Ngày 7/7, bốn chốt kiểm soát dịch chặn các ngả vào làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đăk Đoa, Gia Lai. Hơn 1.400 người không được ra khỏi khu cách ly. Mọi giao dịch đều thực hiện ngay tại chốt. 13 người trong làng mắc bệnh bạch hầu, trong đó bé Vung, 4 tuổi đã mất, một người tình trạng nặng.
Bên trong khu cách ly, người dân Ba Na ban ngày thường phải ở trên nương rẫy, nay chỉ luẩn quẩn ở trong nhà mình để được nhân viên y tế cấp thuốc và hướng dẫn cách phòng dịch. Nhiều bố mẹ quát mắng con, không cho chúng chạy lông nhông ngoài đường hoặc nghịch đất bẩn, sợ lây bệnh.
"Chúng tôi cấm ba đứa con của tôi ra khỏi nhà, thỉnh thoảng chỉ cho chúng sang nhà bà ngoại chơi", anh Nhấp, 33 tuổi, vừa nói vừa nhìn sang nhà bên kia con đường đất đỏ - nơi họ hàng đang tổ chức tang lễ cho cháu Vung.
9 người gồm bố mẹ, họ hàng của cháu Vung đều mắc bạch hầu, đang điều trị tại bệnh viện. Chỉ còn khoảng 10 người bên nội ngoại đứng ra lo hậu sự cho cháu. Hàng xóm sợ bị lây bệnh, không ai dám đến thăm viếng.
Nửa tháng trước, sáng nào vợ chồng anh Nhấp cũng lên rẫy từ sớm, để ba đứa con trai 2 đến 9 tuổi ở nhà tự trông coi nhau. Đến trưa, bố mẹ về nhà không thấy chúng đâu cũng không sao, bởi "anh em nó chơi loanh quanh trong làng thôi, đói thì tự về".
Nay, vợ chồng anh Nhấp lo lắng, cả nhà uống thuốc phòng bạch hầu sáng tối đầy đủ. "Từ hôm cách ly, cả gia đình tôi ở trong nhà, nếu cần mua thức ăn chỉ cần ra quán tạp hóa giữa làng", anh Nhấp nói. Ba ngày nay anh không bước chân ra khỏi làng.
Bà Mai Thị Nhung, Bí thư xã Hải Yang, cho biết bé Vung xuất hiện triệu chứng sốt, ho, đau họng, trước khi đi thăm người thân ở tỉnh Kon Tum.
"Hiện chưa xác định được nguồn lây cho bé, không rõ có phải lây từ Kon Tum hay không", bà Nhung nói.
Cách tỉnh Gia Lai gần 300 km về phía Nam, là tỉnh Đăk Nông. Hơn một tháng trước, ngành y tế Đăk Nông ghi nhận bốn em bé tuổi 9-15 tại xã Đăk Sôr, huyện Krông Nô, nhập viện với triệu chứng sốt, ho, viêm họng, viêm mũi, nuốt đau, xuất hiện màng giả màu trắng ở vùng hầu họng, bác sĩ xác định mắc bệnh bạch hầu. Sau sáu ngày điều trị, các bệnh nhân ba lần xét nghiệm âm tính với bạch hầu. Nhà chức trách địa phương khoanh vùng cách ly, tiêm chủng.
Khi công tác dập dịch ở huyện Krông Nô vừa hoàn tất, ngày 19/6 bé gái 9 tuổi ở xã Quảng Hòa, huyện Đăk G'long nhập viện cấp cứu trong tình trạng ho, đau họng, khó thở... Một ngày sau, bệnh nhân tử vong, xác định bạch hầu biến chứng tim. Bốn đứa trẻ hàng xóm cũng bị lây nhiễm.
Sở Y tế Đăk Nông tiến hành cách ly 355 người thuộc cụm 2, thôn 6, xã Quảng Hòa. Chính quyền xã lập hai đội chốt chặn, cách ly toàn bộ các gia đình tại khu vực ổ dịch kéo dài suốt 10 ngày, điều trị dự phòng cho hơn 1.200 người.
Vài ngày sau khi ổ dịch ở xã Quảng Hòa bùng phát, cách đó khoảng 100 km, ở cụm dân cư 12, xã Đăk R'măng, huyện Đăk G'long xuất hiện một ổ dịch mới, với ba ca nhiễm, trong đó có một ca tử vong. Nhà chức trách lập chốt cách ly 307 người tại xã này.
Khi hàng rào cách ly hai ổ dịch vừa tháo dỡ, cuối tháng 6, huyện Đăk R'lấp tiếp tục ghi nhận thêm hai ca bạch hầu. Mở rộng điều tra, ổ dịch cũ ở hai huyện Krông Nô và Đăk G'long phát hiện thêm nhiều số ca dương tính. Đến nay, Đăk Nông đã ghi nhận tổng cộng 25 trường hợp nhiễm bạch hầu.
Tỉnh Kon Tum phát hiện 22 ca từ đầu năm đến nay. Hôm 26/6, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tiêm chủng bạch hầu ở các tỉnh Tây Nguyên bình quân 48-52%.
Trần Hóa