Đây là phản ứng không kiểm soát của tinh tinh giúp chúng truyền đạt cảm giác đồng cảm và có thể thể hiện mối liên kết giữa con người và động vật linh trưởng, Science News đưa tin.
Để xác định hiện tượng ngáp dây chuyền ở loài vật này, các nhà khoa học thuộc Đại học Lund tiến hành nghiên cứu ở 33 con tinh tinh mồ côi từ 13 tháng đến 8 năm tuổi. Họ quan sát phản ứng của mỗi con tinh tinh với hành động ngáp của một người mà con tinh tinh biết (nhân viên chăm sóc tinh tinh) và một người mà chúng chưa từng tiếp xúc trước đây (một nhà nghiên cứu).
Kết quả nghiên cứu khiến các nhà khoa học không khỏi ngạc nhiên khi con tinh tinh đều có phản ứng tương tự với hành động ngáp của hai người mà không thể hiện sự khác biệt. Điều đó cho thấy động vật linh trưởng không phân biệt những người mà chúng biết với những người xa lạ theo cách mà chúng thường làm với các con tinh tinh.
Tinh tinh chỉ nhạy cảm với phản ứng ngáp dây chuyền cho đến khi chúng đủ lớn, thường từ sau 5 tuổi, khi khả năng thể hiện sự đồng cảm bẩm sinh đã phát triển và trở nên phức tạp hơn theo độ tuổi trưởng thành. Điều này cũng tương tự như phản ứng ngáp theo của trẻ em chỉ bắt đầu xuất hiện cho đến khi bước sang tuổi thứ 4.
Elainie Madsen, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết phản ứng này của tinh tinh có thể xuất hiện do khả năng thể hiện sự đồng cảm có mục tiêu của chúng nhằm tương tác với các thành viên trong đàn và thực hiện phản ứng ngáp dây chuyền với những con tinh tinh thân quen, từ đó chúng có thể áp dụng hình thức tương tác này ở mức độ tổng quát hơn trong mối quan hệ với con người.
Các nhà khoa học quyết định thực hiện theo phương pháp này bởi các nghiên cứu trước đây cho thấy tinh tinh chỉ bắt chước và ngáp theo những con tinh tinh mà chúng biết đến nhiều hơn, vì vậy họ đang lên kế hoạch tìm hiểu nguyên nhân loài tinh tinh có cách cư xử khác nhau giữa những con tinh tinh xa lạ với những con trong cùng đàn.
Đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu chứng minh được tinh tinh có thể học ngáp theo người. Trước đây, các nhà khoa học cho biết chó có thể học ngáp theo chủ.
Thùy Linh (Video: Lund University)