Kể từ khi Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, ngày càng có nhiều người ủng hộ ông tới thăm Tháp Trump, nơi ông sống và làm việc tại đại lộ số 5, khu Midtown thuộc quận Manhattan, New York. Họ đến và tạo dáng chụp ảnh kỷ niệm hay chỉ đơn giản là ngước nhìn Tháp Trump cao chót vót. Sarah Britcher, 29 tuổi, giáo viên từ bang Tây Virginia, cho biết cô và bạn bè vừa có chuyến mua sắm ở khu Midtown và xem việc ghé thăm Tháp Trump là điều không thể thiếu.
"Nó giờ đây dường như trở thành một tòa nhà quan trọng hơn so với trước kia. Chúng tôi chỉ muốn chắc rằng chúng tôi có thể đi ngang qua và ngắm nó", Britcher nói. Nhưng một người đi đường lại trút cơn tức giận vào bạn cô. "Tôi chỉ muốn ném cái gì đó vào nó", người này nói.
Theo New York Times, Trump lâu nay vẫn là nguồn cơn gây bực bội trong mắt nhiều người dân New York. Tuy nhiên, mối xung khắc giữa họ với ông lên một cao trào mới kể từ ngày 8/11 khi ông biến Tháp Trump thành đại bản doanh diễn ra các hoạt động chuyển giao quyền lực ồn ào.
Với kế hoạch duy trì hiện diện ở New York sau khi nhậm chức tổng thống vào tháng một tới đây, ông Trump đang kích động một tình thế đối đầu chưa từng thấy trong nền chính trị Mỹ hiện đại, giữa một tổng thống muốn bám lại thành phố quê hương cũng như khao khát tình yêu của nó và một thành phố chỉ muốn ông biến mất.
Theo các quan chức thành phố New York, chi phí an ninh để bảo vệ tỷ phú Mỹ khi ông sống tại tòa nhà chọc trời của mình đã gây ra xung đột giữa chính quyền thành phố và Trump. Thành phố New York ước tính phải chi đến 35 triệu USD để bảo vệ Tháp Trump trước ngày ông nhậm chức tổng thống.
"Như thể Giáo hoàng đang lưu trú ở đó vậy", Michael A.L. Balboni, cựu nghị sĩ bang New York, so sánh.
Bị cử tri New York gạt bỏ
Theo bình luận viên Alexander Burns từ New York Times, cuộc tranh cãi về chi phí an ninh chỉ là màn khởi động cho cuộc đối đầu giữa tổng thống đắc cử Mỹ và thành phố New York. Không giống như bao tổng thống Mỹ khác, Trump không phải người hùng ở thành phố nơi ông gây dựng sự nghiệp và thanh thế. Hillary Clinton, đối thủ của Trump trong cuộc bầu cử tổng thống, đã đánh bại ông tại bang New York với cách biệt lớn. Bà cũng thắng Trump ở tất cả các quận thuộc New York, ngoại trừ quận Staten Island.
Trong vòng bỏ phiếu sơ bộ, cử tri quận Manhattan thậm chí còn bỏ rơi ông khi họ dành đa số phiếu cho ứng viên John R. Kasich, thống đốc bang Ohio, một người ở thế thua trong cuộc chạy đua giành tấm vé đại diện đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, Trump vẫn nuôi hy vọng sẽ thắng ở New York trong cuộc bầu cử tổng thống. Vào thời khắc biết mình chiến thắng trong đêm bầu cử, nhà tài phiệt đã bày tỏ nỗi thất vọng với những người bạn về việc thất cử tại bang New York với số phiếu thấp hơn đối thủ đến 20 điểm phần trăm.
Alexander Burns nhận định đối với nhiều người dân New York, việc Trump tiếp tục hiện diện ở đây sau khi đắc cử tổng thống giống như vết thương nhức nhối hơn là một niềm tự hào.
Trong khi Trump gây sự chú ý tại tòa Tháp Trump với những cuộc tiếp đón các đoàn ngoại giao và ứng viên cho ghế bộ trưởng trong chính quyền mới, các lãnh đạo thành phố New York đã nổi cơn thịnh nộ và thề sẽ cản trở chương trình nghị sự của ông. Bill de Blasio, thị trưởng thành phố New York, một thành viên đảng Dân chủ, đã đến tận cửa vào Tháp Trump để công khai chỉ trích chủ nhân tòa nhà này.
Thời điểm cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ bước vào cao trào, những người phe Dân chủ và các cơ quan lập pháp New York đã tìm cách gỡ bỏ tên Trump khỏi một công viên trong thành phố và hủy các hợp đồng ký kết với ông. Nhưng kế hoạch trên đã thất bại.
Từ ngày bầu cử, ba tòa chung cư ở phía tây quận Manhattan đã gỡ bỏ các ký tự màu vàng trong tên Trump ở lối vào sau khi hàng trăm người dân sinh sống tại đây ủng hộ một kiến nghị xóa bỏ thương hiệu Trump khỏi các tòa nhà của họ.
Chiến thắng mà ông Trump đạt được còn châm ngòi cho những cuộc biểu tình giận dữ suốt nhiều ngày ở khu Midtown, nơi những người biểu tình hô vang câu khẩu hiệu: "New York ghét Trump".
