Thái độ lạnh nhạt của Bình Nhưỡng với Seoul gần đây được cho là sự thay đổi chóng mặt, khi mới chỉ năm ngoái, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un còn cùng ngồi trên xe mui trần, vẫy tay với hàng nghìn người dân trên đường phố Bình Nhưỡng rồi cùng nhau lên núi thiêng Paektu, chuyến đi mà Moon ca ngợi là "giấc mơ từ lâu chưa thành".
Từ khi nhậm chức, Tổng thống Moon luôn theo đuổi chính sách hàn gắn với Triều Tiên và đưa ra nhiều lời hứa hẹn với quốc gia láng giềng phía bắc, đồng thời thuyết phục sự ủng hộ từ người đồng cấp Mỹ Donald Trump.
Lãnh đạo Hàn - Triều đã gặp mặt 4 lần trong vòng hai năm qua, ký kết các thỏa thuận, cam kết hợp tác và phi quân sự hóa những khu vực biên giới được canh phòng nghiêm ngặt giữa hai nước.
Tuy nhiên, chừng đó dường như chưa đủ với Bình Nhưỡng. Họ đã ngừng thảo luận với Seoul, thậm chí không chịu lắng nghe trong những tháng gần đây, khiến mối quan hệ "chớm nở" giữa Moon và Kim đứng bên bờ vực sụp đổ.
Cheong Seong-chang, nhà phân tích tại Viện Sejong ở Seoul, Hàn Quốc, cho biết Triều Tiên tin rằng nếu thực sự ủng hộ họ, chính quyền của Moon "sẽ chấm dứt các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn như họ yêu cầu, đồng thời ngừng nhập khẩu tiêm kích tàng hình có khả năng tấn công Triều Tiên mà không bị phát hiện".
Triều Tiên liên tục phản đối gay gắt việc Hàn Quốc quyết định mua thêm tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ, cũng như các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn trong năm nay, dù một số đợt tập trận đã được thu hẹp quy mô hoặc bị hủy. Bình Nhưỡng cho rằng những động thái này cản trở nỗ lực kiến tạo hòa bình và đáp trả bằng cách cắt liên lạc với Seoul, đồng thời đe dọa "gạch tên" nước láng giềng khỏi các cuộc đàm phán hạt nhân với Washington.
"Theo quan điểm của Bình Nhưỡng, Seoul hoàn toàn không ủng hộ họ", chuyên gia Cheong giải thích.
Giới chức hai miền bán đảo chưa từng công khai xác nhận đường dây nóng nối giữa Nhà Xanh với Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên, giúp kết nối lãnh đạo hai nước, đã từng được sử dụng hay chưa. Theo giới chuyên gia, câu trả lời là chưa. Chính quyền Triều Tiên còn từ chối đề nghị hỗ trợ nhân đạo và không đồng ý gặp mặt Hội Chữ thập Đỏ Hàn Quốc. Một quan chức giấu tên Hàn Quốc thừa nhận khó có thể coi Triều Tiên đang hợp tác hoặc hòa giải với họ.
Choi Moon-soon, tỉnh trưởng tỉnh Gangwon của Hàn Quốc, địa phương nằm sát biên giới với Triều Tiên, cho rằng hai nước cần có thêm thời gian. Theo ông Choi, chìa khóa để đạt mục tiêu này là nối lại tour du lịch tới khu nghỉ dưỡng trên núi Kumgang ở Triều Tiên, chỉ cách khu phi quân sự liên Triều (DMZ) nửa giờ lái xe.
Kumgang từng là dự án khai thác du lịch chung tấp nập giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, được ví như biểu tượng cho sự thống nhất giữa hai miền cùng với khu công nghiệp chung Kaesong, dự án không còn tồn tại. Tuy nhiên, vẻ đẹp và sự yên bình của nơi đây trái ngược với bối cảnh chính trị hỗn loạn bao trùm nó.
Sau 10 năm vận hành, Seoul tuyên bố hủy các chuyến tham quan tới Kumgang vào năm 2008 do binh sĩ Triều Tiên bắn chết một du khách Hàn Quốc. Bình Nhưỡng tuyên bố người phụ nữ này đã xâm phạm khu vực quân sự hạn chế.
Moon và Kim nhất trí mở cửa lại khu nghỉ dưỡng Kumgang và khu công nghiệp chung Kaesong tại hội nghị thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng hồi tháng 9/2018. Lãnh đạo Triều Tiên thậm chí đã công bố quyết định này với người dân, việc mà ông thường chỉ làm khi chắc chắn về mọi thứ.
