồng nghĩa hai nước không tiến hành các hoạt động do thám lẫn nhau.
Năm 2001, một máy bay do thám của hải quân Mỹ đã va chạm với chiến đấu cơ Trung Quốc ngoài khơi đảo Hải Nam, buộc phải hạ cánh khẩn cấp trên lãnh thổ Trung Quốc. Năm 2016, tiêm kích Trung Quốc từng nhiều lần áp sát máy bay do thám Mỹ hoạt động trên biển Hoa Đông.
Tài liệu ngân sách của Lầu Năm Góc năm 2022 cũng nêu ý tưởng tăng cường sử dụng khí cầu do thám nhằm theo dõi các vũ khí siêu thanh mà Trung Quốc và Nga đang phát triển, giảm chi phí do thám bằng vệ tinh.
Theo nghị sĩ Gaetz, trong trường hợp Mỹ bắn hạ khí cầu do thám với lý do thiết bị bay trong không phận quốc gia, Trung Quốc sẽ có tiền lệ về cách hành xử trong các trường hợp tương tự.
"Nếu chúng ta tạo ra tiền lệ như thế, tình hình có nguy cơ leo thang rất nhanh", ông cảnh báo.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng nhanh chóng đưa ra lời giải thích, cho rằng khí cầu này "đi lạc vào Mỹ do sự cố bất khả kháng", đồng thời tuyên bố đây là thiết bị dân sự "phục vụ nghiên cứu khí tượng và các hoạt động khoa học khác".
"Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì liên lạc với phía Mỹ để xử lý thỏa đáng sự cố này", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết. Mỹ chưa bình luận về cách giải thích trên.
Thanh Danh (Theo Washington Post)