Gắn bó với Tháp Trump
Dù trở thành tổng thống, Trump vẫn không có ý định rời hẳn tòa tháp, những người bạn ông cho biết. Bất chấp việc người dân New York có suy nghĩ tiêu cực về Trump, người ủng hộ trên cả nước vẫn ngưỡng mộ hình ảnh lập nghiệp thành công của ông và xem Trump như hiện thân cho tham vọng, thịnh vượng và quyền lực ở thành phố New York. Không bất động sản nào có thể truyền tải ấn tượng đó mạnh mẽ hơn Tháp Trump, theo New York Times.
Với cách bài trí mang nét đế vương xa xỉ, nơi ông Trump sống ở Manhattan giống một lâu đài do một hoàng đế châu Âu sở hữu hơn là một dinh lũy điển hình của tổng thống.
Hiện chưa có thông tin cuối cùng về cách thức Trump phân chia thời gian làm việc sau khi nhậm chức nhưng ông đã trao đổi với bạn bè cùng các cố vấn rằng nhiều khả năng ông sẽ thường xuyên ghé về căn hộ áp mái ở Tháp Trump và thăm những bất động sản khác, đặc biệt là dinh thự Mar-a-Lago ở Palm Beach, bang Florida, hay Câu lạc bộ golf Quốc gia Trump ở Bedminster, bang New Jersey.
Phu nhân của Trump, bà Melania, và con trai út Barron dự kiến ở lại New York trong một thời gian, để Barron hoàn thành chương trình học hiện tại. Điều này có thể khiến tống thống Mỹ tương lai quyết định duy trì hiện diện ở New York lâu hơn.
John Jay LaValle, chủ tịch đảng Cộng hòa tại hạt Suffolk, New York, một người thường xuyên lên tiếng bảo vệ Trump trên những chương trình truyền hình, cho hay các đồng minh cũng dự đoán ông sẽ thường xuyên xuất hiện ở New York.
Hai con trai lớn kiêm cố vấn thân cận cho Trump, Donald Jr. và Eric, dự kiến tiếp tục sống ở New York. Ivanka, con gái lớn của ông, có thể dọn đến Washington và phân chia thời gian sống giữa Washington và New York. Mặt khác, Trump vẫn chưa cắt đứt mối quan hệ tài chính với doanh nghiệp bất động sản mang tên ông, đang tọa lạc tại Tháp Trump.
"Ông ấy sẽ hiện diện rất nhiều tại New York cũng như ở Washington. Không quá khó tin khi nói rằng sẽ xuất hiện một Nhà Trắng mới ở phía bắc", ông LaValle nói, ám chỉ Tháp Trump.
Lo ngại xáo trộn
Đối với những người New York không ưa Trump, viễn cảnh về các chuyến thăm thường xuyên của ông đến thành phố khiến họ bất an bởi nhiều lý do, trong đó có nguy cơ biểu tượng của New York với tư cách trung tâm tài chính - kinh doanh bị ảnh hưởng. Họ ái ngại về cảnh tượng các đường hầm phải đóng cửa và giao thông bị hạn chế để đoàn xe chở ông Trump có thể di chuyển thuận tiện ở Midtown. Nhiều tuyến đường cũng đối diện nguy cơ bị phong tỏa, nhường không gian cho các nhân viên mật vụ. Và những cuộc biểu tình ầm ỹ sẽ thường xuyên xảy ra tại Manhattan.
Thị trưởng Blasio cùng các thành viên hội đồng thành phố New York đã phàn nàn về gánh nặng chi phí an ninh cho Tháp Trump và yêu cầu chính quyền liên bang hoàn trả New York phí bảo vệ ông Trump dự kiến lên đến 35 triệu USD.
Chủ tịch hội đồng thành phố New York Melissa Mark-Viverito, thành viên đảng Dân chủ, đã nổi giận trước kế hoạch hiện diện của ông ở Tháp Trump khi ngồi ghế tổng thống. "Tôi thấy thật quá đáng nếu tổng thống xem công việc của ông như kiểu bán thời gian và được về nhà vào cuối tuần", Viverito nói.
Bà Gale A. Brewer, chủ tịch quận Manhattan, khuyên nhà tài phiệt New York nên rời Tháp Trump, đồng thời miêu tả sự xáo trộn mà Trump gây ra là "chưa có tiền lệ".
"Chưa từng có tổng thống nào sống trong một tòa nhà với rất nhiều người xung quanh ngay ở một đại lộ đông đúc không tưởng tượng nổi của một thành phố 8 triệu rưỡi dân. Theo tôi, cả gia đình Trump nên dọn đến Washington càng sớm càng tốt. Ở đó cũng có những trường tư thục rất ổn cho con ông ấy", bà Brewer bình luận.
Giới chuyên gia an ninh cũng cho rằng mối đe dọa mà New York phải giải quyết giờ đây vượt ra khỏi phạm vi Tháp Trump, vươn đến hàng chục bất động sản mang thương hiệu Trump nằm rải rác trên khắp thành phố. Ông Balboni lưu ý những tên khủng bố trong nước có thể âm mưu tấn công các bất động sản của Trump.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang New York Daniel L. Squadron, người gần đây vận động gỡ bỏ tên Trump khỏi một công viên nhỏ ở ngoại thành phố, cảnh báo: "Chỉ đơn giản là người New York và tổng thống Mỹ không có nghĩa New York sẽ tự hào về ông".
Hồng Vân