Choi Moon-soon cùng Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul đã nỗ lực vận động nhằm nối lại các tour tới Kumgang, lập luận rằng ngành du lịch được miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên.
Tuy nhiên, Choi cho rằng Bình Nhưỡng đang tức giận với Seoul và dường như Tổng thống Moon không giữ được thỏa thuận với nước láng giềng. "Kể từ Thế vận hội Mùa đông ở Pyeongchang, đã có 6 hội nghị thượng đỉnh được tổ chức. Chúng đều hào nhoáng với những nụ cười, cú bắt tay, cái ôm nồng ấm cùng nhiều lời hứa to lớn, nhưng chẳng có gì xảy ra. Triều Tiên giận dữ vì điều đó", quan chức nói.
Kim hồi tháng 10 tới thăm núi Kumgang và chỉ trích khu nghỉ dưỡng tại đây "tồi tàn, lạc hậu", nói thêm rằng việc coi địa điểm này như biểu tượng của mối quan hệ liên Triều là "quan niệm sai lầm". Ông tuyên bố các tòa nhà do Hàn Quốc xây phải bị phá hủy và xây lại theo cách hiện đại hơn bằng phương pháp của Triều Tiên.
Giới chuyên gia đánh giá chuyến thăm Kumgang của Kim là một cách gây áp lực lên Moon, nhằm buộc Seoul đơn phương dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Tổng thống Hàn Quốc không sẵn sàng thực hiện điều này nếu không nhận được "cái gật đầu" từ Mỹ.
Tổng thống Trump cũng không "bật đèn xanh" với ý tưởng mở cửa lại khu du lịch Kumgang. Hồi tháng 4, ông chủ Nhà Trắng cho biết vẫn chưa tới "thời điểm thích hợp" để trao các nhượng bộ kinh tế cho Triều Tiên. Washington lo ngại Bình Nhưỡng có thể sử dụng lợi nhuận thu được từ khu nghỉ dưỡng để tài trợ cho các chương trình hạt nhân và tên lửa, đồng thời muốn giữ vững mục tiêu gây sức ép tối đa để buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Choi từng đề nghị Triều Tiên cho phép ông đưa hàng trăm nhà đầu tư tiềm năng sang khu vực phía bên kia biên giới của núi Kumgang. Tuy nhiên, tương lai đối với đề nghị của ông trở nên mơ hồ, khi "hạn chót cuối năm" mà Triều Tiên đặt ra cho Mỹ để "thay đổi cách tính toán hiện tại" trong đàm phán hạt nhân đang cận kề.
Choi cũng tới gặp các quan chức trong chính quyền Trump ở Washington để trình bày về kế hoạch nối lại tour du lịch núi Kumgang. Ông cho biết phía Mỹ đã lắng nghe, nhưng không đồng ý tại thời điểm này. Cũng như các nhà phân tích, ông băn khoăn rằng liệu Washington có tin vào sự nghiêm túc của Bình Nhưỡng khi đặt ra thời hạn cuối năm hay không.
Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun hôm 16/12 tới Hàn Quốc nhằm nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán bị đình trệ trong bối cảnh căng thẳng giữa Bình Nhưỡng với Seoul và Washington tiếp tục gia tăng. "Đã đến lúc chúng ta thực hiện nhiệm vụ của mình. Hãy hoàn thành chúng", Biegun phát biểu. Tuy nhiên, ông đánh giá hạn chót của Triều Tiên chỉ là "ngụy tạo".
Một số chuyên gia lo ngại Triều Tiên có thể trở thành nguyên nhân gây chia rẽ chính quyền của Moon và Trump do Seoul tập trung hơn vào vấn đề hòa giải, trong khi Washington chỉ chú trọng tới thỏa thuận hạt nhân.
"Mỹ chưa bao giờ hoàn toàn ủng hộ tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên", Adam Mount, chuyên gia cấp cao tại Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ trụ sở ở Washington, đánh giá. "Washington sẽ đạt được một số lợi ích thực sự nếu làm vậy. Tuy nhiên, Triều Tiên về cơ bản đã chia các cuộc đàm phán thành hai nhánh khác nhau và có vẻ như gây ra xích mích giữa Mỹ và Hàn Quốc".
Choi giờ đây lo lắng các bên không đủ thời gian để đàm phán thành công. Trong vai trò giám đốc điều hành đài MBC hồi năm 2008, Choi đã giúp đưa dàn nhạc giao hưởng New York tới Bình Nhưỡng, một chuyến đi được cho là mang tính đột phá và mất tới hai năm để thương lượng.
"Tại thời điểm này, thời gian quá ngắn ngủi", Choi nói.
Ánh Ngọc (Theo CNN)