Nghiên cứu trên công bố trên tạp chí Public Library of Science ONE của các nhà khoa học thuộc Đại học Tokyo, Nhật Bản.
Giới khoa học đã thực hiện nghiên cứu ở 25 con chó cùng với chủ của chúng. Các nhà nghiên cứu để con chó nhìn trực tiếp vào hành vi của chủ nhân và những người lạ khác khi họ ngáp thật hay giả vờ ngáp. Tất cả phản ứng của nó sẽ được máy quay trong phòng thí nghiệm ghi lại. Nhịp tim của chó cũng sẽ được theo dõi bởi một thiết bị gắn vào ngực.
Sau 4 buổi thử nghiệm, mỗi buổi kéo dài 5 phút, nhóm chuyên gia nhận thấy, con chó sẽ ngáp theo chủ nhiều hơn là với người lạ. Chúng cũng rất "nhạy cảm" khi ngáp ít hơn nếu biết người nào đó đang giả vờ ngáp.
Trước đây, một nghiên cứu cho rằng, loài chó ngáp là để bớt căng thẳng. Nhưng thực tế trong nghiên cứu lần này, giới chuyên gia cho biết, nhịp tim của chó được duy trì suốt thời gian thực hiện thí nghiệm, chứng tỏ chúng đang có sự đồng cảm nào đó với chủ.
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, hiện tượng ngáp ở chó là do có sự kết nối về cảm xúc tương tự như con người", Telegraph dẫn lời tiến sĩ Teresa Romero, từ Đại học Tokyo nói. "Mặc dù nghiên cứu của chúng tôi không xác định chính xác cơ chế về hành vi ngáp của chó, nhưng chúng tôi biết chó ngáp không phải do căng thẳng".
Trong thế giới động vật, hiện tượng ngáp còn xuất hiện ở tinh tinh, khỉ bonobo và khỉ đầu chó.
Linh Linh