Washington Post dẫn nguồn tin từ văn phòng luật sư Mỹ cho biết, các công tố viên đã yêu cầu các công ty đầu tư phải cung cấp hồ sơ liên quan đến Binance những tháng gần đây. Sàn giao dịch lớn nhất thế giới bị Mỹ đưa vào tầm ngắm khi phát hiện những giao dịch bất thường. Các vi phạm đang được điều tra bao gồm: Chuyển tiền không có giấy phép; Âm mưu rửa tiền và Vi phạm lệnh trừng phạt hình sự.
Binance chưa đưa ra bình luận nào về thông tin trên.
Trước đó, tháng 9/2022, nguồn tin của Reuters cho biết, Bộ Tư pháp Mỹ nhắm đến tỷ phú Changpeng Zhao (CZ) trong cuộc điều tra chống rửa tiền. Các công tố viên liên bang đã yêu cầu sàn Binance tự nguyện giao những tin nhắn từ CZ cùng 12 giám đốc điều hành và các đối tác khác liên quan đến các giao dịch và việc phát triển người dùng tại Mỹ. Hồ sơ của Bộ Tư pháp cũng đề cập việc công ty này hướng dẫn "hủy tài liệu, thay đổi, xóa thông tin khỏi hệ thống Binance". Những nội dung "được chuyển đi từ Mỹ" cũng bị cơ quan chức năng nhắm tới. Công ty được yêu cầu cung cấp thông tin về bất kỳ giao dịch nào giữa sàn và người dùng liên quan đến mã độc tống tiền, khủng bố và thị trường darknet, cùng những mục tiêu bị trừng phạt của Mỹ.
Theo Đạo luật Bảo mật Ngân hàng Mỹ, các sàn giao dịch tiền điện tử phải đăng ký với Bộ Tài chính và tuân thủ các quy định chống rửa tiền nếu tiến hành hoạt động kinh doanh đáng kể ở Mỹ. Luật được thiết kế để bảo vệ hệ thống tài chính khỏi nguồn tài chính bất hợp pháp, người vi phạm có thể bị phạt tù lên đến 10 năm.
Patrick Hillmann, Giám đốc chiến lược của Binance, thừa nhận với Washington Post rằng công ty đã có những lỗ hổng trong việc tuân thủ quy định những năm đầu tiên. Để hoạt động tốt hơn, Binance đã trở thành một trong những thành viên đầu tiên của Hiệp hội các chuyên gia về lệnh trừng phạt được chứng nhận (ACSS). Hôm 6/1, công ty cho biết họ có riêng một nhóm để tham gia các khóa đào tạo của ACSS và các hướng dẫn của Bộ Tài chính Mỹ.
Gần đây công ty cũng tham gia nhóm vận động hành lang tiền điện tử liên quan đến Phòng Thương mại Kỹ thuật số. Nhóm này ủng hộ nhiều chính sách công, bao gồm cân bằng thuế đối với tài sản kỹ thuật số, quy định chống rửa tiền, trao đổi tiền điện tử, tăng cường giáo dục, nghiên cứu về tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC).
Chagri Poyraz, đứng đầu bộ phận trừng phạt toàn cầu của Binance, cho biết: "Ngành công nghiệp blockchain vẫn đang trong những năm đầu phát triển và ưu tiên của chúng tôi là tiếp tục duy trì mức độ tuân thủ cao nhất trong bối cảnh tăng trưởng nóng".
Theo Coin Telegraph, Binance là sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới, hiện diện ở hơn 100 quốc gia. Bất chấp những nỗ lực của sàn, một số nhà hoạch định chính sách toàn cầu cho rằng sàn giao dịch này có dấu hiệu vi phạm luật và biện pháp trừng phạt chống rửa tiền. Thông tin này cũng tác động xấu đến người dùng. Lần gần nhất hồi giữa tháng 12/2022, một cuộc bán tháo lớn diễn ra trên sàn khi thông tin CZ bị chính phủ Mỹ điều tra được Reuters đăng tải.
Khương Nha (theo Washington Post, CoinTelegraph)