Giữa tháng 12/2022, khủng hoảng bắt đầu gõ cửa Binance khi hơn 900 triệu USD bị rút khỏi sàn trong vòng 24 giờ. Sau đó, CEO Changpeng Zhao (CZ) trấn an cộng đồng rằng công ty vẫn đủ thanh khoản và nguồn tiền dự trữ để ổn định hoạt động.
Tuy nhiên, dữ liệu Forbes thu thập được cho thấy tình hình của Binance tồi tệ hơn những gì CZ nói. Tính đến 10/1, Binance mất 12 tỷ USD trong chưa đầy 60 ngày, tương đương một phần tư tài sản của sàn. Binance chưa phản hồi về thông tin này.
Sự thiếu tin tưởng của các nhà đầu tư cũng thể hiện rõ khi nhìn vào biểu đồ giá của các token liên quan. Đồng Binance Coin (BNB) đã mất 29% giá trị trong hai tháng qua. Forbes ước tính số BNB sàn giữ còn lại khoảng 29 triệu token, ít hơn 50% so với tiết lộ trước đó của Binance. Trong khi đó, lượng stablecoin BUSD mà công ty nắm giữ cũng giảm 40%. Tài sản ròng của sàn giảm 24% kể từ tháng 11/2022 sau khi các nhà đầu tư lớn rót tiền vào những token như Matic, Ape và Gala đã giảm tài sản của họ trên sàn giao dịch xuống 40-50%.
Các chuyên gia lâu năm trong thị trường cho biết chính CZ đã góp phần vào sự sụp đổ của FTX hồi tháng 11. Nguyên nhân tỷ phú này đưa ra lúc đó là "vấn đề của FTX đã nằm ngoài tầm kiểm soát và khả năng giúp đỡ" do tình hình thu chi của công ty nghiêm trọng hơn những báo cáo trước đó. Tuy nhiên, các phân tích cho thấy sức khỏe tài chính của Binance cũng đang tương tự FTX trước khi sụp đổ.
Không riêng thảm họa FTX hay Luna, việc thiếu quy chuẩn trong phân loại tài sản trong ví đang là điểm yếu của các công ty tiền mã hóa. Có nhiều tranh cãi xoay quanh việc phát hành và tỷ lệ nắm giữ BNB của Binance. Hai tháng trước, công ty tuyên bố đang có trong tay 57 triệu BNB, tương đương 17 tỷ USD khi đó. Với giá thị trường hiện tại, giá trị đã giảm một phần ba. Tuy nhiên, báo cáo của Forbes cho thấy số BNB thực tế chỉ còn một nửa.
Ngoài ra, theo dữ liệu của Defillama, đà sụt giảm người dùng nắm giữ BUSD vẫn diễn ra đều đặn trên sàn. Từ 25/11 đến 14/12 năm ngoái đã có ít nhất một tỷ USD bị rút. Đến đầu tháng 1, một đợt hoán đổi khác khiến BUSD mất đi khoảng 3,45 tỷ USD. Cùng lúc đó, lượng tiền đổ vào các stablecoin đối thủ là USDT và USDC tăng lên 6,27 tỷ USD ngày 4/1.
Biến động này cho thấy các nhà đầu tư và người dùng đang hoán đổi một lượng lớn BUSD sang các stablecoin khác để phòng ngừa rủi ro. Nhiều cá voi trên thị trường như Jump Crypto và Wintermute đã âm thầm thực hiện các lệnh hoán đổi lớn hôm 12/12.
Một rủi ro khác với Binance là họ đã hoạt động mà không có giám đốc tài chính kể từ tháng 6/2021 khi Wei Zhou rời đi. Cuối năm ngoái, Binance thuê công ty Mazars kiểm tra số Bitcoin nắm giữ. Trong báo cáo ngày 7/12, Mazars phát hiện lượng Bitcoin mà Binance đang có thấp hơn lượng khách hàng gửi vào. Tuy nhiên, ngay sau đó Mazars xóa thông báo và dừng việc kiểm toán. CZ cũng lên Twitter khẳng định: "Bằng chứng dự trữ đã được kiểm toán minh bạch".
Điều này khiến giới chuyên gia phát đi cảnh báo rằng "sức khỏe tài chính" của Binance đang tồi tệ hơn nhiều so với những gì công ty thông báo. Đây có thể là tín hiệu mở đầu cho thấy rủi ro đang đến gần. Tương tự cú sập FTX hay Luna, tất cả đều bắt đầu khi có thông tin tài chính bất ổn xảy ra, sàn không đủ thanh khoản khi lượng bán tháo tăng vọt.
Binance đang là sàn giao dịch lớn nhất thế giới. Dữ liệu từ Coinmarketcap tính đến hết ngày 11/1 cho thấy trong vòng 24 giờ trước đó, khối lượng giao dịch trên sàn đạt trên 19,6 tỷ USD, trong khi sàn thứ hai Coinbase xử lý 2,5 tỷ USD giao dịch. Với quy mô và sức ảnh hưởng của mình, nhiều nhà phân tích tin CZ sẽ không để Binance đi vào vết xe đổ của FTX. Tuy nhiên, số khác lo ngại thị trường tiền mã hóa vốn quá mong manh và khó kiểm soát sau những cú sập liên tiếp, nên không có gì không thể xảy ra và người dùng cần chuẩn bị tâm lý cho những trường hợp xấu nhất.
Thảo Hiền (theo Forbes)