Khi ngọn lửa trên mái vòm nhà thờ Đức Bà Paris vừa tắt, những lời kêu gọi quyên góp để phục dựng công trình hơn 850 tuổi này được đưa ra và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của hàng loạt tỷ phú của nước Pháp và trên thế giới. Gần một tỷ USD đã được các mạnh thường quân cam kết đóng góp để hưởng ứng nỗ lực xây lại nhà thờ trong vòng 5 năm của Tổng thống Emmanuel Macron.
Đi đầu trong số đó là François-Henri Pinault, người giàu thứ hai nước Pháp, với số tiền quyên góp 100 triệu euro (112 triệu USD). Ngay sau đó, CEO tập đoàn sản xuất đồ xa xỉ LVMH Bernard Arnault tuyên bố sẽ ủng hộ 200 triệu euro (224 triệu USD) cho nỗ lực khôi phục nhà thờ Đức Bà. Arnault là tỷ phú giàu nhất châu Âu và là người giàu thứ tư trên thế giới.
Nhưng cũng gần như ngay lập tức, dư luận nước Pháp và trên thế giới bùng lên cuộc tranh luận về số tiền đóng góp ồ ạt đổ về cho nhà thờ Đức Bà. Nhiều người cáo buộc những khoản quyên góp hào phóng của các tỷ phú chỉ là hành động "đạo đức giả" để khoe mẽ, thậm chí để né thuế. Số khác cho rằng số tiền quyên góp như vậy là quá lớn cho một sự cố không có người chết, trong khi rất nhiều dân nghèo ở Pháp và trên thế giới đang chật vật mưu sinh, thậm chí cận kề với nạn đói.
"Chỉ trong vài giờ, 650 triệu euro đã được tài trợ cho dự án xây lại nhà thờ Đức Bà", nhà báo Nam Phi Simon Allison viết trên Twitter. "Thế mà suốt 6 tháng, người ta chỉ quyên được 15 triệu euro khôi phục Bảo tàng Quốc gia Brazil. Tôi cho rằng đây chính là thứ mà họ gọi là đặc quyền của người da trắng". Bảo tàng Quốc gia Brazil ở Rio de Janeiro từng bị thiêu rụi trong đám cháy hồi tháng 9 năm ngoái.
Stephen Pope, chuyên gia về thị trường đang làm việc tại công ty tư vấn Spotlight Ideas, cho rằng những lời công kích nhắm vào hành động quyên góp của các tỷ phú như vậy là hành động vô nghĩa, phần nào thể hiện thái độ "ghen ăn tức ở" cả về kinh tế lẫn chính trị. Ông chỉ ra rằng những người như ông chủ tập đoàn LVMH đang tạo ra công ăn việc làm cho 136.633 người.
Phần lớn những lời chỉ trích nhắm vào các tỷ phú như Pinault và Arnault đều cho rằng những người giàu có sẵn sàng chi ra số tiền lớn như vậy cần bị đánh thuế cao hơn và doanh nghiệp của họ phải nộp thuế nhiều hơn, chính phủ Pháp cũng nên điều chỉnh chính sách thuế thu nhập với họ.
"Các tỷ phú cần phải đóng thuế chứ không phải quyên góp tiền tùy hứng và hưởng lợi từ việc được giảm trừ nộp thuế cho số tiền từ thiện", nhà kinh tế học Julia Cage viết trên Twitter. Philippe Martinez, chủ tịch công đoàn thương mại CGT, thì cho rằng nếu các đại gia có thể chi ra hàng chục triệu euro để xây lại nhà thờ Đức Bà, "họ phải ngừng nói với chúng ta rằng họ không có tiền giúp đỡ các nhu cầu khẩn cấp của xã hội".
Pope cho rằng những lời kêu gọi tăng thuế với người giàu như vậy thể hiện nỗi bất bình về khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng ở nước Pháp, được thể hiện qua phong trào biểu tình Áo vàng suốt nhiều tháng qua. Tuy nhiên, những lời chỉ trích rằng các tỷ phú "trốn thuế" bằng cách quyên tiền cho dự án xây lại nhà thờ Đức Bà và đề xuất tăng thuế đối với doanh nghiệp của họ đều không có cơ sở.
Ông chỉ ra rằng trong số các nền kinh tế lớn nhất khu vực Eurozone và trên thế giới, Pháp đang là quốc gia áp mức thuế thu nhập cá nhân cao nhất, với mức tối đa là 49%, trong khi Đức là 47,475%, còn Italy là 45,8%. Thuế thu nhập doanh nghiệp của Pháp đang được duy trì ở mức 30%, chỉ thấp hơn Đức (33%), nhưng cao hơn nhiều so với Mỹ (21%) và Anh (19%).
