Đây là lần đầu tiên hành vi đào giếng được quan sát ở một nhóm tinh tinh sống trong rừng mưa và ví dụ về động vật sử dụng trí thông minh để tiếp cận nguồn tài nguyên ngầm. Dù nước thường có sẵn trong hang hốc hoặc khe đá, nước trong rừng mưa đôi khi bị che khuất dưới mặt đất. Theo đồng tác giả nghiên cứu Cat Hobaiter, nhà linh trưởng học ở Đại học St. Andrews, việc đào giếng mới chỉ được bắt gặp ở tinh tinh sống trên đồng cỏ cao.
"Hành vi đào giếng khá hiếm gặp, vì vậy chúng tôi rất bất ngờ khi chứng kiến ở tinh tinh trong rừng mưa. Tuy tinh tinh Waibira sống trong rừng, việc uống nước quan trọng đến mức dù chỉ có 1 - 2 tháng khó kiếm nguồn nước, đây vẫn là vấn đề cấp thiết cần giải quyết", Hobaiter cho biết.
Theo nhóm nghiên cứu, hành vi đào giếng bắt nguồn từ một cá thể và sau đó lan truyền giữa những thành viên trong đàn. Họ quan sát một con tinh tinh cái trẻ tuổi gia nhập đàn tinh tinh trong rừng mưa Waibira liên tục đào giếng ở vũng nước đọng. Đàn của nó thường chỉ dùng tới vũng nước này khi không còn cách nào khác vào mùa khô. Theo bài báo, tinh tinh cái dùng tay đào những hố nhỏ ở lớp nền đầy cát sỏi của vũng nước, chờ khoảng 13 giây để nước thấm qua rồi uống.
Theo thời gian, những con tinh tinh khác trong đàn quan sát tinh tinh cái với vẻ hứng thú. Cuối cùng, chúng vừa uống nước trực tiếp từ giếng và thấm nước bằng công cụ làm từ lá, rêu hoặc kết hợp cả hai.
Theo Hobaiter, các thành viên cùng đàn cần thời gian để học hỏi hành vi. Tinh tinh trẻ tuổi thường học hành vi mới nhanh hơn. Ở đây, tinh tinh cái trưởng thành đặc biệt cần nước bởi chúng phải cho con bú. Vì vậy, đó có thể là động lực mạnh mẽ để học hỏi hành vi mới nhằm tiếp cận nguồn nước tốt. Một điều thú vị là phản ứng của những con tinh tinh khác với việc đào giếng. Ngay cả tinh tinh đực lớn cũng lịch sự chờ tinh tinh cái đào xong và uống nước rồi mới đến gần và mượn giếng của nó".
Hobaiter và cộng sự không rõ tinh tinh cái tự nghĩ ra cách tìm nước dưới lòng đất hay học từ đàn nơi nó chào đời.
An Khang (Theo Newsweek)