Ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Đăk Lăk cho biết chính quyền địa phương đã khoanh vùng cách ly 400 người dân trong buôn Diêo - nơi bệnh nhân sinh sống. 13 người tiếp xúc gần với bệnh nhân, là chồng và con cháu, đã được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.
Bệnh nhân H'Buôn Dê bị sốt đã ba ngày, kèm đau họng, nuốt khó, ở nhà tự mua thuốc uống không bớt. Ngày 6/7, bệnh nhân đến Trung tâm Y tế huyện Lăk khám. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên hôm nay dương tính với bạch hầu.
Bệnh nhân làm nghề nông. Trước và trong thời gian bệnh bà không đi đâu xa, không tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu. Khu vực quanh nhà bệnh nhân không ghi nhận các ca bệnh tương tự.
"Huyện Lăk là vùng lõm, tỷ lệ tiêm chủng không đạt yêu cầu", ông Nay Phi La nói. Ông này không cho biết tỷ lệ tiêm chủng bạch hầu của địa phương là bao nhiêu. Thống kê của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, tỷ lệ tiêm chủng bạch hầu trung bình các tỉnh Tây Nguyên là 48-52%.
Chiều cùng ngày, Sở Y tế tỉnh Kon Tum ghi nhận thêm một ca bạch hầu nữa, nâng số ca trên địa bàn lên 23. Ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai cũng cho biết thêm 3 ca bạch hầu, tổng số ca lên 16. Cả 3 bệnh nhân mới đều là người làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đăk Đoa.
Như vậy Đăk Lăk là tỉnh thứ 4 Tây Nguyên xuất hiện bạch hầu, một ca. Gia Lai ghi nhận 16 ca, Đăk Nông 25 ca, Kon Tum 23. Tổng số ca bệnh bạch hầu ở Tây Nguyên là 65.
Trần Hóa