Trong khi đó, tỷ lệ tăng trưởng GDP của Pháp chỉ ở mức 1%, thấp hơn so với mức 1,4% của Anh và 3% của Mỹ. Từ số liệu trên, Pope cho rằng những quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng cao hơn trên thực tế lại đang áp dụng mức thuế thấp hơn.
Theo ông, tăng trưởng chứ không phải đóng thuế mới là chìa khóa cho phát triển kinh tế. Việc một quốc gia áp đặt gánh nặng thuế khóa quá lớn sẽ khiến các nhà đầu tư giàu có tháo chạy, đẩy nền kinh tế đó vào tình trạng tồi tệ hơn.
Các tỷ phú như Pinault và Arnault chỉ đầu tư khi công việc làm ăn tạo ra lợi nhuận và họ trả lương cho những công nhân đáp ứng yêu cầu về công việc được giao. Điều đó tạo ra môi trường cạnh tranh thúc đẩy người làm công nỗ lực không ngừng để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống và góp phần xóa đói giảm nghèo. Bởi vậy, lập luận cho rằng họ nên chi hàng trăm triệu USD "cho người nghèo" thay vì đóng góp cho dự án khôi phục nhà thờ Đức Bà chỉ phản ánh cách nhìn thiển cận, Pope nhận định.
Trên thực tế, những quốc gia đánh thuế thấp vào doanh nghiệp mới là nơi có số tiền được dùng cho từ thiện nhiều nhất. Theo báo cáo thường niên của Giving USA về công tác từ thiện, các mạnh thường quân ở Mỹ quyên góp cho các tổ chức từ thiện tới 410,2 tỷ USD trong năm 2018, mức kỷ lục trên thế giới.
Chính phủ Anh hồi tháng 2 đưa ra sáng kiến Beacon Collaborative để khuyến khích người giàu chi nhiều tiền hơn cho mục đích từ thiện và tăng số tiền đóng góp cho hoạt động thiện nguyện lên gần 5,2 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, bảng đánh giá do quỹ Charities Aid công bố dựa trên khảo sát của Gallup cho thấy Pháp đứng thứ 91 trong danh sách những quốc gia hào phóng nhất cho việc từ thiện.
Trước làn sóng chỉ trích ngày càng lan rộng nhắm vào các tỷ phú quyên góp cho dự án khôi phục nhà thờ Đức Bà, Bộ trưởng Văn hóa Pháp Franck Riester hôm qua đã phải lên tiếng bác bỏ những yêu cầu đòi chi số tiền này cho người nghèo. "Cuộc tranh luận rằng quá nhiều tiền cho nhà thờ Đức Bà trong khi rất nhiều người cần chúng là vô nghĩa, bởi dĩ nhiên lúc nào chúng ta cũng cần tiền cho hệ thống phúc lợi xã hội, cho y tế, cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu", ông nói. "Hãy để cho những hành động thể hiện sự hào phóng tuyệt vời này tiếp tục hành trình của nó".
Bộ trưởng Riester khẳng định nhà thờ Đức Bà Paris không phải là "những tảng đá cổ vô tri vô giác". "Đó là một phần bản sắc của chúng ta, là văn hóa của nước Pháp và cả châu Âu", ông nhấn mạnh.
Những tranh cãi về số tiền quyên góp phần nào ảnh hưởng tiêu cực đến lời kêu gọi đoàn kết của Tổng thống Macron, trong bối cảnh nước Pháp ngày càng chia rẽ về nhiều vấn đề, đặc biệt là chính sách thuế xăng dầu và bất công xã hội. Chúng cũng đẩy các tỷ phú vào tình cảnh "dở khóc dở cười", buộc họ phải lên tiếng tự bảo vệ mình trước những lời chỉ trích ác ý.
Cả Arnault và Pinault đều phải ra tuyên bố khẳng định họ không tìm cách hưởng lợi về thuế khi chi ra số tiền tài trợ lớn cho nỗ lực xây lại nhà thờ Đức Bà. Trao đổi với các cổ đông, Arnault thông báo rằng công ty của ông đã được hưởng mức khấu trừ thuế tối đa từ các khoản đóng góp từ thiện trước đây.
"Đó là cuộc tranh luận tốn công vô ích", Arnault nói. "Thật buồn khi nhận ra rằng ở nước Pháp, bạn có thể bị chỉ trích ngay cả khi làm điều gì đó vì lợi ích chung".
Thành Nguyễn (Theo Forbes, The Local)