Trong cánh rừng rậm rạp ở Uganda, các nhà nghiên cứu quan sát tinh tinh hoang dã đầu tiên mắc chứng bạch tạng. Tuy nhiên, cả đàn nhanh chóng tấn công con non lông trắng và mẹ nó. Kết quả là tinh tinh non chết trong vụ tấn công đầy bạo lực. Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Zürich ở Thụy Sĩ và Trạm bảo tồn Budongo mô tả quan sát gần đây trên tạp chí Linh trưởng học Mỹ.
Tinh tinh đực non toàn thân màu trắng được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 7/2018 ở Khu bảo tồn rừng Budongo phía tây bắc Uganda. Dựa theo kích thước của nó và thời gian tinh tinh mẹ mang thai, nhóm nghiên cứu ước tính con vật khoảng 14 - 19 ngày tuổi trong lần đầu quan sát. "Chúng tôi thực sự hào hứng với việc quan sát hành vi và phản ứng của những thành viên khác trong đàn đối với cá thể có hình dáng khác thường", Maël Leroux, trưởng nhóm nghiên cứu ở Đại học Zürich, cho biết.
Vài ngày sau đó, con non bạch tạng và mẹ nó là UP nhiều lần xuất hiện. Nhưng các nhà nghiên cứu nhận thấy những con tinh tinh khác trong đàn có dấu hiệu phản đối và hung dữ. Trong một cuộc chạm trán, họ trông thấy thành viên trong đàn ở gần mẹ con tinh tinh phát ra tiếng "hoo" và "waa". Tinh tinh thường kêu như vậy khi gặp động vật nguy hiểm hoặc xa lạ như rắn hoặc con người. Sau đó, cuộc ẩu đả nổ ra. Một con đực trưởng thành đánh UP và con nó. Tinh tinh mẹ buộc phải tháo chạy bằng cách trèo lên cây trong khi những con khác vẫn kêu gào bên dưới.
Tuy nhiên, không phải mọi cá thể đều có thái độ thù địch. Trong cuộc ẩu đả, một con đực khác đến gần UP và chìa tay về phía nó để trấn an. Một con tinh tinh cái trưởng thành tỏ ra bình tĩnh và chăm chú dõi theo con non bạch tạng.
Tinh tinh non chết vào sáng ngày 19/7. Sau 7h30 sáng theo giờ địa phương, nhóm nghiên cứu nghe thấy tiếng la hét và tiếng khóc của con non. Tinh tinh đực đầu đàn chui ra từ rừng rậm, giữ chặt tinh tinh bạch tạng non đã mất một cánh tay. Ít nhất 6 con tinh tinh khác tham gia cùng nó. Chúng bắt đầu tấn công con non đến khi nó không còn kêu và nằm bất động.
Điều khác thường là khoảng 10 thành viên trong đàn tiếp tục vỗ, ngửi và kiểm tra cái xác. Dù việc tinh tinh kiểm tra xác đồng loại không phải chưa từng xảy ra, các nhà nghiên cứu cho rằng con non đã chết thu hút nhiều sự chú ý hơn từ thành viên trong đàn do hình dáng khác lạ của nó, theo Leroux. Nhóm nghiên cứu thu thập xác con con và mang về phòng thí nghiệm để khám nghiệm. Tại đây, họ xác nhận con tinh tinh non mắc chứng bạch tạng và không có sắc tố ở da, lông và mắt.
Bạch tạng là hội chứng di truyền gây ra bởi tình trạng thiếu sắc tố melanin. Hội chứng này có thể ảnh hưởng tới bất kỳ loài nào, từ tinh tinh và con người tới cá voi sát thủ, thậm chí gấu trúc. Cá thể mắc hội chứng không chỉ có lông/tóc trắng và mắt đỏ mà còn gặp phải nhiều khó khăn. Ví dụ, cá thể bạch tạng thường có vấn đề về thị lực và có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi bức xạ Mặt Trời nhiều hơn. Với toàn thân màu trắng, chúng cũng dễ bị động vật săn mồi phát hiện.
An Khang (Theo IFL Science)