![]() |
Một gia đình Hoa kiều ở Đông Nam Á. |
Loh Yee Leng, cô gái 21 tuổi có gương mặt rất sáng sủa và liên tục được xếp học lực loại A (giỏi), hoàn toàn có thể trở thành sinh viên đại học ở bất kỳ nước nào. Nhưng tại Malaysia, điểm không phải là tiêu chí duy nhất để vào đại học. Còn một tiêu chí nữa: sắc tộc.
Chỉ một số ít trường công ở Malaysia mở cửa tiếp nhận sinh viên gốc Hoa, trong khi người Hoa chiếm tới 26% dân số đất nước. Nói chung, các trường đại học phải “xí chỗ” cho dân bản địa, mặc dù điểm của họ thường thấp hơn. Năm học 2001-2002, có tới vài trăm học sinh Hoa kiều xuất sắc, trong đó có Loh Yee Leng, bị ban giám hiệu các trường đại học từ chối, trong khi 10.000 chỗ dành cho người Malaysia vẫn bị bỏ trống vì thí sinh không đủ điểm.
Quy định đặt “hạn ngạch” căn cứ vào sắc tộc ở các trường đại học Malaysia chỉ là một phần trong chính sách nâng đỡ dân bản địa, áp dụng đã 30 năm nay. Ngoài giáo dục, người Malaysia còn được hưởng đặc quyền đặc lợi trong nhiều lĩnh vực quan trọng khác như kinh doanh, bất động sản và lấn át người Hoa trong các ngành dân chính. Tình hình ở Indonesia cũng tương tự. Nhiều năm qua, cộng đồng bản địa hưởng đủ quyền lợi trong các lĩnh vực kinh doanh, nhà đất, còn người Hoa luôn bị “cho ra rìa”.
Chính phủ các nước Đông Nam Á như Malaysia và Indonesia coi những chính sách phân biệt này là cần thiết và tích cực, có tác dụng hỗ trợ dân bản địa trước sức mạnh kinh tế của người Hoa. Nói chung, xã hội Đông Nam Á có một bản khế ước không thành văn, theo đó, Hoa kiều phải hy sinh những quyền lợi nhất định để được chấp nhận là công dân nước mình cư ngụ. Ngay từ 80 năm về trước, Quốc vương Thái Lan Rama VI đã gọi người Trung Quốc là “dân Do Thái ở phương Đông”. Cũng như dân Do Thái bên phương Tây, ở đây Hoa kiều bị phân biệt đối xử, hay bị ghen ghét vì có nhiều tài sản. Tại Manila (Philippines), người Hoa thường xuyên là đối tượng của bọn bắt cóc.
Quả thực, Hoa kiều là tầng lớp thương nhân làm ăn rất thành công ở Đông Nam Á, nắm trong tay cổ phiếu của một loạt công ty được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Thống kê cho thấy họ sở hữu hơn 80% cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Thái Lan và Singapore, 62% ở Malaysia, 50% ở Philippines. Còn tại Indonesia, người Hoa nắm trên 70% tổng số tài sản công ty.
Một chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á, Giáo sư Amy Freedman, Đại học Franklin and Marshall (Mỹ), cho rằng thái độ chèn ép, phân biệt đối xử nhằm vào người Hoa xuất phát từ niềm tin cố hữu và phổ biến rằng dân Trung Quốc sinh ra đã là những thương nhân tài giỏi. Theo bà, thực ra điều này xuất phát từ nguyên nhân lịch sử. “Thực dân đã sử dụng các môi giới người Hoa trong nhiều lĩnh vực, vì thế khi chủ nghĩa thực dân chết đi, Hoa kiều đương nhiên có hiểu biết và lợi thế trong hoạt động kinh doanh hơn người bản địa”.
Để hạn chế sức mạnh của người Hoa, chính phủ các nước Đông Nam Á đặc biệt khuyến khích đồng hóa. Ở Thái Lan chẳng hạn, người thiểu số Trung Quốc phải đổi tên mình thành tên Thái nếu muốn nhập quốc tịch.
Phân biệt sắc tộc đã mang lại những bi kịch đẫm máu. Tại Indonesia, tâm lý thù ghét người Hoa khiến họ bị biến thành mục tiêu của bạo lực. Tháng 5/1998, những phần tử cực đoan đã cướp bóc, đốt tài sản của Hoa kiều, tấn công nhiều người trong số họ. Gần 170 phụ nữ gốc Trung Quốc bị cưỡng dâm, hậu quả là 20 người chết. Trước đó, vào năm 1965, hàng chục nghìn người Hoa bị giết hại trong phong trào chống Cộng ở Indonesia. Sau sự kiện này, các trường dạy tiếng Trung Quốc bị đóng cửa, chữ viết Trung Quốc bị cấm. Chính quyền cũng cấm người Hoa tổ chức những ngày lễ, tết truyền thống, hạn chế nói tiếng Trung Quốc ở nơi công cộng. Các quan chức cho rằng ngôn ngữ Trung Quốc đối với người Indonesia cũng “nguy hiểm như vũ khí”.
Mãi đến thời cựu tổng thống Abdurrahman Wahid, tình hình mới dễ thở hơn cho người Hoa ở Indonesia - họ được phép sử dụng chữ viết của mình và kỷ niệm những ngày lễ, tết truyền thống. Điều này chứng tỏ nền văn hóa Trung Quốc, trải qua bao sóng gió đàn áp, vẫn “bền bỉ như măng tre”, theo lời một lãnh tụ cộng đồng người Hoa.
Đối với gần 20 triệu người gốc Hoa ở khu vực Đông Nam Á, được sống bình yên, không bị phân biệt đối xử, thực sự là một nhu cầu. Họ mong muốn rằng các chính sách mang tính phân biệt sẽ được sửa đổi, sao cho chúng chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước chứ không lấy sắc tộc làm cơ sở.
Đoan Trang