Bác sĩ Hà Đức Quang, khám ngày 8/3, cho biết bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn nhiều lần, biểu hiện bằng việc tinh hoàn hơi vặn xoắn, sau đó tinh hoàn tự tháo xoắn theo cơ chế tự nhiên. Tuy nhiên lần này, xoắn tinh hoàn quá chặt và không tự tháo xoắn được.
Kết quả khám lâm sàng nhận thấy tinh hoàn bệnh nhân treo cao, xoay trục, ấn vào đau nhói. Thừng tinh có điển xoắn, dấu hiệu xoáy nước điển hình, mất tín hiệu mạch máu nuôi dưỡng. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật.
Bác sĩ tìm vị trí xoắn và kiểu xoắn, sau đó dùng 2 bàn tay tháo xoắn tinh hoàn thành công cho bệnh nhân. Thao tác nhanh gọn trong vòng chưa đầy một phút. Sau mổ, sức khỏe bệnh nhân ổn định.
Xoắn tinh hoàn là hiện tượng thừng tinh bị xoắn quanh trục của nó, gây tắc nghẽn mạch máu nuôi tinh hoàn, dẫn đến phù nề, sung huyết và hoại tử tinh hoàn. Xoắn tinh hoàn có thể gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó 50% ở độ tuổi 16-21. Nguyên nhân gây bệnh thường do bất thường của dây chằng bìu tinh hoàn.
Bác sĩ cho biết, khoảng 50% các trường hợp xoắn tinh hoàn xảy ra trong lúc ngủ. Triệu chứng của xoắn tinh hoàn thường làm bệnh nhân bị đánh thức trong giấc ngủ bởi một cơn đau nhói ở bìu. Khi khám lâm sàng tinh hoàn bên xoắn treo cao hơn bên đối diện, kèm theo đau bìu là sưng bìu, đỏ vùng da bìu tương ứng, đau vùng bụng dưới và nôn.
Khi xoắn kéo dài nhiều giờ, bệnh nhân có thể có sốt và tăng bạch cầu. Bệnh thường hay chẩn đoán nhầm với viêm tinh hoàn, đó là nguyên nhân dẫn đến sự chẩn đoán chậm trễ và phải cắt tinh hoàn.
Tinh hoàn có khả năng phục hồi 83% khi xử lý sớm trước 6-8 giờ, 70% trước 10 giờ và sau 10 giờ chỉ còn 10%. Có 71-80% trường hợp xoắn tinh hoàn bị mất tinh hoàn vì phải cắt bỏ hoặc sau khi phẫu thuật bảo tồn, tinh hoàn vẫn teo.
Nhiều trẻ đến bệnh viện khi tinh hoàn đã bị hoại tử và buộc phải cắt bỏ. Trẻ bị cắt bỏ một tinh hoàn sẽ giảm 50% khả năng sinh con. Khi lớn, việc chỉ còn một tinh hoàn sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm lý.
Bác sĩ Quang khuyến cáo nam giới cần đi khám ngay khi có các triệu chứng đau đột ngột ở vùng bìu.